Chính sách

Hai hạn chế lớn của khu vực kinh tế tư nhân

DNVN - Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần II sáng 2/4, PGS, TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam khẳng định diễn đàn hội tụ tinh hoa trí tuệ, tâm huyết của cộng đồng doanh nhân và các chuyên gia uy tín hàng đầu đất nước, rút ra những bài học cần thiết cho chặng đường phát triển mới.

Phó Thủ tướng nhắc lại thông điệp của Chủ tịch nước: Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân / Ấn tượng với cụm từ "trao cơ hội" cho kinh tế tư nhân của Thủ tướng

Phát biểu khai mạc “Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần II” với chủ đề “Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế”, PGS, TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nhấn mạnh kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới năm 1986, Đảng đã xác định kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế, từ đó đề ra nhiều chủ trương, chính sách và tiền đề quan trọng phát triển kinh tế tư nhân và doanh nhân Việt Nam.

Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 BCHTW Khóa XII của Đảng đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục làm rõ hơn, sâu sắc hơn nhiều vấn đề mới về phát triển kinh tế tư nhân và khẳng định phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân.

PGS, TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam phát biểu khai mạc "Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ II".

Sau hơn 30 năm đổi mới, nhất là những năm gần đây, sau Nghị quyết 10/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đến nay, những dữ liệu, số liệu thống kê đều cho thấy kinh tế tư nhân đã có bước chuyển mình mang tính lịch sử, hết sức lớn lao, mạnh mẽ; đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội…

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0, công nghệ số và những tiến bộ đột phá về khoa học, công nghệ đang làm cho cuộc sống thay đổi hết sức nhanh chóng; tình hình thiên tai, dịch bệnh, chính trị, kinh tế toàn cầu đang đang diễn biến cực kỳ phức tạp, khó lường, khó dự báo, cộng với những yếu kém nội tại của nền kinh tế đất nước… đang gây nên những trở lực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, khu vực kinh tế tư nhân cũng phải đối diện nhiều thách thức.

Bên cạnh cơ hội và thuận lợi thì hậu quả vô cùng nặng nề của đại dịch COVID-19 và tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng từ các cuộc xung đột quân sự, thương mại trên thế giới vừa qua đã tạo ra khó khăn và thách thức gay gắt mang tính toàn cầu, đặc biệt là đối với một nền kinh tế mới bước vào ngưỡng cửa phát triển, dễ bị tổn thương, lại đang hội nhập sâu, rộng với thế giới như nền kinh tế Việt Nam.

“Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ II được kỳ vọng là dịp hội tụ tinh hoa trí tuệ, tâm huyết của các chuyên gia uy tín hàng đầu đất nước và của cộng đồng doanh nhân. Các ý kiến tập trung đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân để rút ra những bài học cần thiết cho chặng đường phát triển mới”, PGS, TS Nguyễn Trọng Điều khẳng định.

Phát biểu tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng chỉ ra rằng bên cạnh những đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế như mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP (khoảng 46,4%), song tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Cùng đó, kinh tế tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đa số vẫn là kinh tế hộ kinh doanh (chiếm 94%). Năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp. Tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân chưa giảm.

Đặc biệt, ông Lực nhắc tới hai hạn chế lớn của khu vực kinh tế tư nhân là tình trạng “luôn thiếu vốn” và chưa thực sự chú trọng đầu tư công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) hay ứng dụng công nghệ thông tin.

Từ những hạn chế này, ông Lực khuyến nghị cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp nâng cao đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế

Đặc biệt là quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, có chính sách rõ ràng, nhất quán để hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hoá trong doanh nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin tại doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có cấu phần về chuyển đổi số và nhất quán thực thi.

“Doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và quản trị rủi ro; chủ động hợp tác, liên kết, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực và tích cực tham gia trong kiến tạo và phát triển môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, công bằng thông qua đóng góp các ý kiến, phản biện chính sách để góp phần hoàn thiện và thực thi thể chế”, ông Lực nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm