Khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, quản lý căn cước công dân
Dự án thẻ căn cước công dân gắn chip được phê duyệt, triển khai vào đầu năm 2021 / Những điều cần biết về thẻ căn cước công dân mới
Thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại
Theo đại diện Bộ Công an, đây là hai dự án CNTT lớn nhất từ trước đến nay sẽ cung cấp các thông tin cơ bản, đầy đủ tính pháp lý về công dân. Người dân, doanh nghiệp thay vì phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện giao dịch với cơ quan Nhà nước thì các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động thông qua thẻ căn cước gắn chip hoặc các cơ quan nhà nước tra cứu, khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hai hệ thống giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho người dân.
Hai hệ thống đi vào hoạt động sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo hướng hiện đại; đồng thời, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
"Dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện 8 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỉ mỗi năm", Bộ Công an đánh giá.
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế để kết nối, cho phép các hệ thống thông tin khác khai thác thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia NGSP (National Government Service Platform) và Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhờ đó, sẽ tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, giảm chi phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Với tầm quan trọng đó, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định thông tin dữ liệu về dân cư luôn được cập nhật thường xuyên, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.
Trong khi đó, hệ thống căn cước công dân sẽ cung cấp cho người dân thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có tích hợp đầy đủ thông tin của các bộ, ban, ngành như thuế, bảo hiểm y tế và các loại giấy tờ có giá trị khác, vì vậy người dân đi giao dịch và làm thủ tục hành chính sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, giảm thời gian và chi phí cho những thủ tục hành chính công, thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến của Chính phủ điện tử.
Suốt quá trình thực hiện đề án, Bộ Công an phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và một số bộ, ban, ngành cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đẩy nhanh tiến độ xây dựng băn bản quy phạm pháp luật, thử nghiệm, kết nối các dịch vụ công từ Cổng dịch vụ công quốc gia.
Để triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an huy động gần 45.000 cán bộ, chiến sĩ thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư; đào tạo gần 24.000 cán bộ địa phương sử dụng hệ thống.
Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng các hệ thống phát triển Chính phủ điện tử; giúp thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân... Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân bảo đảm chính xác, minh bạch, an toàn...; đồng thời, đẩy nhanh quá trình kết nối dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ số, hướng tới kinh tế số, xã hội số...
Các đại biểu dự lễ khai trương hai hệ thống CNTT lớn cung cấp những thông tin cơ bản, đầy đủ tính pháp lý về công dân. (Ảnh: Bộ Công an)
Ngay sau khi bấm nút chính thức khởi động các hệ thống, các đại biểu được theo dõi trực tuyến hoạt động dịch vụ tại một số địa phương như đăng ký cư trú tại xã Thiện Phiến (Tiên Lữ, Hưng Yên), dịch vụ về thông báo lưu trú và đăng ký mã số thuế qua Cổng dịch vụ công quốc gia tại quận Hải Châu (Đà Nẵng), thủ tục đăng ký cấp thẻ căn cước công dân mới có gắn chip và nộp phạt vi phạm an toàn giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia tại Công an phường Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), thủ tục trả thẻ căn cước công dân tại Công an phường Tân Phú (Quận 7, TP. HCM)…
Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2015 với tổng số vốn hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án này thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân, tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp. Qua đó cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư (số liệu, cơ cấu, phân bổ và các biến động...) phục vụ quản lý nhà nước, hoạch định chính sách.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân; hướng tới bỏ quản lý sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý cư trú điện tử...
Thẻ gắn chip có nhiều điểm ưu việt hơn căn cước cũ
Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 9/2020 với tổng mức 2.800 tỷ đồng, gồm các hạng mục xây dựng trung tâm sản thu nhận dữ liệu, sản xuất thẻ căn cước gắn chip điện tử; hệ thống hạ tầng, thiết bị cho công an trên toàn quốc.
Thẻ gắn chip có nhiều điểm mới so với căn cước cũ, gồm việc bổ sung chíp điện tử, mã QR code phục vụ tích hợp các thông tin dữ liệu cá nhân, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe... Với công nghệ mới, khi người dân đi làm thủ tục hành chính sẽ không cần mang theo giấy xác nhận chứng minh thư cũ (như khi đổi từ chứng minh thư sang thẻ căn cước mã vạch trước đây).
Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành công an đã thu thập được gần 600.000 hồ sơ và bắt đầu sản xuất, in thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho người dân. Những nhiệm vụ đặt ra của hai dự án là rất lớn, nhất là trong điều kiện khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn lực lượng triển khai toàn diện, quyết liệt các nhiệm vụ đề ra. Tập trung duy trì việc bổ sung, cập nhật thông tin dân cư hàng ngày từ cơ sở bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, quyết tâm hoàn thành mục tiêu cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân từ nay đến ngày 01/7/2021.
Là đối tác chủ trì dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cùng liên doanh GTEL-ICT và Hadic, VNPT cho biết tuân thủ chuẩn cấp độ 4 về an ninh, an toàn thông tin theo quy định của Chính phủ. Tập đoàn này tối đa huy động nguồn lực, trong 5 tháng (từ 9/2020 đến tháng 2/2021) hoàn thiện toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống và triển khai các phần mềm ứng dụng cũng như tổ chức đào tạo huấn luyện cho hơn 23.000 cán bộ chiến sĩ công an.
Kế hoạch cấp căn cước công dân trên toàn quốc
- Giai đoạn 1 (từ 01/11/2020 đến 27/02/2021): Tổ chức tiếp nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước công dân cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh THPT.
- Giai đoạn 2 (từ 26/2/2021 đến 30/4/2021): Tổ chức tiếp nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước công dân cho đối tượng là sinh viên, lực lượng vũ trang, lao động tại các khu công nghiệp, cơ sở tôn giáo, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
- Giai đoạn 3 (từ 30/4/2021 đến 01/7/2021): Tổ chức tiếp nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước công dân cho các đối tượng còn lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo