Chất vấn quốc hội: Đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK
Lần đầu tiên Bộ trưởng Tài chính sẽ đăng đàn chiều nay trước QH. Sau 4 bộ trưởng, trưởng ngành, người "chốt" 2 ngày rưỡi chất vấn sẽ là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đưa Trường Sa, Hoàng Sa vào SGK
Trao đổi bên hành lang QH trước thềm phiên chất vấn kéo dài hai ngày rưỡi (10-12/6), Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh khẳng định "tất nhiên" các ĐB sẽ chất vấn Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận về việc "đưa ra rồi rút lại" con số 34 ngìn tỷ đồng của đề án đổi mới chương trình và SGK.
"Tôi biết là trong chất vấn gửi bằng giấy trước, rất nhiều ĐBQH đã hỏi về đề án và con số 34 nghìn tỷ đó, tại sao không làm tiếp mà dừng lại thế", ông Vinh nói.
Nhưng theo ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), việc viết lại SGK hết bao nhiêu tỷ không quan trọng, mà là viết như thế nào.
"Nội dung SGK phải lược bỏ tối đa những cái không cần thiết, nhưng không được lược bỏ cái khó. Những điều giữ lại, thậm chí chỉ bằng nửa khối lượng hiện nay, cần cho sự phát triển tư chất cũng như trí tuệ của trẻ em, thì chỉ những người có tầm xa thì mới chọn được", bà An nói.
Trong bối cảnh Biển Đông nóng bỏng hiện nay, ĐB Hà Nội đồng tình đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK: Cần dạy các em hiểu biết tự giác là mình có những gì, đất nước mình ra sao, hình dáng thế nào, để các em nhập tâm ngay từ bé. Còn môn lịch sử, quan trọng hơn, phải truyền được cho các em tình yêu đất nước.
Thay đổi cách quản lý DNNN
Đây là một nội dung mà Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong lần đầu tiên đăng đàn QH kể từ khi nhậm chức, sẽ trả lời. Trong khi đó, các ĐB tiếp tục kiến nghị có một cơ quan riêng quản lý những doanh nghiệp đặc thù này.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận định một cơ quan ngang bộ quản lý thống nhất các DNNN là vai trò cần thiết trong lúc này.
"Nếu thêm một cơ quan ngang bộ mà quản lý tốt hơn bây giờ thì không phải là không nên làm. Nước nào cũng vậy, cần thì vẫn phải đẻ ra bộ máy để làm. Ta cứ để mãi như thế này thì làm sao gọi là quản lý nhà nước được", ông Lịch nói.
ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) khẳng định một nền kinh tế quản lý theo kiểu hiện đại, đi sâu vào kinh tế thị trường thì bộ chủ quản phải "xóa càng nhanh càng tốt".
"Phải nâng trình độ giải quyết, có cơ chế, biện pháp để tạo nên sự chủ động, sáng tạo, khi cái này vươn lên, thì cái kia nhả ra, đủ sức gánh vác mà không gây trở ngại cho nền kinh tế", ông Kiêm nói.
Chất vấn về Biển Đông
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận định tình hình Biển Đông sẽ được hỏi nhiều vì "nội dung chất vấn không có vùng cấm" khi liên quan đến lợi ích của đất nước và nhân dân.
"Vấn đề quốc phòng an ninh, quan hệ ngoại giao, chủ quyền lãnh thổ bị xâm hại, các ĐB đều có quyền chất vấn. Vì đó là vấn đề cử tri, nhân dân hết sức quan tâm. Đó cũng là trách nhiệm của QH, Nhà nước, Chính phủ và của các bộ trưởng. Không có gì là cản trở hay ngần ngại mà không thể không chất vấn", ông Nghĩa nói.
"Một mặt, những người lãnh đạo đất nước phải có cách thông tin đến nhân dân, để nhân dân có niềm tin, vì đất nước này là của nhân dân, họ có quyền hỏi, lãnh đạo có trách nhiệm trả lời", ông Nghĩa nói. "Mặt khác, tôi tin những người lãnh đạo, trước diễn biến ở Biển Đông, đang làm hết sức mình để tìm cách giải quyết, cho dù nói hay không nói, để làm sao vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia, vừa tìm cách chấm dứt hành vi xâm lấn của TQ, vừa bảo vệ được hòa bình để chúng ta tiếp tục phát triển kinh tế, ổn định xã hội".
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo