Chính phủ số

Từ 1/7, người dân có thể ngồi nhà nộp phạt vi phạm giao thông trên phần mềm

DNVN - Chính phủ vừa thông báo từ hôm nay 1/7/2020, người dân có thể ngồi nhà nộp phạt trực tuyến nếu vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên toàn quốc, sau khi thí điểm tại 5 địa phương.

Cung cấp 6 dịch vụ công quốc gia từ ngày 1/7/2020 / Hai bộ đầu tiên hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4

Dừng thí điểm tại 5 tỉnh thành, triển khai rộng trên toàn quốc

Từ ngày 13/3 đến 30/6/2020, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã thí điểm cài đặt phần mềm nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thống nhất phương án, mẫu biên lai, chứng từ điện tử... và các trường thông tin đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

Việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua mạng của Cổng DVCQG rất được người dân quan tâm. Số liệu của Văn phòng Chính phủ cho hay, có khoảng 16.000 lượt tra cứu, thực hiện. CSGT đã cung cấp gần 11.000 dữ liệu về các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ thừa nhận, số lượng nộp phạt trực tuyến thành công thấp với các lý do được đưa ra là: phạm vi thí điểm còn hẹp (5 địa phương đối với thẩm quyền xử phạt của Phòng CSGT và các đơn vị thanh tra giao thông thuộc Tổng cục Đường bộ). Ngoài ra, còn do cơ sở hạ tầng của các đơn vị còn hạn chế, tâm lý người dân e ngại khi thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Để nâng cao chất lượng phục vụ, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, từ hôm nay các quyết định xử phạt vi phạm giao thông buộc phải nhập vào phần mềm và thông báo đến số điện thoại người dân. Cục CSGT đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước để có mã định danh cho những trường hợp này. Đến 6 giờ sáng hôm nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã đăng vào hệ thống chung Cổng DVCQG 13.000 trường hợp, trong đó 11.000 trường hợp có quyết định xử phạt.

 Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, từ hôm nay các quyết định xử phạt vi phạm giao thông buộc phải nhập vào phần mềm và thông báo đến số điện thoại người dân.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, từ hôm nay các quyết định xử phạt vi phạm giao thông buộc phải nhập vào phần mềm và thông báo đến số điện thoại người dân.

Cục CSGT đã nhập 65% biên bản vi phạm vào phần mềm và đến hết năm nay sẽ triển khai 100% biên bản xử phạt thực hiện trên phần mềm, sau đó gửi về các địa phương. "Từ đầu năm đến nay, CSGT đã xử phạt 1,6 triệu trường hợp vi phạm. Nếu một trường hợp phải làm ba biên bản nhân với 1,6 triệu lần xử phạt sẽ vô cùng tốn kém và mất thời gian, nhưng khi nhập vào phần mềm sẽ giải quyết được vấn đề này”, Đại tá Đỗ Thanh Bình nói.

Bên cạnh đó, Cục CSGT đang phối hợp với Tổng cục Thuế để nhận phí trước bạ khi đăng ký xe trực tuyến. Sau khi nộp phí trước bạ trực tuyến, người dân chỉ việc đến cơ quan công an để nhận đăng ký xe. Sắp tới, lực lượng CSGT sẽ ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ để tăng cường hiệu quả, giúp người dân thuận tiện hơn trong quá trình xử lý thủ tục hành chính và nộp phạt vi phạm giao thông.

Vì sao người dân ngại nộp phạt trực tuyến?

Trao đổi với báo giới bên lề cuộc họp báo, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT chỉ ra những điểm bất cập trong việc nộp tiền xử phạt vi phạm giao thông đường bộ qua mạng.

 

Theo ông Bình, nhiệm vụ của CSGT là cung cấp nhanh nhất cho người dân các thông tin có liên quan gồm biên bản vi phạm, quyết định xử phạt để người dân lựa chọn các hình thức thực hiện. Số điện thoại cá nhân rất quan trọng để cung cấp nhanh nhất thông tin cho người dân, tuy nhiên lại không có trong các văn bản luật trên. Do vậy, CSGT hoàn toàn vận động để người dân tự nguyện. Trường hợp nào cung cấp số điện thoại thì thông tin về việc ra quyết định xử phạt sẽ được gửi trực tiếp đến người vi phạm nhanh nhất. Ngoài ra, CSGT cũng muốn có địa chỉ thư điện tử của người vi phạm để gửi thông tin nhanh nhất.

Cục CSGT cho biết đã đưa lên Cổng DVCQG 1.903 quyết định xử phạt. Nhưng chỉ có 5 trường hợp đóng tiền qua hệ thống điện tử, 441 trường hợp trực tiếp đến nộp, số còn lại chưa nộp.

Ngay khi CSGT ra quyết định xử phạt, Cổng DVCQG sẽ gửi tin nhắn thông báo vào số điện thoại của người vi phạm, hướng dẫn và đề nghị tra cứu trên Cổng. Vướng mắc nhất hiện nay là do thể chế, liên quan đến luật Xử lý vi phạm hành chính và luật Giao thông đường bộ. Theo quy định, một trường hợp lập biên bản yêu cầu phải có 5 ngày để người dân giải trình. Sau khi giải trình, không có ý kiến khác mới ra quyết định. Trong khi đó, hiện có tới hơn 600 hành vi tước giấy phép lái xe có thời hạn, vừa phạt tiền, vừa tước giấy phép lái xe, phải thu giấy phép lại, hết thời hạn mới trả.

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, khó khăn nữa là người dân phải có tài khoản, có trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin mới thực hiện nộp phạt trực tuyến được.

Cục CSGT đề nghị cải cách quy trình xử lý vi phạm. CSGT khi có biên bản hoặc phát hiện vi phạm đối với trường hợp chỉ phạt tiền, đã có đầy đủ chứng cứ điện tử, có thể xử phạt ngay thông qua Cổng DVCQG.

 

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm