Hỗ trợ doanh nghiệp

TP Hồ Chí Minh “hồi sức” cho doanh nghiệp: Hoàn thuế sớm, kiến nghị tiền chống dịch hạch toán vào chi phí

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh TP chia sẻ và thấu hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải trải qua.

Giải pháp giúp doanh nghiệp “giữ chân” người lao động? / Hai tập đoàn muốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tại Kon Tum

Tối qua (8/10), Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đã tham gia chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" để trả lời trực tiếp các thắc mắc của người dân về chủ đề "Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới"

Bắt đầu chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, kể từ khi "mở cửa" trở lại, TP phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, sản xuất kinh doanh trở lại, song "không thể tiêu diệt ngay virus", thậm chí sau này sẽ có nhiều biến chủng mới.

“Cần chấp nhận sống và làm việc với tình trạng có dịch trong thời gian nhất định mà không thể nói trước bao lâu. Tất cả các chủ thể trong xã hội đều phải thích nghi linh hoạt cuộc sống, phát triển kinh tế hợp lý với tình hình dịch bệnh”, bà Thắng cho biết.

TP Hồ Chí Minh “hồi sức” cho doanh nghiệp: Hoàn thuế sớm, kiến nghị tiền chống dịch hạch toán vào chi phí - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng (ngồi giữa) tham gia chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" vào tối qua (8/10)

Nhìn thẳng vào thực tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh TP đang ở trong tình thế khó khăn: “Công nhân khó khăn, các cơ sở khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, kể cả TP cũng khó khăn. Ngân sách dự toán phòng chống dịch bệnh dù đầu năm có tính toán nhưng không ai tin được tình hình dịch bệnh phức tạp đến vậy. Ngay cả ngân sách TP cũng khó khăn”.

Hỗ trợ doanh nghiệp thế nào?

Trước câu hỏi về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sau khi TP “mở cửa” trở lại, đầu tiên về vốn, theo bà Thắng hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 3 Thông tư: 01, 03 và 14 để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tập trung vào các hạng mục chính là giãn, giảm, khoanh nợ và không cho nhảy nhóm nợ đối với các doanh nghiệp đang vay vốn.

Theo bà Thắng, việc không nhảy nhóm nợ có ý nghĩa lớn với các doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến lãi suất doanh nghiệp phải chịu.

“Nếu gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, doanh nghiệp có thể phản ánh với Ngân hành Nhà nước. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng có thể phản ánh với các hiệp hội, địa phương. Trong tuần sau TP sẽ làm việc với các hiệp hội để tập trung ý kiến của doanh nhiệp”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng thông tin.

 

Riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh, cá nhân, có nhu cầu tiếp cận vốn có thể liên hệ với các chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tại các quận huyện, các tổ chức hội đoàn thể (Hội phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên…) ngay trên địa bàn đăng ký nhu cầu.

Theo kế hoạch của TP, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ được cho vay không quá 2 tỉ đồng, cá nhân không quá 100 triệu đồng. Còn các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo… cũng sẽ được vay nhiều lần, nhưng tổng số lần vay không quá 100 triệu đồng với lãi suất 0,5%/tháng.

TP Hồ Chí Minh “hồi sức” cho doanh nghiệp: Hoàn thuế sớm, kiến nghị tiền chống dịch hạch toán vào chi phí - Ảnh 2.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Cục Thuế TP sẽ hoàn thuế sớm hơn để giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về dòng tiền

Liên quan khó khăn về thuế phí, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 trong đó gia hạn thời gian nộp thuế cho các tổ chức doanh nghiệp, hộ kinh doanh: VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuê đất… đến cuối năm.

Về phía TP, theo bà Thắng, để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Thuế TP sẽ kết hợp với các Chi cục thuế quận huyện sẽ hoàn thuế sớm, thay vì thời điểm cuối năm.

 

Kiến nghị tiền doanh nghiệp phòng chống dịch sẽ được "hạch toán vào chi phí"

Trước băn khoăn chi phí xét nghiệm quá cao, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng thừa nhận khó khăn này với các doanh nghiệp. Bà Thắng cho rằng ngoài chi phí xét nghiệm, thời gian qua, doanh nghiệp còn phải chịu rất nhiều chi phí trong phòng chống dịch khác.

“Tổ chức “3 tại chỗ” tốn rất nhiều chi phí từ ăn, ở, vệ sinh, bù đắp cho công nhân. Chi phí một doanh nghiệp bỏ ra trong thời gian tổ chức 3 “tại chỗ” khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng. Một doanh nghiệp hàng nghìn công nhân thì chi phí rất lớn. Những khó khăn này TP rất thấu hiểu”, bà Thắng cho biết.

Bà Thắng cho rằng trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại Nhà nước không thể bao cấp hết tất cả, nên theo hướng hiện nay là doanh nghiệp tự chủ động xây dựng và chịu trách nhiệm phương án phòng chống dịch của mình.

“TP đang kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương những chi phí phát sinh của doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch nói chung sẽ được hạch toàn vào chi phí”, bà Thắng thông tin.

 

TP Hồ Chí Minh “hồi sức” cho doanh nghiệp: Hoàn thuế sớm, kiến nghị tiền chống dịch hạch toán vào chi phí - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng nhấn mạnh TP chia sẽ và thấu hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp liên quan đến chi phí phòng chống dịch

Còn về câu hỏi quy định xét nghiệm 7 ngày/lần có lãng phí hay không, bà Thắng nhấn mạnh quy định này chỉ là tạm thời, thời gian tới nếu tình hình được cải thiện sẽ thay đổi về tần suất xét nghiệm. Hoặc nếu tình hình xấu hơn thì có thể tăng tần suất lên.

“Các doanh nghiệp đang ý thức cao về việc bảo vệ lực lượng công nhân của mình”, bà Thắng khẳng định.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm