Tin tức - Sự kiện

Châu Á dốc sức đua vũ trang

Ngoài mục đích nâng cấp thiết bị quân sự, việc mất lòng tin ngày càng tăng khiến nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương gia cố sức mạnh quân sự.
 
Chi tiêu quân sự toàn cầu nói chung đang có xu hướng giảm nhưng tại châu Á và châu Đại Dương lại tăng. Riêng châu Á - Thái Bình Dương được dự báo là thị trường quân sự lớn nhất thế giới với thị phần hơn 33% vào năm 2025.
 
Quân đội Philippines và Mỹ tập trận thường niên Balikatan 2015 ở căn cứ Magsaysay, phía Bắc Philippines hồi tháng 4. Ảnh: US ARMY
 
Mất lòng tin lẫn nhau
 
Theo Tổ chức Tình báo quốc phòng chiến lược (SDI), Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc sẽ dẫn đầu danh sách chi tiêu quân sự lớn nhất.
 
Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm nay sẽ đạt 145 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2014, bất chấp kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Hồi tháng 4, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố ngân sách quốc phòng sẽ tăng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020.
 
Còn chính phủ Úc có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP trong 10 năm tới. Riêng Ấn Độ đang hoàn tất thỏa thuận mua 36 máy bay Rafale của Pháp nhằm tăng sức mạnh cho không quân.
 
Bên cạnh mục đích nâng cấp kho vũ khí, sự mất lòng tin lẫn nhau ngày càng tăng trong khu vực góp phần tạo ra xu hướng trên.
 
Trung Quốc đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về những hành động đơn phương sai trái tại biển Đông , từ bồi lấp các rạn san hô đến xây đảo nổi di động.
 
“Có thể sử dụng đảo nổi di động cho cả mục đích dân sự và quân sự, trong đó có tiếp tế, là nơi hạ cánh của máy bay và làm căn cứ cho các phương tiện đổ bộ” - theo bài viết đăng trên tạp chí Popular Science hồi cuối tháng 4.
 
Chiến lược xoay trục sang trang
 
Tại Đông Bắc Á, chương trình hạt nhân của Triều Tiên tiếp tục ám ảnh Hàn Quốc.
 
Một báo cáo gần đây của Trung Quốc ước tính Triều Tiên đang sở hữu khoảng 20 đầu đạn hạt nhân, đồng thời có thể sản xuất đủ lượng uranium để mở rộng gấp đôi kho vũ khí vào năm tới.
 
Dịch xuống Nam Á, Ấn Độ đang dè chừng một Pakistan không ngừng cải tiến vũ khí. Islamabad từng công khai ý định phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn để răn đe New Delhi.
 
Song song đó, quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ giữa Pakistan và Trung Quốc càng làm Ấn Độ lo lắng. Hồi tháng 4, Bắc Kinh cho biết sẽ bán 110 chiếc máy bay chiến đấu “Thần sấm” JF-17 cho Islamabad.
 
Theo kênh RT (Nga), cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á trùng hợp với thời điểm Mỹ mở giai đoạn mới trong chiến lược xoay trục sang khu vực này, tập trung vào việc cải thiện các mối quan hệ quốc phòng.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hứa hẹn Washington sẽ tăng cường đưa đến châu Á nhiều vũ khí tối tân, như: máy bay chiến đấu, máy bay ném bom tàng hình, tàu chiến thế hệ mới…
 
Mỹ dường như đang thiết lập một mạng lưới quốc phòng bao vây Trung Quốc, với sự tham gia của một số nước ở Đông Nam Á và Nam Á (như Ấn Độ).
 
Ngoài ra, Washington còn giúp Seoul cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu để đương đầu với Bình Nhưỡng và không thể thiếu việc cổ vũ Nhật Bản mở rộng vai trò an ninh trong khu vực.
 

Mỹ khước từ Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1-5 tuyên bố hoạt động xây dựng và cải tạo trái phép của Trung Quốc trên biển Đông “không giúp gì cho hòa bình khu vực”, bất kể các cơ sở được Bắc Kinh sử dụng cho mục đích nào. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke khẳng định lập trường của Washington không đổi, đó là các hoạt động này “không góp phần làm ổn định khu vực”.

Trước đó, Trung Quốc ngang nhiên mời Mỹ và một số quốc gia khác sử dụng các “cơ sở dân sự” đang được Bắc Kinh xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam để tìm kiếm cứu nạn, dự báo thời tiết khi “điều kiện thích hợp”.

Trong cuộc điện đàm mới đây với Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi một lần nữa bao biện rằng các hoạt động xây dựng của Bắc Kinh trên biển Đông không ảnh hưởng đến tự do hàng hải hay hàng không.

 
 
Theo NLĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo