Chính sách

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có phải là giải pháp phù hợp tăng thu ngân sách?

DNVN - Chia sẻ tại tọa đàm “Môi trường chính sách thuế tại Việt Nam: Thực trạng và kinh nghiệm quốc tế”, sáng ngày 24/7, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) không phải là giải pháp phù hợp để tăng thu ngân sách. Cần thay đổi tư duy về chính sách thuế này.

Game Online vẫn chưa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt / Chủ tịch VBA: Chưa đủ cơ sở để áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, kinh nghiệm tại EU cho thấy, việc tăng thuế TTĐB đã khiến người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm có giá rẻ hơn, bao gồm cả sản phẩm phi chính thức. Đồng nghĩa với việc quốc gia bị thất thu thuế.

Cụ thể, tại Vương quốc Anh, đầu năm 2023, quốc gia này đã tăng thuế đối với rượu khiến doanh số bán rượu giảm 20%. Trong nửa năm 2023, nguồn thu thuế từ rượu giảm 108 triệu bảng Anh. Cuối năm 2023, Vương quốc Anh dừng tăng thuế đối với rượu.

Tại Úc, dự tính thất thu ngân sách khoảng 114 triệu USD do tăng thuế rượu vào năm 2023. Tại Hy Lạp, nước này tăng thuế rượu mạnh 125% trong giai đoạn 2009 – 2010, kéo theo thu ngân sách giảm từ 280 triệu Euro xuống còn 272 triệu Euro.

Các đại biểu tham dự tọa đàm chia sẻ thông tin xoay quanh việc tăng thuế TTĐB.

Ông Việt cho rằng, chính sách tăng thuế TTĐB có nguy cơ kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm sản xuất đúng quy định pháp luật. Các chính sách kiểm soát chặt hơn như giám sát, tăng thuế… hầu như mới hướng tới các cơ sở đăng ký.

Sự kiểm soát này bỏ ngỏ những cơ sở chưa đăng ký, các sản phẩm phi chính thức. Bởi vậy, người dùng vẫn có thể dễ dàng các hàng hoá phi chính thức vốn vừa rẻ hơn lại vừa dễ mua.

“Cần thay đổi tư duy chính sách thuế TTĐB trong dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Mức thuế TTĐB cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Đồng thời, mức thuế TTĐB cần được xác định hợp lý để bảo đảm thu ngân sách Nhà nước hiệu quả nhưng cũng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát”, ông Việt khuyến nghị.

Cũng theo Phó Viện trưởng VEPR, Luật thuế TTĐB (sửa đổi) cần bảo đảm sự công bằng trong việc thu thuế đối với mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB. Danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB và mức thuế áp dụng cần được quy định rõ ràng, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành pháp luật thuế.

Làm sao bảo đảm hài hoà trong phương pháp tính thuế TTĐB. Đó là sự hài hòa các quy định về phương pháp tính thuế của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Lộ trình áp dụng tăng thuế cũng cần đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và thuận tiện từ quá trình triển khai thực hiện bởi các bên liên quan cho đến việc quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế. Đánh giá cẩn thận tác động tiềm ẩn mà luật pháp và các quy định có thể gây ra trước khi ban hành.

Trong nhiều trường hợp, mặc dù các nhà lập pháp tìm cách bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo việc thu thuế TTĐB, nhưng một số chính sách đã gây ra những hậu quả tiêu cực, làm phát sinh hoạt động bất hợp pháp trong sản xuất kinh doanh.

Luật thuế TTĐB (sửa đổi) cần khuyến khích phát triển các sản phẩm chính thức, được sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ quy định, tiêu chuẩn trong việc đăng ký, sản xuất, báo cáo.

“Đặc biệt, yêu cầu tất cả cơ sở sản xuất đã đăng ký thì phải sử dụng tem đúng và đầy đủ để kiểm soát số lượng, thu thuế. Quản lý chặt các nguồn cung sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng, kiên quyết chống hàng giả, hàng nhái, hàng không nguồn gốc cũng như công tác chống buôn lậu”, ông Việt nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm