Điểm lại các "đại gia" bất động sản bị bêu tên vì nợ thuế
Theo đó, tổng cộng cả 3 lần công bố thì số doanh nghiệp nợ thuế lên tới 169 doanh nghiệp, trong đó đợt I là 23 doanh nghiệp, đợt II là 50 doanh nghiệp và đợt 3 là 96 doanh nghiệp. Cũng trong 3 lần công khai danh sách nợ thuế, Cục thuế Hà Nội cũng công khai luôn 38 dự án nợ tiền sử dụng đất.
Theo danh sách công khai các doanh nghiệp chây ỳ, nợ thuế của Cục thuế Hà Nội vừa qua, có thể nhận thấy chủ yếu vẫn là những doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng, bất động sản. Trong đó xuất hiện những cái tên khá quen thuộc như: Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Phát Triển Nhà Và Đô Thị Vinaconex, Công Ty Cổ Phần Sông Đà Thăng Long, Cavico...
Đứng đầu trong danh sách chính là "đại gia" Sông Đà Thăng Long với số tiền thuế nợ đọng cao nhất, lên đến 375,23 tỷ đồng. Theo báo cáo thường niên năm 2014, Công ty CP Sông Đà Thăng Long lỗ nặng gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2014, lỗ lũy kế hợp nhất lên đến 1.484 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu âm 1.306 tỷ đồng.
Với kết quả này, tại ĐHCĐ năm 2015, Sông Đà Thăng Long chỉ dám đưa ra kế hoạch doanh thu 2015 là 180 tỷ đồng và không hề đưa ra kế hoạch lợi nhuận cho năm 2015.
Tiếp đến là hệ thống các doanh nghiệp “họ” Cavico. Cái tên Cavico đã từng làm mưa làm gió trên TTCK những năm 2006, 2007, thế nhưng thời gian gần đây, không mấy ai còn nhớ đến tên cổ phiếu này vì đã bị hủy niêm yết. Thương hiệu Cavico cũng dần biến mất khi các công ty Cavico không còn duy trì website giới thiệu về mình.
Với số nợ ngân hàng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, do vậy cũng không gây bất ngờ khi trong danh sách nợ thuế có nhiều công ty thuộc “họ” Cavico nằm trong danh sách này gồm: CTCP CAVICO xây dựng cầu hầm (nợ 80,48 tỷ đồng tiền thuế); CTCP CAVICO xây dựng thuỷ điện (54,86 tỷ đồng); CTCP CAVICO Điện lực và Tài nguyên (29,23 tỷ đồng); và CTCP Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và Xây dựng (21,9 tỷ đồng), Công ty cổ phần CAVICO giao thông ( 26,2 tỷ đồng), Công ty cổ phần CAVICO xây dựng hạ tầng (22 tỷ đồng)...
"Cán đích" ở vị trí tiếp theo là các công ty mang "họ" Viglacera khi có các doanh nghiệp gồm: CTCP Viglacera Hà Nội (88 tỷ đồng); CTCP Cơ khí & Xây dựng viglacera (50,2 tỷ đồng); và Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera - Chi nhánh Tổng Công ty Viglacera (39,9 tỷ đồng).
Trong số các doanh nghiệp và dự án bất động sản bị bêu tên, có nhiều dự án nợ tiền sử dụng đất hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng văn phòng giao dịch, nhà ở, chung cư cao tầng, biệt thự nhà vườn để bán và cho thuê của Công ty CP Sản xuất bao bì và Hàng xuất khẩu (quận Hoàng Mai) với hơn 322 tỷ đồng; CTCP Đầu tư xây dựng Trung Việt với Khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông) nợ 193 tỷ đồng; Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An của Tổng công ty Thành An nợ trên 142 tỷ đồng; Trung tâm Thương mại và nhà ở C1 khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính của Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội nợ 115,8 tỷ đồng; Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán 108 Nguyễn Trãi (chủ đầu tư Cty TNHH MTV Quản lý và PT nhà Hà Nội) nợ gần 152 tỷ đồng; Công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng và TTTM tại 265 Cầu Giấy của Công ty CP Hóa chất và Vật tư KHKT nợ trên 93 tỷ đồng; CTCP Đồng Tháp với dự án 129 Trương Định nợ 96 tỷ đồng;...
Còn tại TP.HCM, Cục thuế cũng đã công bố danh sách 21 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền lên tới gần 298 tỷ đồng. Trong danh sách này có tới 8 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực địa ốc, xây dựng, còn lại là sản xuất, thương mại và liên doanh.
Tất cả các doanh nghiệp trên đều thuộc các đối tượng chây ì, các khoản nợ phải thu khó đòi đã quá 90 ngày. Số nợ thuế lớn, kéo dài, mặc dù ngành thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt nhưng vẫn không thu hồi được.
End of content
Không có tin nào tiếp theo