Tin tức - Sự kiện

Chiêu trò tranh giành xác chết của các trại hòm

Phát hiện có người chết là những “ăng-ten” sẽ nhanh chóng báo cho chủ trại hòm biết để giành quyền được khâm liệm. Người báo tin sẽ được trả thù lao khoảng 1 triệu đồng.

Chính vì vậy mà nhân viên của các trại hòm thường xuyên xô xát đánh nhau để giành địa bàn làm ăn.

Hỗn chiến giành... người chết

Mới đây, trên địa bàn Long Thành (Đồng Nai) diễn ra vụ người của hai trại hòm Long Thọ và Phước Thiện giành nhau làm dịch vụ mai táng mà đã đâm chém nhau. Chứng kiến hai nhóm người của trại hòm hỗn chiến giành xác chết, anh N., người dân ở khu vực Cầu Xéo, nói: “Dân ở đây ai cũng bức xúc chuyện này. Trong khi người thân của nạn nhân vụ tai nạn giao thông cướp đi hai mạng người đang khóc đau đớn thì những người của hai trại hòm lao vào ẩu đả để tranh giành, nhìn mà tội nghiệp người chết. Họ coi người tử nạn chẳng khác gì một món hàng nên bất chấp đạo lý lao vào đâm chém nhau”.

Theo người dân ở khu vực huyện Long Thành và Nhơn Trạch thì việc các trại hòm xô xát, gây hấn đánh nhau để tranh giành xác chết thường xuyên xảy ra. “Nghề kinh doanh của người ta mà, như miếng cơm cả đấy. Những người trong trại hòm thấy xác chết ở đâu là lao tới liền để nhận mai táng, bán hòm. Nếu không nhanh chân thì trại hòm khác sẽ nẫng mất” - bà VTH., một người dân ở thị trấn Long Thành, cho biết.

Trước đó, trên địa bàn huyện Long Thành cũng có một người bị tai nạn giao thông qua đời. Ngay lập tức có hai nhóm trại hòm đến nhà giành giật và yêu cầu để họ làm dịch vụ mai táng. Gia đình người chết phải mời khu phố tới nói chuyện, xin các bên không xô xát, tranh giành nhau nữa. Để không phải mất lòng bên nào, gia đình quyết định không thuê hai trại hòm đó nữa mà thuê dịch vụ mai táng ở một trại hòm khác.

Người báo tin sẽ được trả thù lao khoảng 1 triệu đồng.

Báo tin người chết có thưởng

Anh T., một nhân viên của trại hòm QN đóng trên địa bàn huyện Long Thành, cho biết: “Khi biết tin có người qua đời thì chủ trại hòm sẽ ngay lập tức cho người tới để tìm cách hợp đồng với người nhà nạn nhân trong việc khâm liệm và bán hòm. Tâm lý của gia đình người chết lúc đó rất đau buồn, bối rối nên không để ý đến giá cả dịch vụ lo hậu sự. Có những trại hòm lợi dụng tình hình này tha hồ “chặt chém”. Mỗi dịch vụ trọn gói lo mai táng cho người chết chủ trại hòm kiếm lời cả chục triệu đồng”.

Để cạnh tranh trong việc kinh doanh mai táng, các chủ trại hòm đã làm đủ mọi cách để có được “nguồn tin” nhanh nhất khi phát hiện có người chết. Để làm được điều đó, một số trại hòm đã cho người đi phát tờ rơi khu dân cư. Đặc biệt ở những “điểm nóng” tai nạn giao thông, các chủ trại hòm còn in cả danh thiếp cho một số người sống cạnh quốc lộ 51, đường vào huyện Nhơn Trạch, những người chạy xe ôm để tạo một mạng lưới “ăng-ten” báo tin. Mỗi khi phát tờ rơi hoặc danh thiếp thì người phát tờ rơi thường hứa sẽ trả phần trăm hậu hĩnh cho người báo tin sớm khi có vụ tai nạn chết người.

Một nhân viên của trại hòm LT (thị trấn Long Thành) cho biết việc kinh doanh làm ăn ngày một khó khăn nên các trại hòm đều có một hệ thống “ăng-ten” dày đặc ở nhiều nơi. Những người báo tin sớm về việc có người chết mà trại hòm đến giành được việc mai táng, bán được quan tài thì sẽ chia “hoa hồng” khoảng 500.000-700.000 đồng. Bên cạnh đó, các chủ trại hòm còn thưởng 1 triệu đồng cho nhân viên của mình báo tin có người chết và nhận được việc an táng cho cơ sở của mình. “Mỗi khi nhân viên của các trại hòm nghe thông tin có người bị tai nạn chết sẽ lập tức đến ngay để nhận xác. Vừa được tiền thưởng, vừa có công ăn việc làm ai mà chẳng ham” - một nhân viên trại hòm khẳng định.

Liên quan đến việc tranh giành người chết dẫn đến đánh nhau giữa hai trại hòm Long Thọ và trại hòm Phước Thiện, ông Lê Đình Tính - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Thành cho biết: “Sự việc xảy ra vừa qua không thuộc địa bàn của thị trấn nhưng liên quan đến trại hòm Phước Thiện thuộc địa phương quản lý. Vì vậy thời gian tới chúng tôi sẽ mời các chủ cơ sở mai táng đến làm việc nhằm tuyên truyền giáo dục ý thức vì gia đình có người chết đã mất mát đau buồn nên phải tạo điều kiện giúp đỡ, không nên gây hấn phục vụ để sinh lời. Nếu để xảy ra vụ việc xô xát sẽ xử lý nghiêm”.

 

Giữa tháng 8-2014, anh Nguyễn Huy Cường đi xe máy chở anh Phạm Văn Vững trên quốc lộ 51 theo hướng từ Đồng Nai về Bà Rịa-Vũng Tàu. Khi đến địa bàn xã Phước Thái, huyện Long Thành thì không may xe máy của anh Cường đã tông vào dải phân cách bê tông khiến hai người này ngã xuống đường và tử vong tại chỗ. Trong lúc lực lượng Công an huyện Long Thành đang bảo vệ hiện trường để chờ cơ quan chức năng đến điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, nhân viên của một số trại hòm trên địa bàn huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch nhanh chóng có mặt.

Vì muốn giành xác nạn nhân để khâm liệm và bán quan tài cùng các dịch vụ mai táng kèm theo nên giữa hai trại hòm Phước Thiện (khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành) và trại hòm Long Thọ (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) đã xảy ra tranh cãi, xô xát. Người của trại hòm Long Thọ cho rằng mình phát hiện vụ tai nạn sớm và đến trước, còn phía trại hòm Phước Thiện cũng khẳng định biết vụ tai nạn này khi vừa xảy ra. Trong lúc hai bên xảy ra xô xát, một thanh niên của trại hòm Long Thọ đã rút dao thủ sẵn trong người đâm anh Trần Văn Bé Minh, người của trại hòm Phước Thiện khiến nạn nhân bị thương. Sau khi gây án, hung thủ nhanh chóng bỏ trốn, còn nạn nhân Minh được đưa đi cấp cứu với vết thương khá nặng.

 _______________________________________

Đã từng có một số cơ sở mai táng tranh giành xác chết dẫn tới xô xát, kể cả việc vào nhà xác của BV Đa khoa huyện Long Thành nhằm giành người chết. Sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã mời chủ các cơ sở mai táng, trại hòm đến làm việc và yêu cầu viết cam kết không để xảy ra tình trạng tranh giành, đánh nhau gây mất an ninh trật tự.

Ông LÊ ĐÌNH TÍNH, Phó Chủ tịch UBND
thị trấn Long Thành

 

Theo PL TPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo