Chính sách

Cần tham khảo quốc tế về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống

DNVN - Theo bà Bùi Thị Việt Lâm - Đại diện Quốc gia, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để để áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống một cách hài hòa, hợp lý, tránh tăng thuế cao gây sốc thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp, kinh tế - xã hội đất nước.

VASEP: Quy định "cá ngừ nửa mét" gây nhiều hệ luỵ cho ngư dân và doanh nghiệp / VCCI: Quy định doanh nghiệp được quyết định giá xăng dầu không thay đổi về bản chất quản lý giá

Bà Bùi Thị Việt Lâm - Đại diện Quốc gia, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có cồn rất khác nhau ở các quốc gia. Mức thuế đưa ra tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố kinh tế, văn hóa xã hội, thu nhập người dân, các chính sách quản lý, độ tuổi cho phép uống rượu bia, thuế nhập khẩu, các sản phẩm phi chính thức...

Khi chính phủ Anh bắt đầu tăng thuế vào đầu năm 2023, cụ thể tăng 10,1%, nước này đã chứng kiến lạm phát gia tăng và doanh số bán rượu mạnh giảm 20%. Tương ứng, doanh thu thuế từ việc bán rượu mạnh đã giảm 108 triệu bảng Anh từ tháng 8/2023 đến tháng 3/2024. Sau cùng, Chính phủ đã đình chỉ tăng thuế vào cuối năm 2023 để đối phó với việc giảm doanh thu từ thuế đồ uống có cồn và áp lực chi phí sinh hoạt. Đáng lưu ý, mức tăng 10,1% mà Chính phủ Anh áp dụng thấp hơn nhiều so với mức mà dự thảo luật thuế TTĐB ở Việt Nam hiện đang đề xuất.

Malaysia đã từng trải qua cú sốc thuế vào giai đoạn năm 2014 - 2015 khi quốc gia này liên tiếp tăng thuế TTĐB. Việc tăng thuế cao và đột ngột như ở Malaysia đã không hỗ trợ Chính phủ nước này đạt được mục tiêu của họ. Thay vào đó, đã tạo ra các hiệu ứng domino tiêu cực trên thị trường, làm mất nguồn thu của Chính phủ, nhiều nhà máy phải đóng cửa, nhiều người bị mất việc làm.


Bà Bùi Thị Việt Lâm - Đại diện Quốc gia, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN.

Năm 2023, Chính phủ Australia đưa ra dự toán rằng họ phải đối mặt với khoản thâm hụt 170 triệu đô la Australia (tương đương 114 triệu USD) do thuế rượu tăng. Thuế TTĐB đối với rượu ở Australia không chỉ làm thất thu ngân sách mà còn góp phần gia tăng lạm phát và áp lực từ chi phí sinh hoạt.

Còn tại Trung Quốc, theo bà Lâm, thuế nhập khẩu đồ uống có cồn đã dần được cắt giảm tiến tới xóa bỏ theo các FTA. Hiện tại, Trung Quốc áp dụng thuế TTĐB ở mức thấp từ 10%-25% tùy loại. Bia đang chịu thuế 220 Nhân dân tệ/tấn. Việc tiêu thụ rượu bất hợp pháp chiếm khoảng 25%. Thực tế này cho thấy, chính sách thuế hợp lý vừa giúp ổn định nguồn thu ngân sách, vừa giảm đồ uống có cồn bất hợp pháp.

Trung Quốc đã có sự thay đổi đáng kể trong chính sách kiểm soát đồ uống có cồn giai đoạn 1990-2019. Thuế đồ uống có cồn từ lâu đã là nguồn thu quan trọng của Chính phủ Trung Quốc. Năm 2017, khoảng 30 tỷ Nhân dân tệ Trung Quốc (khoảng 4,5 tỷ USD) thuế tiêu thụ đã được thu từ ngành công nghiệp rượu, khiến ngành này trở thành ngành đóng góp lớn thứ tư vào tổng doanh thu thuế tiêu dùng năm đó.

Thái Lan thông báo cắt giảm thuế đối với các mặt hàng đồ uống có cồn cùng địa điểm giải trí nhằm thúc đẩy ngành du lịch. Cụ thể, nội các Thái Lan đưa ra một loạt biện pháp tăng cường tiêu dùng liên quan đến du lịch thông qua các chính sách liên quan đến rượu. Trong đó, sửa đổi thuế TTĐB cũng như đơn giản hóa thuế đối với rượu vang; sửa đổi thuế nhập khẩu theo hướng giảm thuế rượu vang xuống 0% và giảm một nửa thuế giải trí.

Theo Đại diện Quốc gia, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, trên thế giới, thuế TTĐB giúp tăng ngân sách, định hướng sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thuế TTĐB đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của GDP.

Còn thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn rất khác nhau giữa các quốc gia tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Tăng thuế sẽ làm tăng thêm khoảng cách lợi ích giữa sản phẩm chính thức và bất hợp pháp, từ đó tạo động lực buôn lậu phát triển.

Từ những ví dụ và phân tích trên, bà Lâm cho rằng, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để để áp dụng một cách hài hòa, hợp lý phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam.

Cần đánh giá toàn diện các tác động đối với đối tượng trực tiếp và các đối tượng gián tiếp, kinh tế, xã hội để trách những ảnh hưởng tiêu cực, lan tỏa, không mong muốn hoặc thậm chí tác dụng ngược.

"Cần cân nhắc việc tăng thuế cao gây sốc thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp, kinh tế, xã hội. Bên cạnh công cụ thuế cần đi kèm các công cụ khác như tăng cường chống buôn lậu, kiểm tra giám sát việc tuân thủ pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục người tiêu dùng...", bà Lâm đề xuất.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm