Chính sách

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội: Chậm tiến độ vì áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn

DNVN - Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội chậm tiến độ vì áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cả trong và ngoài nước cũng như khó khăn trong công tác quản lý dự án.

Khai thác tiềm năng tuyến vận tải đường sắt liên vận từ Việt Nam tới Nga / Đề xuất phương án tạm thời di dời ga đường sắt Đà Nẵng

Sáng ngày 19/1, phát biểu tại Phiên thứ 4 với chuyên đề “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quản lý dự án ĐSĐT” trong khuôn khổ Hội thảo phát triển ĐSĐT, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo quy hoạch giao thông vận tải, Thủ đô sẽ có 10 tuyến ĐSĐT. Tổng chiều dài của 10 tuyến này là 417,8km, trong đó, 75,6km đi ngầm.

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13km của tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông và đang triển khai thi công 12,5km tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dự án ĐSĐT của Hà Nội chậm tiến độ là do áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn.

Từ khi tuyến ĐSĐT số 2A đi vào khai thác vận hành, được toàn thể nhân dân TP Hà Nội chào đón và sử dụng với tần suất cao, bước đầu cho thấy hiệu quả về mặt khai thác. Sắp tới, Hà Nội sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao thuộc dự án tuyến ĐSĐT thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. TP Hồ Chí Minh sắp đưa vào khai thác tuyến ĐSĐT số 1 đoạn Bến Thành – Suối Tiên.

“Thực tế, quá trình triển khai thực hiện, cả hai dự án ĐSĐT của Hà Nội (Nhổn - Ga Hà Nội và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Một trong những nguyên nhân chính là chủ đầu tư cũng như các nhà thầu gặp không ít vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cả trong và ngoài nước, cũng như khó khăn trong công tác quản lý dự án ĐSĐT", ông Tuấn cho biết.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, thông qua Hội thảo phát triển ĐSĐT, các ý kiến đã thể hiện sự đồng tình và thống nhất cao về vai trò ngày càng lớn của của hệ thống ĐSĐT. Đó là ĐSĐT không những làm thay đổi diện mạo và đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia mà còn góp phần đáng kể nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Cần xây dựng tầm nhìn dài hạn với sự tham gia và đồng thuận của người dân đối với các dự án ĐSĐT.

Từ thực tiễn và kinh nghiệm phát triển ĐSĐT ở các nước phát triển cũng như các nước đã đầu tư đưa vào khai thác sử dụng có điều kiện tương đương Việt Nam, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý hệ thống ĐSĐT.

Các ý kiến đặc biệt nhấn mạnh vào việc xây dựng tầm nhìn dài hạn với sự tham gia và đồng thuận của người dân. Yêu cầu hoàn thiện chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống ĐSĐT xuyên suốt từ bộ máy chính quyền, cơ chế, chính sách đến nhận thức, tổ chức thực hiện. Đồng thời, cần khuyến khích, huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để xây dựng, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả công tác thiết kế cũng như triển thực hiện dự án.

Các ý kiến đóng góp sẽ là nguồn tư liệu có giá trị để các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, hoạch định chính sách tham khảo trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển hệ thống ĐSĐT nói riêng và hệ thống giao thông công cộng nói chung. Góp phần xây dựng Thủ đô và TP Hồ Chí Minh trở nên văn minh, hiện đại.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm