Tin tức - Sự kiện

Chạy đua vũ trang vì Falklands/Malvinas

Anh quyết định sắm siêu tên lửa FLAADS để triển khai đến quần đảo tranh chấp Falklands/Malvinas giữa lúc Argentina lên kế hoạch tăng cường chiến đấu cơ từ Nga.

 Ảnh phác thảo thiết kế tên lửa phòng không FLAADS - Ảnh: MBDA

Theo trang tin Defense News, quân đội Anh sẽ sớm được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không mới FLAADS sau khi Bộ Quốc phòng nước này ký thỏa thuận với tập đoàn sản xuất tên lửa hàng đầu của châu Âu MBDA hồi tháng trước. Chi tiết hợp đồng chưa được tiết lộ song theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh, thỏa thuận trị giá lên tới 228 triệu bảng (khoảng 7.400 tỉ đồng). Truyền thông Anh đưa tin vũ khí mới sẽ được đưa vào hoạt động trước hết tại quần đảo Falklands (Argentina gọi là Malvinas) nhằm ứng phó với các động thái từ Argentina.
Sát thủ FLAADS
Hiện nay, để bảo vệ quyền kiểm soát Falklands/Malvinas, Anh đang dựa vào tổ hợp tên lửa phòng không Rapier nhưng hệ thống này bị đánh giá đã lỗi thời và hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, theo tờ The Sun, Bộ Quốc phòng Anh quyết định mua FLAADS sau khi Argentina hồi cuối tháng trước tiết lộ rằng nước này sẽ thuê chiến đấu cơ từ Nga. “Không quân Argentina không được nâng cấp nhiều kể từ sau trận chiến năm 1982 nhưng họ luôn nỗ lực vượt qua tình trạng này mặc dù tài chính eo hẹp. Nói đến việc bảo vệ Falklands, Anh lúc nào cũng phải đi trước một bước. Rapier là tài sản lớn nhưng đã đến lúc cần hệ thống mới để chống lại những mối đe dọa lớn hơn”, tờ The Sun dẫn lời một quan chức quốc phòng Anh tuyên bố.
Thật ra ngay từ tháng 5.2014, Bộ Quốc phòng Anh đã quyết định chi 36 triệu USD làm kinh phí phát triển bước đầu để MBDA nghiên cứu tên lửa FLAADS. Theo các nguồn tin quân sự, FLAADS có thể di chuyển với tốc độ 1.000 m/giây và có khả năng chống lại mọi mối đe dọa, từ máy bay chiến đấu cho đến tên lửa hành trình siêu thanh. Thiết kế ban đầu cho thấy phiên bản đất đối không của FLAADS sẽ được lắp trên xe tải đặc chủng với các ống phóng tên lửa thẳng đứng.
Bộ Quốc phòng Anh khẳng định hệ thống tên lửa mới sẽ được đánh giá kỹ lưỡng trong giai đoạn thử nghiệm trước khi triển khai thay thế hệ thống tên lửa phòng không Rapier. Tuy nhiên, một số chuyên gia dự đoán giới chức London sẽ từng bước triển khai hệ thống FLAADS trong giai đoạn 2015 - 2017 và tiến tới xây dựng hệ thống phòng không hoàn chỉnh vào cuối thập niên này. Một phát ngôn viên quân đội Anh từ chối bình luận chi tiết mà chỉ nói: “Vị thế quân sự tổng thể của chúng tôi ở nam Đại Tây Dương thường dựa trên cơ sở đánh giá thường xuyên về các mối đe dọa và quần đảo Falklands vẫn được bảo vệ tốt, chúng tôi không bình luận chi tiết các hoạt động cụ thể. Chúng tôi tiếp tục cảnh giác và cam kết bảo vệ cư dân trên quần đảo Falklands”.
Chiến đấu cơ Su-24 có thể gây nhiều khó khăn cho hệ thống phòng thủ của Anh tại Falklands/Malvinas - Ảnh: Reuters
Kế hoạch của Argentina
Argentina chưa có phản ứng về các tuyên bố từ Anh mà đang tập trung vào kế hoạch dùng lương thực, thực phẩm đổi chiến đấu cơ Sukhoi của Nga. Theo Đài RT, Moscow và Buenos Aires đang tích cực thảo luận về thỏa thuận Nga cho thuê 12 chiếc máy bay tiêm kích siêu thanh Sukhoi Su-24 Fencer để đổi lấy thịt bò và bột mì của Argentina. Một số nguồn tin cho biết mục tiêu chủ yếu của phi đội mới sẽ là quần thảo vùng trời Port Stanley, thủ phủ quần đảo Falklands/Malvinas. Tuy Su-24 Fencer hoạt động đã lâu nhưng vẫn được xem là một trong những loại tiêm kích lợi hại nhất và được NATO gọi là “siêu chiến đấu cơ”, theo tờ Daily Mail. Máy bay này có tầm hoạt động khoảng 3.200 km và sở hữu tên lửa dẫn đường bằng laser.
Ngoài ra, trong nỗ lực tăng cường sức mạnh cho quân đội, Argentina cũng đã ký hợp đồng mua bán vũ khí đầu tiên với Nga hồi năm 2010. Theo thỏa thuận, Nga bán cho Argentina 2 máy bay trực thăng Mi-17. Mới đây, hai bên tiếp tục thông qua thỏa thuận về việc Moscow cung cấp 4 tàu kéo và tiếp liệu cho hải quân Argentina.
Giới chức quốc phòng Anh còn lo ngại không quân Argentina sẽ được trang bị chiến đấu cơ Nga trước khi London kịp triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và phi đội chiến đấu cơ F-35B đến nam Đại Tây Dương vào năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc Anh có thể rơi vào thế yếu nếu xảy ra một cuộc xung đột mới bởi khoảng cách từ Argentina đến Falklands/Malvinas gần hơn nhiều so với từ Anh. Ngoài ra, kế hoạch cắt giảm chi tiêu quốc phòng khiến Anh hiện chỉ có thể duy trì tại Falklands/Malvinas 4 máy bay chiến đấu Typhoon, tổ hợp tên lửa Rapier và chưa tới 1.200 binh sĩ, được hỗ trợ bởi một tàu chiến thực hiện tuần tra quanh năm.
 
Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo