Chính sách

Đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia

DNVN - Từ việc thẳng thắn chỉ ra hạn chế, yếu kém của ngành lúa gạo cũng như khung pháp lý bộc lộ nhiều vấn đề cần xem xét, Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT có ý tưởng và thống nhất cao việc đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia.

Đề xuất giao doanh nghiệp Nhà nước thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi / Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại dấu ấn đậm nét qua những quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp

Cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia diễn ra chiều ngày 6/8 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Tại cuộc họp, người đứng đầu Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các khung pháp lý hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề cần xem xét, sửa đổi, bổ sung khi chưa tạo ra được những động lực đủ mạnh và một môi trường thuận lợi cho người sản xuất và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, ngành lúa gạo cũng còn một số hạn chế như sản xuất chưa theo quy hoạch dẫn đến dư thừa cục bộ, ảnh hưởng đến người sản xuất. Thu nhập người nông dân trồng lúa còn thấp, đời sống của một số bộ phận còn khó khăn.

Trong bối cảnh mới, ngành lúa gạo đứng trước nhiều thách thức như: biến đổi khí hậu, thị trường trong nước và thế giới diễn biến nhanh, xu thế tiêu dùng thay đổi, nhiều nguồn tài nguyên suy giảm.

Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương có ý tưởng và thống nhất cao việc đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia.


Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp đề xuất lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, ngành lúa gạo không chỉ đóng vai trò vai trò nòng cốt đối với an ninh lương thực quốc gia mà còn là ngành có tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, cũng là ngành góp phần làm nên thương hiệu Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: sản xuất lúa gạo còn manh mún, công nghệ chưa tiên tiến; thu nhập người nông dân trồng lúa còn thấp; đời sống của một số bộ phận còn khó khăn. Xuất khẩu gạo còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, chưa đa dạng hoá thị trường, gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, còn khó khăn trong quá trình giao dịch.

“Đặc biệt, mặc dù đã có thương hiệu nhưng doanh nghiệp chưa sử dụng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, chưa tạo được thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam trong lòng người tiêu dùng nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.

Hiện nay, tại một số thị trường khó tính, gạo Việt Nam đã có “chỗ đứng” nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, chức năng nhưng các doanh nghiệp và sản xuất gạo không duy trì được các thành tựu, tự đánh mất thị trường.


Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém của ngành lúa gạo.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nêu, nguyên nhân chủ yếu nhất là ngành lúa gạo vẫn thiếu một chiến lược; đầu tư cho sản xuất lúa gạo, nhất là gạo xuất khẩu chưa xứng tầm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, hoặc không nắm giữ phát triển thị trường, củng cố thương hiệu...

Trước bối cảnh mới, để hướng đến mục tiêu đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng nguồn thu nhập cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa, nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp cho bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài tài nguyên rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo, bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các bộ, đó là Hội đồng Lúa gạo quốc gia.

Được biết, Bộ Công Thương đã dự thảo Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách và hồ sơ liên quan về thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia. Ngày 1/8 vừa qua, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xin ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách.

Theo dự thảo này, Hội đồng Lúa gạo quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp đã đóng góp nhiều thông tin, ý kiến góp ý, kiến nghị các giải pháp nhằm giúp đơn vị soạn thảo định hướng, xây dựng được nội dung bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp và người sản xuất. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, đơn vị soạn thảo sẽ tổng hợp, hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm