Chính sách

Chậm hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp gỗ: Tổng cục Thuế nói gì?

DNVN - Tại buổi Họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ Tài chính, chiều 30/3, trả lời câu hỏi về việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, trường hợp hồ sơ hoàn thuế xuất hiện gian lận, rủi ro thì sẽ kiểm tra trước, hoàn thuế sau.

Hơn 96% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế bằng phương thức điện tử / Kiểm soát chặt việc kê khai và thực hiện hoàn thuế VAT

Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong quá trình ngành thuế thực hiện nhiệm vụ hoàn thuế thời gian qua đã phát sinh một số vướng mắc không chỉ đối với doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ mà cả doanh nghiệp xuất khẩu nhiều mặt hàng khác.

Về hoàn thuế hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp có tình trạng vi phạm trong sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp. Đơn cử như năm 2021 tại Phú Thọ, cũng liên quan đến đơn vị thu gom xuất khẩu dăm gỗ, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra gian lận rất lớn về hồ sơ hoàn thuế.

Vì thế, cơ quan thuế phải có biện pháp hoàn thuế theo trình tự kiểm tra trước, hoàn thuế sau đối với trường hợp phát hiện ra trường hợp có rủi ro.

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ Tài chính.

“Tôi cho rằng, đối với một số trường hợp các doanh nghiệp mà cơ quan thuế phát hiện gian lận, rủi ro thì phải áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp. Đó là xác minh đầu vào tránh xảy ra rủi ro, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật”, ông Minh nói.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, để thực hiện việc hoàn thuế tốt hơn, tháng 9/2022, Tổng cục Thuế đã có quy định về tiêu chuẩn các doanh nghiệp cần đạt được để hoàn thuế theo quy định.

Riêng đối với dăm gỗ, tháng 11/2022, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các cơ quan chức năng trả lời những vướng mắc của doanh nghiệp dăm gỗ và doanh nghiệp sản xuất mặt hàng khác.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội để đối thoại với doanh nghiệp, nhất là đối thoại về vấn đề rủi ro đối với hoạt động xuất khẩu vào thời gian tới”, ông Minh cho biết.

Trước câu hỏi về việc thuế thu nhập cá nhân hiện đã bộc lộ hàng loạt các hạn chế, bất cập như về biểu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, ông Minh cho rằng, Tổng cục Thuế đã tổng hợp từ các đơn vị chức năng 17 nhóm vấn đề để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.

"Tuy nhiên, do chương trình sửa đổi pháp luật theo quy định phải có thời gian nghiên cứu, xử lý. Hiện nay Chính phủ cũng đã báo cáo để đưa vào chương trình sửa đổi pháp luật năm 2025. Cái này do các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc", ông Minh nói.

Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục có những đánh giá, tổng hợp các vướng mắc về thuế thu nhập cá nhân để thực hiện lộ trình sửa đổi.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm