Tin tức - Sự kiện

Chiến lược của Việt Nam khi chuyển từ MiG sang Su

Để thích nghi với tình hình mới hiện nay, Không quân Việt Nam đang dần thay thế dòng MiG huyền thoại bằng những chiến đấu cơ dòng Su hiện đại hơn.

 Khổ luyện

 
Là một trong những đơn vị thực hiện huấn luyện chuyển loại máy bay từ MiG sang Su, việc huấn luyện nghiêm ngặt luôn được Sư đoàn 372 đặt lên hàng đầu. Nói về quá trình huấn luyện, Đại tá Nguyễn Xuân Vọng, Chính ủy Sư đoàn 372, cho biết:
 
“Nếu máy bay cất cánh trong mùa mưa vô cùng phức tạp, đòi hỏi yêu cầu rất cao. Nhiều khi bộ đội đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả ngày, nhưng vẫn phải hoãn bay vì không đủ điều kiện. Vì thế, chúng tôi phải tranh thủ thời gian luyện tập thêm nhiều phương án để chinh phục bầu trời".
 
Nhiệm vụ trọng tâm của sư đoàn hiện nay là cùng lúc huấn luyện máy bay Mig-21 và huấn luyện chuyển loại máy bay Su-22 để nhanh chóng đưa toàn bộ máy bay Su-22 vào trực chiến.
 
Tuy nhiên, để hoàn thành được chỉ tiêu, đơn vị phải “vượt lên chính mình”, một số phi công trước đây lái máy bay Mig-21, nay chuyển sang Su-22 là cả một vấn đề. Vì vậy, đội ngũ phi công cần phải được huấn luyện một cách bài bản, tỉ mỉ thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
 
Trao đổi về công tác huấn luyện, Đại tá Ngô Vĩnh Phúc, Phó sư đoàn trưởng, cho biết: "Su-22 có sự khác biệt với Mig-21 cả về khí động lực và tính năng. Thời gian làm việc của phi công trên máy bay Su-22 cũng dài hơn Mig-21.
 
Do vậy, đòi hỏi người phi công phải rèn luyện, đáp ứng yêu cầu cao cả về trình độ chuyên môn, bản lĩnh và thể lực. Anh em cần phải được huấn luyện kỹ các khoa mục như: Động cơ, thiết bị hàng không, vô tuyến điện tử, nguyên lý máy bay, dẫn đường, khí tượng…".
 
Từ yêu cầu nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện sát thực tế chiến đấu. Các phi đội luôn vận dụng sáng tạo cách đánh và nghệ thuật quân sự độc đáo của Không quân nhân dân Việt Nam.
 
Những kinh nghiệm từ thực tiễn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được nghiên cứu, áp dụng vào điều kiện tác chiến hiện nay. Anh em phi công còn tích cực nghiên cứu các phương án tác chiến mới để tìm ra cách đánh thích hợp.
 
Sự nỗ lực của tập thể cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã khiến cho việc tiếp nhận, huấn luyện chuyển loại máy bay Su-22 trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Họ đã “vượt lên chính mình” để làm chủ trang bị, góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của Bộ đội Không quân.
 
Một trong hai chiếc tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam vừa tiếp nhận
 
Chuyên gia Nga đánh giá quyết định chuyển loại chiến đấu cơ của Việt Nam
 
Ông Igor Korotchenko - người đứng đầu Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới cho biết, ở các thời điểm khác nhau đặt ra những nhiệm vụ và các giải pháp khác nhau. Vì vậy, việc lựa chọn trang bị loại máy bay phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới là điều rất quan trọng.
 
Máy bay dòng "Su" và "MiG" có các thông số kỹ thuật khác nhau. MiG là máy bay chiến đấu chiến thuật hạng nhẹ, thiên về không chiến, có tốc độ cao và chuyên dụng để đánh chặn, phù hợp trong giai đoạn Việt Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ không phận trước lực lượng không quân rất mạnh của Mỹ.
 
Còn các tiêm kích đa năng dòng "Su" là máy bay chiến đấu hạng nặng, có thể mang được nhiều tên lửa và bom hơn và bán kính tác chiến xa hơn. Ngoài vũ khí thông thường, máy bay này được trang bị tên lửa chống hạm có thể giải quyết nhiệm vụ đánh trúng mục tiêu trên biển.
 
Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường tranh chấp biển đảo và vùng thềm lục địa. Rõ ràng là Việt Nam đã đúng đắn khi lựa chọn máy bay chiến đấu dòng "Su", do thực tế rằng loại máy bay hoàn hảo này có thể giúp đất nước đạt được mục tiêu trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ lợi ích quốc gia ở phạm vi xa hơn.
 
Theo chuyên gia quân sự Nga, "Su-30MK2" là máy bay chiến đấu đa năng, có chất lượng tương tự với máy bay cùng thế hệ của nước ngoài, về một số đặc điểm còn có khả năng vượt trội, ngay cả về tính năng không chiến. Điều này có thể thấy qua các cuộc không chiến thực tế trong các đợt huấn luyện không quân đa quốc gia.
 
Các máy bay Su-30MK2 có chiều dài 22 mét, sải cánh dài gần 15m. Trọng lượng cất cánh tối đa là 34,5 tấn. Trần bay cao nhất hơn 17 km, tốc độ tối đa trên độ cao lớn là 2.100 km/giờ. Máy bay chở đến 8 tấn tên lửa và bom cùng với pháo 30 ly dùng trong không chiến tầm gần.
 
Khoảng cách bay không cần tiếp nhiên liệu của Su-30MK2 lên tới 3000km, với một lần tiếp nhiên liệu, "Su-30MK2" gần như có thể vượt khoảng cách gấp đôi. Điều này cho phép máy bay chiến đấu Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ lãnh thổ có địa hình tự nhiên rất dài của mình, đồng thời thừa khả năng tác chiến bảo vệ các đảo xa nhất thuộc phạm vi chủ quyền.
 
Phạm vi hành trình xa của máy bay dòng Su cũng cho phép Việt Nam giảm số lượng máy bay chiến đấu. Ví dụ như với tầm bay gần của máy bay MiG, Việt Nam sẽ cần phải bố trí dày đặc các tiêm kích để bảo vệ không phận, trong khi đó, chỉ cần một nửa máy bay dòng Su là đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ này, trong khi vẫn có khả năng tác chiến mặt đất và đối hải.
 
Phi hành đoàn của mỗi máy bay Su-30MK2 là hai phi công. Do đó, với 32 chiếc trong ba hợp đồng, Việt Nam sẽ cần khoảng một trăm phi công để cả thường trực lẫn dự bị để điều khiển máy bay Su-30MK2. Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các nhà chức trách Ấn Độ giúp đào tạo phi công và gần đây phía Ấn Độ đã đồng ý.
 
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo