Doanh nghiệp "chóng mặt" với các quy định trên nền tảng số
DNVN - VCCI coi việc các nhà làm luật ban hành nhiều quy định liên quan đến nền tảng số là hiện tượng "trăm hoa đua nở". Song, dưới góc nhìn của doanh nghiệp (DN) và chuyên gia thì còn thiếu người gác cổng, "kiến trúc sư trưởng" trong việc quản lý vấn đề mới và quan trọng này.
Quảng Ninh: Xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng để phát triển kinh tế lâm nghiệp / Nhiều cơ quan chức năng dường như không tương tác với doanh nghiệp
"Trăm hoa đua nở"
Theo báo cáo E-conomy SEA của Google, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực, đạt 23 tỷ USD năm 2020 và có thể lên tới 200 tỷ USD năm 2030.
Sự phát triển này cũng đồng thời thu hút sự quan tâm của các cơ quan soạn thảo chính sách trong thời gian qua, thông qua việc ban hành các quy định liên quan đến nền tảng số - chủ thể đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số.
Báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 4/4 cho thấy, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử quy định trách nhiệm của hệ thống thông tin giao dịch điện tử (trong đó có nền tảng số). Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định trách nhiệm của nền tảng số trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Luật Điện ảnh 2022 và Dự thảo các văn bản hướng dẫn quy định trách nhiệm của các nền tảng số với hoạt động chiếu phim trên mạng. Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) 2022 và Dự thảo các văn bản hướng dẫn quy định trách nhiệm thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của các nền tảng số.
VCCI đánh giá, việc đồng thời soạn thảo nhiều quy định về nền tảng số đã bộc lộ nhiều thách thức khi điều chỉnh vấn đề này.
Theo VCCI, việc đồng thời soạn thảo nhiều quy định về nền tảng số đã bộc lộ nhiều thách thức.
Hiện nay, một số nền tảng số phổ biến đã có văn bản pháp luật điều chỉnh riêng như mạng xã hội được quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP21, sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP22, nền tảng thanh toán điện tử tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP23... và các quy định sửa đổi, bổ sung. Các văn bản này đã quy định chi tiết, cụ thể về nghĩa vụ của các nền tảng này từ cấp phép đến các nghĩa vụ với người dùng. Tuy nhiên, việc ban hành nhiều văn bản cũng có nhược điểm. Các văn bản pháp luật khác nhau sử dụng nhiều tên gọi khác nhau, vốn được đặt theo chức năng, như sàn TMĐT, mạng xã hội, nền tảng game...
Để đáp ứng xu hướng và nhu cầu của thị trường, các nền tảng thường bổ sung thêm nhiều chức năng phụ, dẫn đến các giới hạn phân định trở nên mờ nhạt và không rõ ràng.
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử và Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng dự kiến ban hành quy định điều chỉnh tổng thể dưới tên gọi chung “nền tảng số”. Như vậy, có lẽ các tên gọi sàn TMĐT, mạng xã hội, nền tảng thanh toán… sẽ được thống nhất dưới một quy định “nền tảng số”.
Tuy nhiên, theo VCCI, việc thay đổi cách tiếp cận, đồng thời lại soạn thảo nhiều dự thảo dưới sự chủ trì của nhiều bộ khác nhau cùng điều chỉnh vấn đề là một việc cực kỳ thách thức. Nếu các vấn đề cần được điều chỉnh không được phân định giữa các cơ quan soạn thảo, rất có thể dẫn đến nguy cơ chồng chéo, trùng lặp, thiếu thống nhất giữa các văn bản đang soạn thảo với nhau và cả với các quy định hiện hành.
Doanh nghiệp "chóng mặt"
Dưới góc nhìn DN, bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam cho biết, thực tế những người theo dõi chính sách, chuẩn bị công tác tuân thủ như bà thấy rằng trong năm vừa rồi "khá chóng mặt" bởi vì hàng loạt các quy định mới được ban hành cũng như đang trong quá trình soạn thảo, sửa đổi, sắp ban hành điều chỉnh các hoạt động, hình thái kinh doanh trên môi trường số.
Báo cáo của VCCI chỉ ra nguy cơ rất lớn về sự chồng chéo, trùng lặp, thậm chí là mâu thuẫn giữa các văn bản đang được xây dựng, đang thực thi như dự thảo Luật Giao dịch điện tử, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Dự thảo nghị định về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử cũng như các quy định hiện hành liên quan đến vấn đề trách nhiệm, nghĩa vụ của nền tảng. Trong đó, bao gồm cả những nền tảng đã có các văn bản riêng, quy định riêng.
"Có thể nói xu hướng rất rõ ràng là các văn bản mới sắp ra đời đều có xu hướng buộc ngày càng nhiều trách nhiệm cho các nền tảng, kiểu nắm người có tóc. Tuy nhiên, nếu việc phân định trách nhiệm giữa các bên không hợp lý, ví dụ buộc nền tảng trung gian phải có trách nhiệm nghĩa vụ về chất lượng hàng hóa bán trên sàn thì giống như thay trách nhiệm cho người cung cấp trực tiếp hàng hóa, dịch vụ đó. Điều đó rất không hợp lý bởi vì bản thân các nền tảng chỉ cung cấp, tạo ra một cái chợ để người mua - người bán gặp nhau trên đó.
Nếu buộc cho các nền tảng những trách nhiệm vượt quá khả năng thì không những không giải quyết được vấn đề mà còn có thể gây ra nguy cơ lợi dụng chính sách từ những đối tượng xấu kinh doanh trên sàn, tạo ra những khó khăn, khủng hoảng cho các nền tảng một cách không cần thiết", bà Vũ Thị Minh Tú phân tích.
Thiếu "kiến trúc sư trưởng"
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho biết, liên quan đến kinh tế số và công nghệ số, hiện đang có khoảng 60 luật và rất nhiều nghị định ở các ngành khác nhau đang được thảo luận. Có những luật đã ban hành và đa phần các luật khác đang trong giai đoạn sửa đổi.
Trong giai đoạn hiện nay, bắt buộc nhiều văn bản phải sửa đổi lại để ứng xử với loại hình công nghệ mới. Trong khoảng 5 năm qua, cá nhân cá nhân ông thấy rằng chúng ta vẫn đang loay hoay xử lý trước những vấn đề mới phát sinh và nội dung dàn trải ở nhiều đầu mối, các bộ chuyên ngành.
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho rằng, chúng ta còn thiếu "kiến trúc sư trưởng" để ứng xử kịp thời với loại hình kinh tế mới.
Theo chuyên gia, vấn đề lớn đặt ra là việc tiếp cận từ phía chiến lược và chính sách mới cho những cơ hội từ công nghệ số và chuyển đổi số mang lại. Từ đó tìm cách cân bằng, xử lý được lợi ích giữa các bên. Bởi vì những nhóm mới bao giờ cũng đi kèm với những lợi ích mới và các nhóm lợi ích cũ, các ngành kinh doanh cũ chịu tác động, bị tổn hại và dẫn đến xung đột.
Ngoài ra, năng lực điều phối khi xây dựng các quy định về kinh doanh đang bị dàn trải và chia ra nhiều đầu mối. Theo thống kê nhanh, có 14 dịch vụ số mới, trong đó 12 dịch vụ nằm trong thẩm quyền quản lý của Bộ Thông tin & Truyền thông. Tuy nhiên, 5 bộ khác cũng chịu trách nhiệm đồng thời. Vấn đề đặt ra là hiện chưa có một "kiến trúc sư trưởng" cho vấn đề này.
"Báo cáo của VCCI đưa ra từ khóa "trăm hoa đua nở", nhưng dưới góc nhìn của chúng tôi, chúng ta đang thiếu vị kiến trúc sư về cảnh quan trong khi có nhiều hoa trồng ở nhiều nơi và chỗ nào cũng đẹp. Không có người thực hiện vai trò kiến trúc sư trưởng để tư vấn cho Quốc hội. Từ đó, dẫn đến việc bộ nào cũng muốn giành phần quản lý về bộ mình", ông Nguyễn Quang Đồng nêu.
Do đó, chuyên gia hi vọng các nhà làm luật nên cởi mở, lắng nghe và trao đổi nhiều hơn với DN để cho ra đời các văn bản pháp luật có tính ứng dụng cao, đáp ứng kịp thời với sự phát triển nhanh chóng của thời đại số.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo