Khám phá

Chỉ 30% doanh nghiệp có website thương mại điện tử

Tính chung trên cả nước năm 2011 mới có khoảng 30% doanh nghiệp có website với các tính năng thương mại điện tử từ đơn giản đến phức tạp.

Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2011 vừa được Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công Thương công bố, với 30% nêu trên thì tỷ lệ doanh nghiệp có website trong năm 2011 không thay đổi đáng kể so với năm trước. Thậm chí, tỷ lệ doanh nghiệp chưa có website nhưng dự kiến sẽ xây dựng website còn giảm so với năm 2010.

 

Một nguyên nhân chủ yếu được nêu ra là do hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động sâu sắc và toàn diện tới các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp đã cắt giảm tới mức cao nhất chi phí kinh doanh, bao gồm các chi phí mới cho quảng cáo và đầu tư chiều sâu, kể cả cho xây dựng website.

 

Phân tích tỷ lệ doanh nghiệp có website theo lĩnh vực kinh doanh, tương tự như các năm trước, lĩnh vực Công nghệ thông tin và Thương mại điện tử vẫn đi tiên phong trong việc xây dựng website phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với tỷ lệ 72% doanh nghiệp có website (cao hơn mức 63% của năm 2010).

 

Nhóm doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu website cao thứ hai là nhóm các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản với tỷ lệ 45%.

 

Một lĩnh vực khác có tỷ lệ website cao và ổn định là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có định hướng hội nhập và xuất khẩu rất cao nên rất coi trọng việc xây dựng website nhằm giới thiệu hình ảnh và sản phẩm của doanh nghiệp.

 

Năm 2011, có tới 37% doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có website và 11% doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng website. Các tỷ lệ này của năm 2010 là 32% và 21%. Như vậy, suy thoái kinh tế hầu như không ảnh hưởng tới ứng dụng Thương mại điện tử của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

 

Đáng chú ý, nhóm kinh doanh thương mại, bán buôn, bán lẻ vẫn “lẹt đẹt” với tỷ lệ doanh nghiệp có website thấp (28%). Từ đó có thể nhận xét các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối ở Việt Nam nói chung chưa bắt nhịp với trình độ công nghệ và quản lý hiện đại. Đây có thể là một yếu tố khiến cho chi phí phân phối hàng hóa và dịch vụ còn cao. 

 

Dù tỷ lệ doanh nghiệp có website năm 2011 không thay đổi lớn so với các năm trước, tuy nhiên, chất lượng các website đã tăng lên. Các doanh nghiệp đã đầu tư cao hơn cho việc cập nhật thông tin trên website. Tỷ lệ doanh nghiệp có tần suất cập nhật website theo ngày, tuần và tháng tương ứng là 65%, 23% và 10%. Xét về tổng thể, tần suất cập nhật của năm 2011 tốt hơn các năm trước đó.

 

Mặt khác, năm 2011 đã có tới 32% website của doanh nghiệp có chức năng đặt hàng trực tuyến (tỷ lệ của năm 2010 chỉ là 20%); tỷ lệ website có chức năng thanh toán trực tuyến là 7% (cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ 3% của năm 2010).

 

Cũng theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2011, sự quan tâm tới việc bảo vệ thông tin cá nhân của các doanh nghiệp năm 2011 không thay đổi nhiều so với năm 2010.

 

Trong khi 66% doanh nghiệp lớn cho biết đã áp dụng các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân thì tỷ lệ này tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là 40%.

 

Kết quả khảo sát năm 2011 về mức độ sẵn sàng ứng dụng Thương mại điện tử năm 2011 của Bộ Công Thương cho thấy 100% doanh nghiệp đều trang bị máy tính. 72% doanh nghiệp có từ 1 - 10 máy tính, 16% doanh nghiệp có từ 11 – 50 máy tính, nhưng chỉ có 3% doanh nghiệp có trên 50 máy tính.  

Hầu hết các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã kết nối Internet, chỉ còn 2% doanh nghiệp chưa kết nối Internet. Hình thức kết nối Internet phổ biến nhất là ADSL với tỷ lệ là 78%, tỷ lệ này có xu hướng giảm đi khi nhiều doanh nghiệp đã sử dụng hình thức kết nối Internet qua đường truyền riêng với tỷ lệ là 19%. Hình thức kết nối Internet qua quay số chỉ còn 1%.  

 

 

Theo ITC News

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo