Chính quyền Syria: Tổng thống Bashar al-Assad chính là “lằn ranh đỏ”
Vào lúc cuộc chiến Syria với mức độ tàn phá khủng khiếp bước vào năm thứ 5, số phận của ông Bashar al-Assad tiếp tục là điểm xung khắc không thể vượt qua giữa chính phủ Syria và các phe đối lập.
Trong cuộc họp báo tại Damas ngày 13/3, ngoại trưởng Syria, ông Walid Mouallem, đe dọa phe đối lập là phái đoàn chính phủ không thảo luận với bất kỳ ai đòi bàn thảo tương lai Tổng thống Syria. Ông Bachar a-Assad là "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua và "nếu phe đối lập kiên quyết đòi hỏi thì tốt hơn họ đừng sang Geneva nữa."
Ngoại trưởng Syria cũng tỏ ra bực bội vì lời tuyên bố của đặc sứ Liên Hiệp Quốc. Theo đặc sứ Staffan de Mistura, vòng đàm phán dự trù từ ngày 14- 24/ 3 tại Geneve, Thụy Sĩ, sẽ thảo luận về chính phủ chuyển tiếp, bản Hiến pháp mới và tổng tuyển cử gồm bầu Quốc hội và tổng thống trong 18 tháng tới.
Ngoại trưởng Walid Mouallem, một người trung thành với tổng thống Syria, khẳng định "số phận tổng thống Syria là do dân Syria định đoạt".
Chưa biết đối lập Syria mà đại diện là Thượng Hội đồng đàm phán HCN phản ứng ra sao. Phái đoàn thương thuyết của đối lập đã tới Geneve từ ngày 12/3, trước khi Ngoại trưởng Syria đặt điều kiện. Trưởng đoàn đàm phán của phe đối lập, ông Mohamed Allouche lúc đó tuyên bố "giai đoạn chuyển tiếp chính trị bắt đầu với sự ra đi của Bashar al-Assad hay cái chết của ông ta".
Theo giới phân tích, điều kiện "làn ranh đỏ" của ngoại trưởng Syria là chiếc bẫy gài phe đối lập. Nếu phe đối lập bất bình và bỏ đám phán thì họ sẽ bị quy trách nhiệm phá vỡ vòng đàm phán hoà bình.
Trong một diễn biến liên quan khác, tình hình Syria được Ngoại trưởng Mỹ mô tả là yên tĩnh nhưng sự yêu tĩnh này "rất mong manh". Hôm 13/3, một chiến đấu cơ MIG 21 của Damas bị nhóm Hồi giáo võ trang Ahrar Al Sham bắn rơi ở Hama, miền trung Syria.
Ngoại trưởng John Kerry đã có một cuộc họp với các đồng nhiệm Pháp, Anh, Đức, Ý tại Paris để kiểm điểm tình hình Syria. Ông cho biết là chỉ trong ba tuần qua, tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị thiệt hại 600 chiến binh và mất 3.000 km vùng chiếm đóng. Tại Iraq, do bị thiệt hại nặng, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo phải rút bỏ thành phố Routba thuộc tỉnh Al Anbar, miền tây Irak.
End of content
Không có tin nào tiếp theo