Chính phủ số

Các bộ, ngành và địa phương phải ban hành chương trình chuyển đổi số trong năm 2020

DNVN - Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ ngành, địa phương xây dựng Chương trình chuyển đổi số và ban hành trong năm 2020, tăng chỉ tiêu cho chuyển đổi số để thu hút đầu tư. Đồng thời, cắt giảm quy định về hoạt động kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Mục tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong năm 2020 có khả thi? / Tận dụng lợi ích của cuộc CMCN 4.0 để phát triển đột phá ngành TT&TT

Hướng tới mục tiêu đưa CNTT vào mọi lĩnh vực của đời sống

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT chỉ đạo thực hiện các biện pháp thúc đẩy hạ tầng, sản xuất thiết bị viễn thông, hướng tới mục tiêu mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao. Bộ TT&TT cũng được Chính phủ yêu cầu hỗ trợ việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trên khắp cả nước, hướng tới mục tiêu đưa CNTT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Xây dựng Chương trình chuyển đổi số và ban hành trong năm 2020, tăng chỉ tiêu cho chuyển đổi số để thu hút các doanh nghiệp tập trung đầu tư.

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020, xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Chương trình hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn".

Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành chiến lược, chương trình chuyển đổi số tập trung vào việc thay đổi chính sách, mô hình quản trị, kinh doanh theo hướng chuyển đổi số không phải là chuyển đổi về công nghệ mà là ứng dụng công nghệ để đổi mới.

Để việc triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia được đồng bộ, hiệu quả trên quy mô toàn quốc, Bộ TT&TT đã có hướng dẫn Khung chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cho các bộ, ngành, địa phương. Bộ TT&TT cũng nêu rõ, căn cứ Khung chương trình chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương có thể xây dựng văn bản riêng về chuyển đổi số như chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số hoặc lồng ghép nội dung chuyển đổi số vào chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của mình một cách phù hợp.

Theo Khung chương trình chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng nội dung của Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên 6 nguyên tắc chung gồm: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; Người dân là trung tâm của chuyển đổi số; Thế chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là yếu tố then chốt để chuyển đổi số; Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số.

Hai tỉnh thành đầu tiên đã ban hành chương trình chuyển đổi số

Quyết định 2393 phê duyệt chương trình chuyển đổi số của TP.HCM vừa được UBND thành phố ban hành. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 TP.HCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP HCM. (Ảnh minh họa: Internet)

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP HCM. (Ảnh minh họa: Internet)

Mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của TP.HCM là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành với tinh thần là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Các mục tiêu cơ bản của chương trình chuyển đổi số TP.HCM đến năm 2025 gồm có: 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa TP.HCM được xác thực điện tử; 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử thành phố được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất từ hệ thống trung ương; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo DVCTT mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai DVCTT mức độ 3, 4; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

Chương trình chuyển đổi số TP.HCM còn hướng tới mục tiêu đến năm 2025 thành phố thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về Chính phủ điện tử; kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Đến năm 2025, TP.HCM thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về CNTT, nhóm 3 về chỉ số cạnh tranh, nhóm 2 về đổi mới sáng tạo, nhóm 3 về an toàn, an ninh mạng; Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình, 100% xã; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 60%.

Theo kế hoạch, về phát triển Chính quyền số, mục tiêu của Điện Biên đến năm 2025 là 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Về phát triển kinh tế số, Điện Biên phấn đấu năm 2025 kinh tế số chiếm 10% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% và năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Đối với phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, các mục tiêu cơ bản được Điện Biên đặt ra đến năm 2025 gồm có: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Để chuyển đổi nhận thức, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, địa bàn mình phụ trách.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động lựa chọn một xã/phường để thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh Điện Biên có trách nhiệm đôn đốc, điều phối chung việc triển khai hoạt động chuyển đổi số. Sở TT&TT Điện Biên được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành danh sách sáng kiến chuyển đổi số ưu tiên triển khai giai đoạn 2020 - 2021.

Tuệ Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm