Tin tức - Sự kiện

Chiều cao người Việt thấp nhất châu Á

Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam là 164 cm, thua 8 cm so với Nhật và 10 cm so với Hàn Quốc. Vóc người thấp bé nhẹ cân có thể cải thiện nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý.

 Trong 30 năm qua, người Việt cao lên, nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được một cm. Chiều cao của nữ giới cũng rất thấp, gần 154 cm. 

“Dù tốc độ tăng chiều cao rất ít, nhưng đem đến tia hy vọng người Việt thấp bé nhẹ cân không phải thuộc tính di truyền mà có thể cải thiện được. Bằng chứng là Thái Lan, Trung Quốc đã cải thiện tầm vóc nhờ dinh dưỡng hợp lý”, tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam cho biết tại buổi họp báo sáng 8/10 nhân Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển (15-23/10).
 
Theo tiến sĩ Mai, người Việt hiện thấp nhất khu vực châu Á. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy việc phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào di truyền 20%, còn dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng sự phát triển chiều cao như: khẩu phần ăn thiếu hụt dinh dưỡng trong thời gian dài; môi trường sống không sạch sẽ; trẻ dễ mắc các bệnh tiêu chảy, hô hấp... 
 
 Thiếu vi chất dinh dưỡng, hay mắc bệnh, khẩu phần ăn thiếu canxi... đều ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Ảnh minh họa: Văn Nguyễn.
 
Thực tế, bữa ăn truyền thống của người Việt đã thay đổi, đầy đủ hơn nhưng không cân đối. Nhu cầu tiêu thụ nước ngọt, nước ngọt có ga ngày càng nhiều. "Một số ý kiến cho rằng nước ngọt có ga không ảnh hưởng đến sức khỏe, điều này là không đúng. Nước ngọt có ga gồm nước ngọt (đường) cộng với ga là CO2", tiến sĩ Mai phân tích.
 
Nước ngọt, bên cạnh lượng đường tự nhiên trong thực phẩm, thường được ép thêm đường glucose hoặc fructose. Những loại đường này cung cấp kcal dễ dàng. Một lon nước ngọt có đến 36 đường. Theo công bố trên nhãn của nhà sản xuất, 100 ml nước ngọt thì tạo ra 42 kcal.
 
“Vấn đề là hiếm có người tiêu dùng nào chịu đọc dòng chữ nhỏ li ti trên nhãn. Bên cạnh đó, không ai mua một lon nước chỉ uống 100 ml mà phải uống hết. Điều đó đồng nghĩa một lon nước hơn 300 ml cung cấp gần 140 kcal, trong khi phải mất đến 45 phút đi bộ mới có thể tiêu thụ được 100 kcal”, tiến sĩ Mai nói.
 
Vị chuyên gia cũng cho rằng, loại đồ uống này khiến cơ thể mất canxi. Nước ngọt vào cơ thể, vi khuẩn trong miệng lên men thành axit ăn mòn canxi trong răng. Nước ngọt có ga còn gây hại lớn hơn vì phân tử CO2 sục vào nước tạo thành H2CO3 - axít cacbonic. Để trung hòa môi trường này, cơ thể rút canxi trong xương, răng, sau đó thải ra ngoài qua nước tiểu.
 
“Khẩu phần ăn của người Việt hàng ngày đã thiếu canxi, nay lại mất canxi theo nước tiểu, làm chậm tăng chiều cao, loãng xương. Vì thế, tôi cho rằng cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, nước có ga để giảm ảnh hưởng đến sức khỏe; giữ lại phần canxi ít ỏi để phát triển chiều cao, tăng mật độ xương”, tiến sĩ Mai đề nghị.
 
Để cải thiện chiều cao của người Việt, điều quan trọng là cần có những can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời. Cụ thể, từ khi mang thai, người mẹ cần được bổ sung đủ chất, đủ dinh dưỡng, đa dạng để ngăn ngừa việc sinh ra những trẻ nhẹ cân, thấp. Tiếp theo đó là việc nuôi dưỡng trẻ thật tốt trong 3 năm đầu đời, trẻ được bú sữa mẹ sớm, hoàn toàn trong 6 tháng đầu, chế độ dinh dưỡng hợp lý, ít mắc bệnh...
 
Ngoài ra, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở Việt Nam cũng tăng 9 lần sau 10 năm - hiện là 6,3%. Mục tiêu kiểm soát dưới 5% của chiến lược dinh dưỡng quốc gia không đạt được. 
 
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo