Rất nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh, thành kém hiệu quả nhưng để lại hậu quả lớn đối với kinh tế - xã hội địa phương
Những năm qua, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung phát triển nhiều khu công nghiệp, lấy đi diện tích rất lớn đất sản xuất nông nghiệp. Bị thu hồi đất, nhiều hộ nông dân tuy được đền bù nhưng cuộc sống bấp bênh vì thất nghiệp. Trong khi đó, các khu công nghiệp “trùm mền” lâu năm, vừa không tạo được việc làm cho cư dân địa phương vừa gây ô nhiễm môi trường.
Mất “bờ xôi ruộng mật”, thiếu việc làm
Năm 2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt đề án điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020. Theo đó, tỉnh lập thêm năm khu công nghiệp mới, tập trung tại các huyện Bình Minh, Bình Tân, Mang Thít, Long Hồ với tổng diện tích gần 1.930 ha. Trong tờ trình này cũng nêu: Vĩnh Long có hơn 1.000 ha đất sản xuất lúa nhưng năng suất rất thấp, khoảng 4,07 tấn/ha, thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh là 5,05 tấn/ha (so với năm 2008).
Khi hay tin này, nhiều nông dân không hài lòng vì thực tế, nhiều nơi có đất dành làm khu công nghiệp, lúa đạt năng suất rất cao, từ 6-7 tấn/ha. Chẳng hạn, khu công nghiệp Đông Bình (huyện Bình Minh) được quy hoạch với diện tích 350 ha, trong đó đất trồng lúa chiếm hơn 225 ha, có đến 820 hộ với hơn 3.200 nhân khẩu bị mất đất, trong khi năng suất lúa ở đây đều đạt từ 7 tấn/ha trở lên.
Khu công nghiệp Xuân Tô (huyện Tịnh Biên - An Giang) được xây dựng năm 2005 trên diện tích 57,4 ha với vốn đầu tư 72 tỉ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang ưu đãi đầu tư bằng việc miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong 11 năm đầu.
Tuy vậy, đến nay, chỉ có bốn doanh nghiệp đăng ký thuê 15 ha, tổng số vốn dự kiến 200 tỉ đồng, trong đó 2 doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng nhưng không triển khai sản xuất. Do đất trống còn quá nhiều nên người dân địa phương mở sân đá bóng và sân phơi lúa. Đầu năm 2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã quyết định chuyển đất của khu công nghiệp này làm kho bãi chứa hàng hóa, dịch vụ phi thuế quan.
Khi đường Nam Sông Hậu đưa vào sử dụng thì khu công nghiệp Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành - Hậu Giang) có quy mô hơn 290 ha cũng hình thành. Theo ông Phạm Văn Chởm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đông Phú, hiện trong khu công nghiệp Sông Hậu mới chỉ có nhà máy của Công ty CP Thủy sản Minh Phú và một công ty chuyên về sắt thép hoạt động, còn lại là đất hoang.
Theo phản ánh của cư dân địa phương, tại phần đất của khu công nghiệp Sông Hậu trước kia là đất lúa, năng suất rất cao, đạt từ 8-10 tấn/ha, hằng năm mỗi hộ dân thu nhập hàng chục triệu đồng. Từ ngày bị lấy đất làm khu công nghiệp, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ngày 26/9/2006, hàng chục hộ trong vùng dự án Nhà máy Đóng tàu Hậu Giang (thuộc khu công nghiệp Sông Hậu) được đền bù tiền đất nhưng bốn năm sau, họ mới nhận được khoản tiền đền bù nhà.
Đất đã giao cho chủ đầu tư, người dân không biết đi đâu, không có việc làm nên đã “ăn dần” tiền bồi thường. Ông Nguyễn Văn Mắng (ngụ ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú) thở dài: “Gia đình tôi bị thu hồi 8 công đất lúa vào dự án làm đường và khu công nghiệp. Mấy năm qua, không có việc làm, con cái tôi đi làm thuê tứ tán nhưng vẫn không đủ sống. Số tiền đền bù cũng đã tiêu xài hết”.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ về quy hoạch, sử dụng đất của TP Cần Thơ giai đoạn 2006-2010 nêu: Cần Thơ chưa bám sát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP thời kỳ 2006-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo phê duyệt, Cần Thơ chỉ có 10 khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích 6.417 ha nhưng TP này lại quy hoạch tới 14 khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Lãng phí 92% diện tích đất quy hoạch Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long hiện có 20 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.645 ha nhưng mới cho thuê hơn 810 ha, chỉ đạt tỉ lệ hơn 22%. Các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long còn thành lập 177 cụm công nghiệp, tổng diện tích 15.457 ha. Trong số này, mới có 15 cụm được các doanh nghiệp thuê hơn 700 ha đất, đạt tỉ lệ 4,5%. Như vậy, đồng bằng sông Cửu Long đang lãng phí diện tích đất rất lớn trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với diện tích lên đến hơn 17.600 ha (hơn 92% diện tích quy hoạch). Nhiều vùng đất nông nghiệp trù phú đang dần được thay thế bằng những khu công nghiệp bỏ hoang. |
Trong đó, có bảy khu công nghiệp, khu công nghệ cao với diện tích hơn 650 ha không nằm trong danh mục. Trong đó, khu công nghiệp Hưng Phú 2B đã “trùm mền” nhiều năm vì chủ đầu tư chưa giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Đe dọa môi trường
Từ năm 2003 đến 2005, ở hai khu công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú) và Bình Hòa (huyện Châu Thành) của tỉnh An Giang có tổng diện tích gần 120 ha nhưng chỉ cấp giấy chứng nhận cho 12 doanh nghiệp, với diện tích khoảng 25 ha.
Các doanh nghiệp chủ yếu là chế biến thủy sản, sản xuất nước đá, đúc cán thép, bê tông… nên nguồn lao động tại chỗ chưa được giải quyết bao nhiêu. Trong khi đó, sau gần bảy năm hoạt động, đến nay cả hai khu công nghiệp này mới trong quá trình xây dựng khu vực xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.
Trong số sáu khu công nghiệp đang hoạt động tại TP Cần Thơ, chỉ có khu công nghiệp Thốt Nốt vừa được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, còn khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2 quy mô 290 ha cơ bản đã lấp đầy, sau 15 năm hoạt động vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Do vậy, nhiều công ty thủy sản tại đây đã xả nước thải ra sông Hậu và một số con rạch gần khu công nghiệp, gây ô nhiễm nguồn nước.
Trong báo cáo với đoàn giám sát về môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Nhân dân TP Cần Thơ nhìn nhận: Nước thải từ khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2 không được xử lý triệt để đang gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt, sức khỏe của cư dân lân cận và trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp cho cư dân TP Cần Thơ. Nguy cơ nguồn nước ở thượng nguồn sông Hậu bị ô nhiễm trầm trọng là không thể tránh khỏi nếu không kịp thời xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2.
Theo NLĐ