Chân dung

Khoa học công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu: Cần được xã hội hóa, tạo động lực cho xã hội hóa

DNVN - Kỷ lục gia, Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam cho rằng KHCN ứng phó biến đổi khí hậu nói riêng và toàn lĩnh vực KHCN nói chung cần được xã hội hóa, tạo động lực cho xã hội hóa để đáp ứng với xu thế tất yếu của sự phát triển.

Xác lập Kỷ lục Thế giới và Việt Nam về Khoa học công nghệ cho Anh hùng Lao động - Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo / Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam Hoàng Đức Thảo: Khoa học và Công nghệ là động lực phát triển KT - XH

Sáng tạo không ngừng nghỉ cho lời giải ứng phó biến đổi khí hậu

Được trực tiếp trò chuyện với Kỷ lục gia, Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam trong những ngày cuối tháng 8/2022 với những đợt mưa lớn ảnh hưởng từ cơn bão số 3, mới thấm hết những nỗ lực vượt khó và thành công vượt trội của ông trong 19 năm qua. Đặc biệt là những nỗ lực của ông để thành “người hùng” sáng chế ứng phó biến đổi khí hậu.

Báo chí đã ca ngợi ông rất nhiều với vai trò là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) - TOP 10 doanh nghiệp sống bằng sáng tạo và trong hình ảnh của người đầu tiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Ông đã biến các giải thưởng trong và ngoài nước thành "sân chơi" quen thuộc với những người đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học. 2.900 công trình tham dự giải và 983 công trình đoạt giải thưởng, nhiều sáng kiến, giải pháp, cải tiến kỹ thuật của ông được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đưa phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa.

Sản phẩm công nghệ bê tông thành mỏng cốt phi kim của Kỷ lục gia, Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam.

Năm 2020, Liên minh Kỷ lục thế giới vinh danh ông là “Nhà khoa học nắm giữ số lượng Bằng sáng chế sở hữu trí tuệ nhiều nhất thế giới trong việc nghiên cứu, ứng dụng thực hành và thực chứng kết quả đồng bộ, với quá trình nghiên cứu, chế tạo, sáng tạo giải pháp, điều phối thi công và vận hành các sản phẩm phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu” cũng đã đủ để người Việt tự hào về ông.

GS,TSKH Trần Vĩnh Diệu, Anh hùng lao động, Nhà giáo Nhân dân, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hóa hữu cơ của Việt Nam đã rất ấn tượng về tính sáng tạo đột phá, hiệu quả, đặc biệt là hiệu quả kinh tế-xã hội-kỹ thuật và khả năng áp dụng rộng rãi (là điều không dễ dàng cho các công trình nghiên cứu) với cụm công trình "Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu" của Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Busadco.

Cụm công trình này đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ vào năm 2016, cho đến nay, đã được ứng dụng rộng rãi tại 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm 36 sản phẩm, giải pháp, giúp giảm ít nhất 20% chi phí so với giải pháp truyền thống, tạo ra công nghệ mới đạt trình độ tiên tiến quốc tế và khu vực trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường nước, phòng chống thiên tai và ứng phó với biển đổi khí hậu-mực nước biển dâng.

Tiêu biểu cho các sản phẩm sáng tạo này là công nghệ bê tông thành mỏng cốt phi kim để xây dựng hệ thống kênh, mương nội đồng và chống xói lở kiến tạo bờ sông, hồ và đê biển.

Sản phẩm của công nghệ này giúp tăng tuổi thọ công trình so với các giải pháp truyền thống, bảo đảm bề mặt cấu kiện láng mịn để hạn chế được khả năng bám bề mặt của các sinh vật biển. Trong đó, cấu kiện kè lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển bao gồm các modul cấu kiện được liên kết với nhau theo chiều dài công trình.

Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo cho biết, đến nay giải pháp công nghệ bê tông cốt phi kim đã được ứng dụng rộng rãi và triển khai hiệu quả tại nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thái Bình, Cà Mau....

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Thảo cho biết, để đạt được thành công này, có thời điểm, ông phải “trả giá” khi nghiên cứu về biển nhưng chưa hiểu hết về biển.

“Biển liên tục có sóng, nhất là sóng mạnh mỗi khi bão. Sự va đập của sóng vào bờ khiến bê tông mỏi, giảm chất lượng bên tông, khiến bê tông yếu đi dễ vỡ. Ban đầu triển khai tuyến kè bảo vệ bờ biển tại Cà Mau, do sơ suất chưa hiểu được điều này, tôi đã mất khoảng 60 tỷ đồng, phải mang thế chấp cả nhà đất tài sản để khắc phục và đã khắc phục thành công. Sai lầm ấy tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm, không để ai phải liên đới”, ông Thảo nói.

Nhờ có giải pháp công nghệ bê tông cốt phi kim, Công ty Busadco đã đi tìm lời giải hữu ích cho bài toán mà tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã phải mất nhiều trăn trở với tình trạng xói lở nghiêm trọng các dải ven bờ, đặc biệt là các khu vực cửa sông và vùng ven biển.

Ông Đỗ Hữu Hiền, Phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ việc ứng dụng thành công cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển do Công ty Busadco nghiên cứu, sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực.

Hiện công nghệ này của Busadco đã được lắp ghép với tổng chiều dài hơn 12.700km tại nhiều địa phương trên cả nước và được đánh giá hiệu quả cao.

Liên tục tạo điểm nhấn, giữa tháng 6/2020, thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Busadco “xuất quân” ra Hà Nội với tinh thần quyết tâm cao độ, khởi công xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm dài 1.500 m.

Công trình chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội này đã đạt giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021.

Với doanh thu khoảng 350 tỷ/năm (85% doanh thu phát sinh từ sản phẩm KHCN), nộp ngân sách khoảng 15 tỷ/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 450 người lao động với mức lương bình quân 8 triệu đồng/tháng, người Anh hùng trên mặt trận sản xuất kinh doanh Hoàng Đức Thảo đang đưa Busadco tiên phong dẫn đầu ngành thoát nước, khẳng định mạnh mẽ sự tự lực, tự cường, tự chủ của doanh nghiệp KHCN.

“Để được như ngày nay, tôi không chỉ là nhà kỹ thuật, sáng chế mà tôi phải là một nhà kinh tế, nhà quản lý, nhà thầu và là một doanh nghiệp. Tôi phải hiểu được tất cả. Thậm chí tôi còn phải là một công nhân, đi lên từ một người thợ”, ông Thảo khiêm tốn nói.

Tạo động lực cho xã hội hóa KHCN

Chia sẻ với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam, ông Thảo cho rằng “Chương trình KHCN ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020” của Bộ KHCN đã góp phần xây dựng, phát triển hệ thống giám sát BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Kỷ lục gia, Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam.

Chương trình cũng đã xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với các hiện tượng thiên tai cực đoan và các mô hình kinh tế ứng phó với mặn xâm nhập; góp phần phát triển nguồn nhân lực về ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua đào tạo hàng nghìn cán bộ nghiên cứu khoa học.

Trong thời điểm hiện nay, việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu rất quan trọng bởi doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức từ những tác động của biến đối khí hậu thành cơ hội.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã chỉ rõ việc thu hút doanh nghiệp KHCN tham gia vào quá trình thực hiện các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế liên quan đến cơ chế, chính sách.

“Tôi đề xuất Nhà nước cần làm mạnh xã hội hóa hoạt động KHCN. Bóc tách, phân loại trong hoạt động liên quan đến KHCN. Theo đó, những nghiên cứu cơ bản, hàn lâm, nghiên cứu mang tính quốc gia, liên quan đến an ninh quốc phòng thì Nhà nước làm, còn đâu hãy xã hội hóa, tạo sân chơi cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua đấu thầu, đấu giá.

Cần xóa bỏ cơ chế xin cho, chỉ định thầu. Không nên chỉ giao đề tài, chỉ tiêu cho viện nghiên cứu mà hãy tạo một sân chơi cạnh tranh lành mạnh để phát huy hiệu quả trong quá trình xã hội hóa hoạt động KHCN ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng và toàn lĩnh vực KHCN nói chug. Hoạt động KHCN đang là một xu thế tất yếu”, ông Thảo đề xuất.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm