Tin tức - Sự kiện

Chẳng lẽ không có tiền không được phát ấn?

Trao đổi với PV, ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nếu bắt buộc phải đóng góp 10.000 hay 20.000 đồng mới được phát ấn đền Trần là thương mại hóa lễ hội, mang tính mua bán.

Cảnh “bỏ tiền, phát ấn” tại Lễ hội đền Trần (Nam Định). Ảnh: Như Ý

 

 Không thương mại, thần thánh hóa

Tránh thương mại hóa lễ hội, là điều mà lúc nào nhà quản lý về văn hóa lễ hội cũng nói đến. Nhưng thực tế tình trạng trên vẫn không hề giảm ví như chuyện phát ấn đền Trần, theo phản ánh của dư luận, người ta không đưa ra quy định bắt buộc đóng tiền, nhưng chỉ khi người dân nộp tiền vào hòm công đức thì mới được phát ấn?

Nếu bắt buộc phải đóng góp 10.000, hay 20.000 đồng mới được phát ấn thì là thương mại hóa rồi. Bởi hòm công đức để ở đó, người dân muốn may mắn, muốn đóng góp, có thể bỏ chút tiền tùy tâm theo điều kiện kinh tế, chứ bắt buộc thì mang tính mua bán rồi. Chẳng lẽ người nghèo không có tiền để bỏ hòm công đức thì không được phát ấn hay sao? Qua theo dõi lễ hội thời gian qua, tôi cũng thấy không hài lòng khi tình trạng thương mại hóa lễ hội vẫn còn. Hát quan họ mà lại đi xin tiền thì đó không còn là truyền thống nữa rồi, nó mang tính thương mại và hết sức phản cảm.

Thế còn tình trạng tranh giành, cướp lộc bằng mọi giá, như ở đền Trần, ở Lễ hội cướp Phết (Vĩnh Phúc), đền Gióng (Hà Nội). Phải chăng người ta đang nghĩ rằng, chỉ thần thánh mới đem lại may mắn, tài lộc, công danh, thưa ông?


Cầu mong may mắn là nguyện vọng chính đáng của tất cả mọi người. Cái chính là anh thể hiện sự cầu mong đó như thế nào. Thực tế, có những lễ hội cũng thể hiện sự tranh giành mang tính nghi lễ, biểu tượng. Nhưng không có nghĩa là tranh giành bằng mọi giá, tranh giành bằng sức mạnh, bạo lực. Đã tranh giành bằng bạo lực, giẫm đạp lên nhau, dùng vũ lực để cướp của nhau thì rõ ràng là hành vi phản văn hóa rồi. Cướp như thế chẳng thể coi là may mắn. Đây là những suy nghĩ lệch lạc, chúng ta cần phải tăng cường tuyên truyền để mọi người nhận thức và hiểu cho đúng.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng trên là do sự yếu kém trong công tác tổ chức lễ hội. Lẽ ra, với số lượng người tham dự lễ hội đông như vậy, Ban tổ chức phải xây dựng kế hoạch, có biện pháp để bảo vệ, phòng ngừa. Anh không có kế hoạch, đám đông rất dễ trở nên hỗn loạn khi quá khích.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ các lễ hội ngày nay bị biến tướng có lỗi từ việc phục dựng lại lễ hội một cách mê tín, thương mại hóa thái quá. Ông bình luận sao về ý kiến trên?


Việc phục dựng các lễ hội có tính chất văn hóa truyền thống tốt đẹp là việc làm hết sức cần thiết. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, trước đây do điều kiện kinh tế, đời sống khó khăn nên các lễ hội thường được tổ chức với quy mô nhỏ, thậm chí nhiều lễ hội bị mai một. Thời gian qua, kinh tế phát triển, các địa phương cũng muốn quảng bá hình ảnh, du lịch nên việc phục dựng lễ hội được quan tâm nhiều hơn. Cùng với đó, đời sống người dân được cải thiện, số người tham gia vào các lễ hội cũng ngày một tăng lên.

Tuy nhiên, khi phục dựng lễ hội, quan trọng nhất là phải tránh được yếu tố thương mại hóa, tránh phục dựng thái quá hình thức mê tín và quảng bá quá mức để thu hút người ở các địa phương khác về dự. Bởi tính chất của lễ hội truyền thống ở mình phần lớn là gắn với làng, xã, vùng cụ thể, lễ hội có tính chất toàn quốc không nhiều. Những điều này thời gian qua chưa được quan tâm nhiều. Tới đây, chúng ta cần phải điều chỉnh sao cho việc phục dựng lại các lễ hội phải phát huy được yếu tố truyền thống, văn hóa tốt đẹp, tránh bị thương mại hóa, biến tướng.

Lễ hội có nhiều ý nghĩa giáo dục lại ít người tới


Nước ta có rất nhiều lễ hội ý nghĩa như Lễ hội Tịch điền, Lễ hội Minh thề (thề không tham nhũng)… Nhưng vì sao những lễ hội đó tỷ lệ người tham dự lại ít hơn rất nhiều so với những lễ hội có dấu ấn cầu thăng quan, tiến chức, tiền bạc… thưa ông?

Những lễ hội có yếu tố mang may mắn đến cho người tham gia lễ hội đương nhiên thu hút đông người. Còn những lễ hội không có ý nghĩa với cá nhân, dù dư luận có phản ánh, nhưng sức hút vẫn kém. Ngoài ra, cũng phải xem xét đến yếu tố tác dụng ngược của dư luận. Như Lễ hội chém lợn (Bắc Ninh), trước đây khi dư luận chưa nói đến nhiều thì số người tham dự ít. Gần đây nó được nhắc nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng thì số lượng người đi dự đông lên. Ngược lại, tịch điền dư luận cũng nói nhiều nhưng sức hút lại vẫn ít. Đây cũng là vấn đề mà chúng ta cần phải đặc biệt lưu tâm để làm sao những lễ hội có ý nghĩa giáo dục lớn thu hút được đông đảo sự tham gia của người dân và công chúng.

Cảm ơn ông.

Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo