Châu Thị Thu Nga, bài học nhân sự Quốc hội khóa tới?
Năm 2011, tôi cầm lá phiếu đi bầu đại biểu Quốc hội khoá 13 ở phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cũng do vô tình, ngay lúc đó có một người phàn nàn sau lưng khi tôi đang đọc tiểu sử của các ứng cử viên.
Tôi không còn nhớ chính xác câu nói của vị công dân nọ, hình như đại thể là "tưởng ai, hoá ra cô này (ý nói bà Châu Thị Thu Nga), doanh nghiệp có trụ sở gần nhà mình mà cũng là ứng viên đại biểu Quốc hội sao?". Tôi ngoái lại thì thấy vị nọ cười khẩy tỏ ý hoài nghi. Chính điều đó khiến tôi có phần phân vân và buộc tôi đọc thêm lần nữa tiểu sử của bà Nga. Sau đó, tôi đi tới quyết định gạch tên bà, mà cũng do bị cái "ấn tượng" của người kia truyền lây sang. Vậy mà bây giờ, chuyện cũ đã nghiệm ra nhiều điều đáng suy nghĩ.
Sau hôm 7.1.2015 khi bà Thu Nga bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra chuyện bà ta lừa đảo của khách tới hơn 377 tỉ đồng tiền mua căn hộ thuộc "dự án trên giấy" của cái gọi là "tập đoàn" Housing Group do bà làm chủ tịch, tôi vội sang gõ cửa hỏi lại một bác từng có chân trong tổ dân phố xem có đúng doanh nghiệp này có thời gian từng mở Văn phòng trên địa bàn mà ông nắm không (số 152 Phố Nguyễn Ngọc Nại, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân)? Ông bảo: "Phải đấy! Cô ta bị bắt hôm qua. Nhưng họ chuyển đi khỏi đây từ năm 2011 rồi".
Nếu Quốc hội khoá 13 được bầu vào tháng 4.2011 thì rõ ràng cho thấy, ngay vào khoảng thời gian đó "tập đoàn" nọ của bà Thu Nga đã có chuyện rồi bởi nghe nói, số nhà này đã có không ít khách hàng "hỏi thăm", thắc mắc tiến độ xây dựng dự án B5 Cầu Diễn lúc đó đã chậm so với cam kết. Song, nghe đâu họ không tìm nổi vì doanh nghiệp này đã chuyển đi khỏi đây mà không có thông báo cho ai hay.
Trong số đó, anh N.T.Nh (Hà Tĩnh) và chị N.T.T (Sơn La) đều đã nộp 700 triệu đồng từ năm 2011 để mua căn hộ tại dự án B5 Cầu Diễn. Riêng chị T., để được quyền mua căn hộ tại đây, chị phải “bôi trơn” thêm gần 200 triệu đồng. Họ đã trở thành nạn nhân của bà Thu Nga kể từ năm đó. Năm mà bà được hiệp thương giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 13. Và đây cũng là thời gian bà là Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016. Kiểm tra tài chính vài năm qua của tập đoàn này, người ta phát hiện ra các báo cáo tài chính thường niên đều thiếu trung thực.
Nếu bà Thu Nga là người có đủ phẩm chất, tư cách đạo đức và năng lực thực sự để tham gia làm người đại diện cho cử tri gánh vác trọng trách cao cả này thì đi một nhẽ. Đằng này, theo điều tra của cơ quan pháp luật, sự gian dối có ở doanh nghiệp do bà Thu Nga đứng đầu đã manh nha từ năm 2008.
Dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn (Hà Nội) chưa hề được UBND TP.Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp Giấy phép xây dựng nhưng bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT Housing Group và đồng sự đã tự dựng mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để ký 752 hợp đồng góp vốn và thu 377.287.934.482 đồng của nhà đầu tư, đến nay không còn khả năng chi trả. Hành vi của bà Châu Thị Thu Nga đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo tôi tìm hiểu, sau khi đắc cử đại biểu Quốc hội, bà Châu Thị Thu Nga nổi đình nổi đám hẳn lên. Hàng loạt chức danh cứ vù vù bay tới tay bà, nào là Phó trưởng ban Điều hành mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam khu vực miền Bắc - Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nào là Chủ tịch CLB Vườn ươm doanh nhân - Hội LHTN TP.Hà Nội, đến một loạt chức danh rất hoành tráng như: Thành viên Tổ chuyên gia liên ngành - Ban Chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà và thị trường bất động sản, Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Ủy viên tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa LB Đức, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP.Hà Nội và Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy viên Ban thường trực nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Không khéo, do nhờ vào những chức danh đầy mình này mà bà "đánh võng dễ hơn, lách ngon lành" khỏi sự nghi ngờ của khách hàng lỡ nộp tiền mua dự án của bà mà mất tăm, kiện cáo hoài mà không được (và rất có thể, họ còn không dám tin, một người như vậy lại đi lừa). Điều tai hại và cũng thật trớ trêu, chính là ở chỗ này!
Vấn đề là trong quá trình hiệp thương giới thiệu bà Thu Nga tham gia Quốc hội, không lẽ các cơ quan có trách nhiệm không có cách nào xác minh uy tín của doanh nghiệp đó thực hư thế nào, đạo đức của ứng viên đó ra sao? Hiệu quả kinh doanh dăm ba năm gần nhất thế nào ?
Phải chăng, cách làm nhân sự của chúng ta đang có những lỗ hổng nhất định, đáng phải xem lại quy trình? Thậm chí, liệu có ai tiến cử gượng ép không? Không lẽ, chuyện làm ăn khuất tất của doanh nghiệp trên, đã diễn ra từ 2008 mà các cơ quan hiệp thương bầu cử đều không nắm được trong khi suốt thời gian này, bà Thu Nga đã có dấu hiệu lừa đảo trong làm ăn? Đó là chuyện cần rút kinh nghiệm.
Thay cho lời kết, nói như ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (đại biểu Quốc hội Quảng Trị) thì "đây không phải là lần đầu tiên đại biểu Quốc hội bị bắt. Chúng ta cần phải rút ra bài học rất nghiêm túc trong việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hà Nội là địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2024
Rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm
Ngành dệt may trước kỷ nguyên mới - Bài cuối: Thích ứng, vượt thách thức
Trao Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII
Thủ tướng Chính phủ: Đà Nẵng nghiên cứu, sớm triển khai hoạt động lấn biển
Từ 1/1/2025 chính thức đổi khung giờ bắt buộc bật đèn xe, ai cũng phải biết kẻo bị phạt tiền