Chính sách

Dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Cần đánh giá kỹ tác động đối với doanh nghiệp

DNVN - TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đánh giá tác động đối với doanh nghiệp của Dự thảo luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi còn sơ sài.

Chủ tịch VBA: Chưa đủ cơ sở để áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường / Tính thuế tiêu thụ đặc biệt: Không đánh đồng bản chất tác hại là nồng độ cồn

Mới đây, dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội với lộ trình sẽ được Quốc hội thảo luận vào Kỳ họp thứ 8 năm 2024 và thông qua vào Kỳ họp thứ 9 năm 2025. Trong đó dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế suất vào lộ trình tăng thuế một số mặt hàng.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc sửa đổi Luật thuế TTĐB đã có kế hoạch cách đây vài năm. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng như mức độ phục hồi của nền kinh tế nên quá trình sửa đổi được hoãn chậm lại.

Mục đích của sửa đổi này là khắc phục những bất cập đã phát sinh trong quá trình thực hiện. Nhưng những quy định mới được đưa ra tại dự thảo luật lần này như mở rộng đối tượng chịu thuế hay tăng mức thuế suất vào lộ trình tăng thuế cần có sự đóng góp ý kiến nhiều hơn từ cộng đồng doanh nghiệp để điều chỉnh cho phù hợp.

TS Nguyễn Minh Thảo cho rằng, dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) cần cân nhắc về sự khó khăn chưa từng có của doanh nghiệp.

Trong tờ trình dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) của Bộ Tài chính có đưa ra lập luận là hoạt động sửa đổi hướng tới điều tiết tiêu dùng. Qua đó điều tiết về sản xuất và cuối cùng mới tính đến nguồn thu.

Điều tiết tiêu dùng nghĩa là sẽ dẫn tới điều tiết về sản xuất, phân phối. Trong bối cảnh 2 năm gần đây, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa bao giờ khó khăn như vậy thì quá trình sửa luật, các cơ quan chức năng cần phải cân nhắc thêm nhiều yếu tố khác.

“Ngoài yếu tố về nguồn thu, các cơ quan chức năng cần cân nhắc thêm bối cảnh hiện nay như thế nào, thực trạng của doanh nghiệp ra sao và cần có báo cáo đánh giá tác động một cách toàn diện hơn. Nhìn từ tờ trình dự thảo của Bộ Tài chính hiện nay, tôi cho rằng, yếu tố đánh giá tác động còn ở mức độ rất sơ sài.

Dự thảo chưa có sự cân nhắc một cách chi tiết và thấu đáo các hoạt động của doanh nghiệp cũng như mức độ tác hại của sản phẩm”, bà Thảo khẳng định.

Cũng theo bà Thảo, trong dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi), có nhiều mặt hàng là đối tượng chịu thuế TTĐB chứ không chỉ là mặt hàng ô tô, đồ uống có cồn hay nước giải khát. Mức thuế suất áp dụng tương đối cao sẽ làm ảnh hưởng rất nặng nề tới chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Việc đưa ra một chính sách cần dựa vào bối cảnh quốc tế áp dụng ra sao và tình trạng của doanh nghiệp như thế nào. Ví dụ đối với rượu, bia, việc ra đời Nghị định 100/2019/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), tiếp đó là việc Quốc hội vừa thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) tiếp tục tác động rất mạnh đến doanh nghiệp sản xuất rượi, bia.

Bản chất của thuế TTĐB là điều tiết tiêu dùng, điều tiết sản xuất rồi mới đến thu ngân sách. Bởi vậy, cần phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư có đủ thời gian để thích ứng, điều chỉnh phù hợp trước sự thay đổi của luật.

Doanh nghiệp cần có thời gian linh hoạt để doanh nghiệp thay đổi, chuyển đổi. Nếu mở rộng đối tượng chịu thuế hay tăng mức thuế suất vào lộ trình tăng thuế trong sửa đổi Luật thuế TTĐB đợt này sẽ khiến doanh nghiệp kiệt quệ khả năng phục hồi.

Quan trọng hơn, quy định này sẽ tạo hệ lụy cho môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thậm chí, tác động không nhỏ tới nhà đầu tư trong nước do lo ngại rủi ro.

Doanh nghiệp đã đầu tư đều có chiến lược dài hạn, bởi vậy, chính sách phải duy trì được sự ổn định cho hoạt động đầu tư này. Các nhà đầu tư có ý định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư cũng sẽ nhìn vào cách hành xử chính sách, sự ổn định chính sách của Việt Nam, sau đó mới quyết định có đầu tư hay không.

“Trong tình trạng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, chính sách cần được nghiên cứu một cách toàn diện, trên từng lĩnh vực. Khi mở rộng đối tượng chịu thuế hay tăng các mức thuế, cần phải đánh giá xem tác động của ngành hàng đó như thế nào.

Các cơ quan chức năng cần lắng nghe sâu hơn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trước khi quyết định những thay đổi trong dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi)”, bà Thảo kiến nghị.


Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm