Tin tức - Sự kiện

Chiến sĩ “Điện Biên Phủ dưới nước” tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

“Bộ Tổng tư lệnh nhiệt liệt khen ngợi thành tích rà phá thuỷ lôi, thông luồng, thông tuyến, phục vụ có hiệu quả giao thông vận tải đường biển của Lực lượng bảo đảm hàng hải. Mong các đồng chí nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, lập nhiều chiến công và thành tích hơn nữa, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” - di bút của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông tới thăm cán bộ, chiến sĩ bảo đảm hàng hải tháng 12.1972.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng với cán bộ, chiến sĩ bảo đảm hàng hải năm 1972.

Ông Nguyễn Tiến Hà - nguyên cán bộ kỹ thuật, Cty hải đăng phù tiêu, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng tự vệ - Tiểu đoàn tự vệ, Bảo đảm hàng hải - Cục Vận tải đường biển, hiện sống tại Hà Nội - cho biết: Nếu như năm 1954, nước nhà đã có một “Điện Biên Phủ” lẫy lừng, bẻ gãy ý chí xâm lược của thực dân Pháp, thì vào 1972, ngành hàng hải cũng tự hào đã có một “Điện Biên Phủ dưới nước”, bẻ gãy ý chí chiến lược phong tỏa đường biển bằng thủy lôi của đế quốc Mỹ, góp phần xứng đáng vào thắng lợi tại Hội nghị đàm phán Paris”.

Ông Lê Văn Kỳ - nguyên Cục trưởng Cục Vận tải đường biển VN, Tư lệnh các lực lượng mở đường trên biển - nhớ lại: “Ngày 5.5.1965, Cục Vận tải đường biền được thành lập với nhiệm vụ chính là phòng, chống phong tỏa đường biển, rà phá thuỷ lôi Mỹ, tiếp nhận hàng viện trợ của các nước anh em.
 
Cuộc chiến chống phong tỏa đường biển diễn ra trọn vẹn 10 năm - từ 1965-1975, trong thời gian này, hàng ngàn quả thủy lôi, bom từ trường do không quân Mỹ thả xuống các cửa sông, cửa biển từ Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận đã bị phá hủy, lực lượng bảo đảm hàng hải đã đảm bảo an toàn cho tàu vận chuyển hàng hóa, lương thực cho miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam chống Mỹ.
 
Di bút của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Cao điểm của cuộc chiến là năm 1972: Đầu năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon vội vã huy động không quân, hải quân tổ chức Đội đặc nhiệm số 11, mở chiến dịch ném bom, rải mìn ồ ạt với trận mở màn lúc sáng 9.5.1972. Rải mìn xong, Nixon công bố thời gian an toàn của thủy lôi là 3 ngày để thúc giục tàu nước ngoài đang bốc dỡ hàng tại Hải Phòng phải nhanh chóng rời cảng.
 
Ngày 11.5.1972, máy bay Mỹ tiếp tục rải mìn bịt luồng ra vào các cảng Hòn Gai, Cẩm Phả, các cửa sông và vùng ven biển miền Bắc nước ta. Được cấp trên giao nhiệm vụ phá bom từ trường, Cục Vận tải đường biển đã nhanh chóng thành lập tổ nghiên cứu và tìm giải pháp phá bom từ trường. Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, tổ đã hoàn thành thiết bị tạo ra từ trường mạnh để gây nổ những quả bom từ trường và trong lần thử nghiệm đầu tiên tại cảng Hải Phòng đã thành công vang dội…
 
Ông Hồ Văn Hiệu - nguyên thợ máy phân đội phá lôi Lê Mã Lương, hiện sống tại đường Ngô Tất Tố, (TPHCM) - cho biết: 19.5.1972, phân đội Lê Mã Lương được thành lập, nhanh chóng trở thành đơn vị chủ lực của Ty Bảo đảm hàng hải, đã thực hiện được một số nhiệm vụ quan trọng: Kiểm tra luồng Nam Triệu bằng siêu âm, triển khai phương tiện phá lôi theo tiến độ tiến công,…
 
Với quyết tâm mở luồng, thông tuyến, chống phong tỏa bằng thủy lôi của địch, đảm bảo an toàn cho công tác vận tải đường biển, nhiều công nhân trở thành những chiến sũ: Thời đó, những khẩu hiệu thể hiện ý chí kiên cường, sắt đá của người công nhân gác đèn biển như: “Còn người, còn đảo, trái tim còn đập, đèn còn sáng”, hoặc “Ra đi mang nặng lời thề/Thủy lôi chưa sạch chưa về quê hương”.
 
Thời kỳ này đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể dũng cảm, bất khuất trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường biển. Có những người như công nhân Lê Văn Lợi - Đội phá lôi Quyết Thắng - đã 2 lần được tập thể làm “lễ truy điệu sống” trước khi lái tàu đi phá thủy lôi để mở đường thông tuyến chống phong tỏa của giặc Mỹ.
 
Ba cô gái: Huệ, Kim, Vây ở tổ trinh sát Hoàng Châu-Cát Hải đã hiên ngang dũng cảm đếm từng quả thủy lôi do địch thả và đánh dấu chúng trên hải đồ để giao cho đồng đội đi rà phá đảm bảo thông luồng. Các phân đội rà phá thủy lôi của Ty Bảo đảm hàng hải như phân đội Lê Mã Lương, phân đội Quyết Thắng đã ra quân là đánh thắng... Chúng tôi rất vinh dự, khi cuối năm 1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Bộ Tổng tư lệnh gửi tới những cán bộ, chiến sĩ bảo đảm hàng hải lời khen ngợi thành tích, những thành tích góp phần vào thắng lợi Hội nghị Paris…”.
Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo