Thị trường

Chây ỳ nợ thuế: "Mềm dẻo" không được sẽ cưỡng chế bằng biện pháp mạnh

(DNVN) - Đại diện Cục thuế TP. Hà Nội cho biết, những doanh nghiệp nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hành nghề...nếu cố tình chây ỳ không nộp thuế.

Hàng trăm nghìn lượt thông báo nhắc nhở vẫn chây ỳ

 Vừa qua, Cục thuế TP. Hà Nội đã công bố danh sách hàng loạt doanh nghiệp nợ tiền thuế và hầu hết các doanh nghiệp trong danh sách nợ đọng thuế mà Cục này vừa bêu tên đều hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và Bất động sản.

Theo đó, tổng cộng cả 3 lần công bố thì số doanh nghiệp nợ thuế lên tới 169 doanh nghiệp, trong đó đợt I là 23 doanh nghiệp, đợt II là 50 doanh nghiệp và đợt 3 là 96 doanh nghiệp. Cũng trong 3 lần công khai danh sách nợ thuế, Cục thuế Hà Nội cũng công khai luôn 38 dự án nợ tiền sử dụng đất.

Cục thuế Thành phố Hà Nội.
Cục thuế Thành phố Hà Nội.

Liên quan đến việc này, trả lời trên Doanhnghiepvn.vn, đại diện Cục thuế cho biết, mặc dù đã dùng các biện pháp để nhắc nhở đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp nợ thuế nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ của mình nhưng cho đến nay số doanh nghiệp chây ỳ nộp tiền thuế.

Cụ thể, trong thời gian qua Cục thuế Hà Nội đã ban hành 175.196 lượt thông báo nợ đến người nợ thuế để đôn đốc nhắc nhở người nộp thuế (NNT) nộp kịp thời.

Bên cạnh đó, Cục thuế Hà Nội cũng đã ban hành 1.885 Quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng của các đối tượng nợ thuế; Ban hành 59 Quyết định cưỡng chế nợ bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Đại diện Cục thuế cũng cho biết, thời gian qua Cục này cũng đã giải quyết gia hạn nợ đối với 13 đơn vị, tổng số tiền gia hạn 55,4 tỷ; giải quyết xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007 của 8 đơn vị số tiền 15 tỷ.

"Trong thời gian qua, chúng tôi cũng thực hiện phân tích nợ, xác định nguyên nhân nợ, tình trạng hoạt động SXKD của các doanh nghiệp nợ trọng điểm có tổng số nợ chiếm tỷ trọng 60 % tổng nợ toàn ngành để áp dụng biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ nhằm răn đe các doanh nghiệp khác nhưng nhiều đơn vị vẫn cố tình chầy ỳ", đại diện Cục thuế Hà Nội cho biết.

 

Đổ lỗi cho nền kinh tế

Theo đại diện Cục thuế Hà Nội, nhiều đơn vị xin gia hạn nộp thuế, chậm nộp thuế đều lấy lý do là vì thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp đều đổ lỗi do thị trường bất động sản trầm lắng; thị trường chứng khoán chưa thật sự khởi sắc; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, một bộ phận doanh nghiệp bị thua lỗ phải hoạt động cầm chừng hoặc giải thể; sức mua giảm, thị trường bị thu hẹp; tồn kho tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao (nhất là tồn kho bất động sản, vật liệu xây dựng).

Đại diện Cục thuế Hà Nội cũng cho biết, trong quá trình triển khai các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng tiền thuế, đặc biệt đối với các trường hợp nợ tiền sử dụng đất, Cục này nhận thấy nguyên nhân là do một số dự án hiện chưa triển khai hoặc chậm tiến độ triển khai, không có khả năng về tài chính nên nợ tiền SDĐ.

Ngoài ra, một số dự án đang làm hạ tầng, xây móng nên chưa đủ điều kiện huy động vốn dẫn đến nợ tiền SDĐ. Trong khi đó, một số dự án tuy đã đủ điều kiện bán hàng, huy động vốn nhưng vẫn chưa bán được hàng, chưa huy động được vốn do thị trường vẫn còn khó khăn về nhu cầu nhà ở.

"Đặc biệt một số dự án tuy đã được hưởng ưu đãi gia hạn nộp tiền SDĐ theo các Nghị quyết của Chính phủ nhưng do khó khăn về tài chính nên đến hạn nộp vẫn nợ tiền SDĐ", đại diện Cục thuế cho biết.

 

Sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh nếu doanh nghiệp cố tình trốn thuế

 Liên quan đến việc xử lý doanh nghiệp cố tình không nộp thuế, đại diện Cục thuế khẳng định sẽ chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác quản lý nợ thuế đúng Quy trình và quy định của pháp luật thuế hiện hành.

Cụ thể, đơn vị này sẽ thực hiện việc phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng nợ thuế để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả: động viên, thuyết phục doanh nghiệp có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế; ban hành thông báo nợ và tiền chậm nộp đối với đối tượng nợ thuế để đôn đốc nộp nợ.

Triển khai quyết liệt công tác cưỡng chế nợ thuế (Cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp nợ thuế, Thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng đối với doanh nghiệp nợ thuế); Kiến nghị các cấp có thẩm quyền có cơ chế, giải pháp, chế tài hiệu quả để công tác cưỡng chế nợ có tính khả thi cao.

Riêng đối với những trường hợp nợ thuế lớn, chây ỳ xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; những đơn vị đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh thu bán hàng, có dòng tiền luân chuyển nhưng vẫn nợ thuế; các dự án được gia hạn nhưng quá hạn chưa nộp tiền sử dụng đất; các dự án đã bán hàng, thu tiền nhưng vẫn nợ tiền sử dụng đất thì cơ quan Thuế kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng và các biện pháp mạnh khác theo quy định của pháp luật.

 

Bên cạnh đó, Cục này cũng sẽ phối hợp với các cơ quan báo, đài công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách những tổ chức, cá nhân chây ỳ, dây dưa nợ thuế, đặc biệt là các dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất lâu ngày, số nợ lớn hoặc đã được UBND thành phố quyết định gia hạn nhưng không chấp hành nộp đúng thời hạn.

Tuy nhiên, đại diện của Cục thuế Hà Nội cũng cho biết, nếu sử dụng các giải pháp "mềm dẻo" trên mà các doanh nghiệp vẫn cố tình trốn thuế thì Cục này sẽ dùng biện pháp mạnh để thu nợ.

"Sau khi triển khai các giải pháp nếu doanh nghiệp vẫn không nộp thuế thì chúng tôi sẽ trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế tại kho bạc, tổ chức tín dụng, yêu cầu các đơn vị này thực hiện phong tỏa tài khoản; thông báo hợp đồng không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền thuế nợ; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; thậm chí là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập, hành nghề…", đại diện Cục thuế Hà Nội cho biết.

Cũng theo vị đại diện này, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo cũng sẽ được thực hiện khi không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền thuế nợ.

Cuối cùng, đại diện Cục thuế Hà Nội cũng cảnh báo người dân không nên mua nhà của những doanh nghiệp có dự án nợ tiền SDĐ. Theo vị đại diện này, quy định về thu tiền SDĐ và quy định của pháp luật thuế, việc chậm nộp tiền SDĐ của các chủ đầu tư dự án sẽ bị cơ quan Thuế xử lý tho quy định thông qua việc xác định khoản tiền chậm nộp phải nộp NSNN với mức 0,05%/ngày tính trên số tiền SDĐ chậm nộp và số ngày chậm nộp.

 

"Cơ quan Thuế sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế nhằm thu đủ số tiền SDĐ nợ vào NSNN theo quy định. Việc chủ đầu tư dự án nợ tiền SDĐ thể hiện việc chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật của chủ đầu tư và là dấu hiệu cho thấy chủ đầu tư cơ những khó khăn, vướng mắc về tài chính để thực hiện dự án… Thông qua việc công khai thông tin về tình hình nợ tiền SDĐ, người mua nhà sẽ có thêm một kênh thông tin để lựa chọn, quyết định khi tiến hành giao dịch nhằm hạn chế rủi ro khi mua nhà từ các chủ đầu tư không chấp hành pháp luật, hạn chế về năng lực tài chính", vị đại diện Cục thuế nhấn mạnh.

Bộ Tài chính yêu cầu cưỡng chế doanh nghiệp nợ thuế

 Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn số 9901/BTC-TCT gửi Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc công bố thông tin và tổ chức cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Theo đó, trên cơ sở các quy định của  Luật Quản lý Thuế, trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Thuế về việc tổng hợp danh sách các doanh nghiệp nợ thuế lớn  đến thời điểm 30/6/2015, Bộ tài chính đã công bố danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế thuộc 63 Cục Thuế địa phương.
Công văn nêu rõ, việc tổng hợp danh sách các doanh nghiệp nợ thuế lớn đến thời điểm 30/6/2015 theo các tiêu chí như sau: Là những người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn nhất trên địa bàn;  Là các đối tượng có các khoản tiền thuế nợ đã quá 121 ngày, cơ quan Thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, chậm nộp nhưng vẫn chưa thực hiện.
Công văn cũng cho biết, để đảm bảo công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thực hiện đúng quy định của pháp luật, Bộ Tài chính yêu cầu các Cục Thuế địa phương căn cứ vào Bảng Tổng hợp danh sách người nộp thuế có số tiền nợ lớn đến ngày 30/06/2015 theo địa bàn quản lý của từng Cục Thuế để thực hiện công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp: trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại ngân hàng thương mại; yêu cầu phong tỏa tài khoản hoặc biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng theo đúng quy định tại Điều 97 hoặc Điều 98a của Luật quản lý thuế để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.
Cục thuế Hà Nội: Đến ngày 15/7/2015 đã có 15/38 dự án sau công khai nợ tiền sử dụng đất đã nộp vào Ngân sách Nhà nước 219 tỷ 377 triệu đồng. Bên cạnh đó, cũng đã có 65/169 doanh nghiệp sau công khai nợ tiền thuế đã nộp vào Ngân sách Nhà nước 35 tỷ 395 triệu đồng. 

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo