Chăm sóc sức khỏe các yếu nhân: Nghe oai nhưng đầy gian nan
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe
Nhà riêng của GS Phạm Gia Khải nằm trong một khu tập thể yên tĩnh ngay sau Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội. Hẹn ông 15h chiều chủ nhật cuối tháng 3, chúng tôi đến sớm 10 phút thì đã thấy ông đứng trước cửa mở rộng. Ông tươi cười: “Tính tớ nó thể, hẹn ai là cứ phải tới trước”. Thì ra ông vừa rời Phòng khám Đa khoa Khải An, nơi ông làm Giám đốc, về nhà tiếp chúng tôi. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn của ông tôi hỏi ông: “Chế độ và lịch làm việc của GS Phạm Gia Khải ở độ tuổi 80 hiện nay khác gì Giám đốc Viện Tim mạch Phạm Gia Khải lúc 40 tuổi?”. Ông cười: “Không khác gì mấy”.
Ông bảo, 6h30 ông thức dậy, thể dục, ăn sáng. 7h ngồi vào bàn lướt web, đọc báo, đọc “thượng vàng hạ cám” từ tin tức thời sự đến các vấn đề chuyên môn, kể cả các tin tức, sự kiện trên facebook, các diễn đàn mạng. “Con người không thể tách rời thế giới sinh động quanh mình được” - ông nói. 8h ông đến Viện Tim mạch Trung ương và bắt đầu ngày làm việc căng thẳng.
Ông xem xét, giải quyết các công việc còn tồn đọng của ngày trước đó, trả lời câu hỏi, xin tư vấn từ khắp nơi: Từ các cán bộ lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý, các hội đồng hội chẩn, ban giám đốc các bệnh viện. Rồi hướng dẫn luận án, thậm chí là chỉ trả lời xin tư vấn của một nghiên cứu sinh. Cũng có ngày ông phải tham gia hội chẩn vài ca điều trị. Có khi còn trực tiếp cầm dao mổ.
Giờ làm việc của ông kết thúc lúc 18 giờ. “Bình thường thì là vậy, nhưng đột xuất có ca bệnh nào đấy phải kịp thời hội chẩn, điều trị thì bất kể 2 hay 3 giờ sáng cũng phải dậy ra khỏi giường” - ông nói. Bận rộn là vậy, nhưng hằng tuần ông vẫn dành ra ngày chủ nhật để khám, tư vấn bệnh ở phòng mạch riêng Khải An.
Hỏi làm sao ở tuổi 80 rồi mà ông vẫn giữ được sức khỏe và khả năng làm việc phi thường như vậy. Ông bảo, các cụ nhà ta nói rồi: “Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe”. Ngoài ăn uống đủ chất, sinh hoạt điều độ và làm việc hết mình thì quan trọng nhất là cái tâm phải tĩnh, tránh những ưu phiền, buồn lo không đáng có. Tôi tâm đắc cái lý của nhà Phật: “Cái gì có thể giải quyết được thì rồi sẽ giải quyết được. Nên chẳng có gì phải lo lắng cả. Còn cái gì có lo lắng cũng không thể giải quyết được thì cũng chẳng nên lo lắng làm gì”.
Đam mê và khát vọng
GS Phạm Gia Khải nói ông có hai cái may mắn. Thứ nhất là, bố mẹ ông đều là trí thức. “Bố tôi đi theo cách mạng, sắt son với lý tưởng, ông là người truyền cho tôi ý chí với cuộc sống, không khuất phục trước khó khăn và luôn phải có tấm lòng trung thực. Nhà tôi có 8 anh chị em, chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn là nhờ mẹ, một phụ nữ Hà Nội cổ điển, gia giáo. Đối với bà điều quan trọng nhất gửi gắm ở các con là làm việc gì cũng để lại chữ “Đức”, tôi bước vào đời với những tình yêu thương vô bờ bến ấy”. Hai là, khi vào nghề “tôi may mắn được GS Đặng Văn Chung dành nhiều tình cảm và tâm huyết truyền nghề, tôi học được ở thầy không chỉ kiến thức mà còn nhân cách của một người thầy thuốc, thầy giáo, người làm khoa học. Còn người cho tôi phương pháp tư duy khoa học biện chứng trong công việc và cuộc sống lại chính là thầy giáo dạy triết Thẩm Trọng Tào. Thầy nói muốn đi đến được mục tiêu của mình phải xác định trong mọi vấn đề đâu là mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu, xác định đúng mới giải quyết đúng và đi đến đích”.
Cái đam mê và gắn bó trọn đời với nghề y của GS Khải bắt đầu bằng một chuyện hết sức tình cờ. “Dạo ấy, tôi khoảng 5-6 tuổi, mẹ làm thịt đôi chim bồ câu, tôi đã khóc, nghĩ sau này nhất định sẽ làm bác sĩ để cứu bồ câu. Lúc ấy tôi cứ nghĩ bồ câu cũng là người”. Đam mê ấy đã thôi thúc ông học và thi vào Trường Đại học Y Hà Nội.
Tốt nghiệp loại ưu chàng thanh niên đầy nhiệt huyết Phạm Gia Khải được phân công về công tác tại Bệnh viện Bạch Mai với vai trò vừa chữa bệnh cứu người vừa làm công tác giảng dạy. Và cũng chính từ đây cuộc đời và sự nghiệp của GS Khải, như ông thừa nhận, gắn liền với “ngôi nhà thân yêu” này.
Cũng chính tại đây, ông đã đi lên từ một bác sĩ, rồi chủ nhiệm Bộ môn Nội Tim mạch Đại học Y Hà Nội, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam; rồi Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. Ông đã đạt được tất cả những vinh quang vì những cống hiến của ông cho ngành tim mạch Việt Nam. Ông là Giáo sư, tiến sỹ Y học, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Trò chuyện với GS Khải, mặc dù ông rất tự hào với các thế hệ học trò của ông ở Viện Tim mạch Việt Nam vừa giỏi chuyên môn lại giỏi ngoại ngữ, nhưng nhìn chung ông vẫn cho rằng cái hạn chế lớn nhất của các nhà y học Việt Nam hiện nay ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh rất hạn chế. “Không có ngoại ngữ tốt thì việc tiếp cận với những tiến bộ của y học thế giới sẽ bị hạn chế rất nhiều” - GS Khải, người nói thông viết thạo 2 ngoại ngữ Anh, Pháp, nói.
“Tôi khẳng định mình chưa bao giờ nói trắng thành đen”
Tôi hỏi GS Phạm Gia Khải rằng việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho một người bình thường khác gì một yếu nhân, ông nói: Về nguyên tắc thì không có gì khác nhau cả. Họ đều là đối tượng được khám và điều trị. Tuy nhiên cán bộ Trung ương là những người nắm giữ các chức vụ quan trọng của đất nước nên phải hết sức thận trọng trong việc chẩn đoán và khám, chữa bệnh.
Ông là người đứng đầu hội đồng chuyên môn, mỗi quyết định của ông, chữ ký của ông về tình trạng sức khỏe của một vị nào đó là hết sức hệ trọng, đôi khi ảnh hưởng đến sự thăng tiến của một con người. Trước các kỳ đại hội, hoặc bầu bán, nếu một nhân vật nào đó bị phát hiện căn bệnh hiểm nghèo (ung thư chẳng hạn) thì coi như con đường thăng tiến là... chấm hết.
Khi được hỏi, trong những năm tháng làm Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đã có khi nào ông buộc phải ký xác nhận cho một vị nào đó “sức khỏe tốt” mặc dù vị ấy đang trọng bệnh chưa, ông Khải đăm chiêu một lúc rồi từ tốn nói: “Nếu nói trong cái nghề này không có tiêu cực là phi thực tế. Tuy nhiên với cá nhân tôi, tôi khẳng định rằng mình chưa bao giờ nói đen thành trắng”.
Rồi GS Khải đã kể cho chúng tôi nghe khá nhiều câu chuyện mà ông và các đồng nghiệp của mình gặp phải trong cái công việc “nhìn ngoài thì oai, nhưng đầy gian nan, phức tạp” này. “Trong lúc ốm đau bệnh tật, nhất lại là những căn bệnh hiểm nghèo, không phải ai cũng giữ được bình tĩnh, vì vậy công việc của các bác sĩ lúc này là phải hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn. Có những bác sĩ không chịu nổi áp lực phải xin nghỉ”- GS Phạm Gia Khải nói về những khó khăn mà những thầy thuốc làm nghề chăm sóc sức khỏe cho các yếu nhân luôn gặp phải. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng khó khăn như vậy.
GS Khải kể rằng, một trong những người để lại ấn tượng tốt đẹp nhất cho ông là ông Trần Đình Hoan - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương. “Đấy là con người đầy nghị lực, nhân hậu. Khi biết mình bị căn bệnh ung thư ông đã rất bình tĩnh, hợp tác triệt để và hoàn toàn tin tưởng vào đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam. Trước khi qua đời ông đã nắm tay tôi: “Tôi rất hài lòng về sự tận tụy cứu chữa của các đồng chí”. Rồi ông động viên chúng tôi, tin tưởng chúng tôi tiếp tục làm việc tốt”.
Câu chuyện của chúng tôi với GS Phạm Gia Khải cuối cùng cũng quay trở lại đề tài ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ông bảo, câu hỏi mà ông nhận được nhiều nhất từ các phóng viên trong nước và quốc tế lúc bấy giờ là liệu có phải ông Thanh bị đầu độc không. “Với một bác sĩ như tôi khi ấy chỉ có thể trả lời: Chúng tôi chưa có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy ông Thanh bị đầu độc cả”. Làm gì có chuyện bị đầu độc. Căn bệnh của ông Thanh là quá hiểm nghèo” - GS Khải kể.
Rồi ông nói, nhiều người trách ông sao lại đem chuyện tiền bạc ra nói khi ông Nguyễn Bá Thanh đang trọng bệnh. “Có không ít ý kiến thắc mắc sao ông Nguyễn Bá Thanh được điều trị vượt tiêu chuẩn như vậy. Tôi nói là để khẳng định rằng ông Thanh được Nhà nước chăm lo điều trị đúng theo tiêu chuẩn, còn phần ngoài tiêu chuẩn là gia đình ông ấy lo”.
Rời tư gia GS Phạm Gia Khải, để lại đó bao chuyện vui buồn trong nghề mà người đứng đầu ngành tim mạch Việt Nam đã kể cho chúng tôi nghe. Có những chuyện mà chúng tôi ghi được ra đây, cũng còn quá nhiều những câu chuyện mà đành phải giữ lại cho riêng mình.
Chúc GS Khải khỏe mạnh để tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời này!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất