Hỗ trợ doanh nghiệp

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường là không công bằng?

DNVN - Các doanh nghiệp và chuyên gia băn khoăn, sản phẩm có đường không chỉ có nước giải khát nhưng tại sao chỉ áp dụng với nước giải khát có đường? Không công bằng khi đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và việc áp thuế với mặt hàng này là không phù hợp...

Chi phí đầu vào tăng cao, gần 50% doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay / Tăng cường hợp tác giữa các DNNVV Việt - Hàn

Dự thảo chưa bảo đảm tính công bằng

Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự kiến, những quy định bổ sung, sửa đổi của Dự thảo sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Một trong những đối tượng chịu thuế TTĐB được Dự thảo bổ sung là nước giải khát có đường.

Theo Ban soạn thảo, việc bổ sung nước giải khát theo TCVN, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB là cần thiết để bảo vệ sức khỏe nhân dân; khuyến khích các nhà sản xuất nước giải khát thay đổi công thức, sản xuất những sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe; đồng thời góp phần cơ cấu lại NSNN theo các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Do đó, Ban soạn thảo đề xuất 2 giải pháp. Giải pháp 1: Bổ sung nước giải khát sản xuất công nghiệp có hàm lượng đường từ 5 gram trở lên trên 100 ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB và áp dụng mức thuế suất 10%.

Giải pháp 2: Bổ sung nước giải khát theo (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất dự kiến là 20%.

Tuy nhiên, tại hội thảo góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 11/7 tại Hà Nội, nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất không đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.


Theo bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường chưa bảo đảm tính công bình.

Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calories duy nhất và cao nhất. Vì vậy, không phải là nguyên nhân duy nhất và chủ yếu dẫn đến thừa cân béo phì (TCBP) và các bệnh không lây nhiễm.

Chính sách áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường chưa chắc đã hiệu quả, dẫn đến việc phân biệt đối xử, chưa bảo đảm tính công bằng trong công thức đánh thuế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Doanh nghiệp và Pháp chế của Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ, TCBP là bệnh của người giàu nên việc tăng thêm thuế không có ý nghĩa với họ. Trong khi đó, việc áp thuế sẽ giới hạn khả năng tiếp cận của người nghèo đối với nước giải khát có đường. Thừa đường nguy hiểm nhưng thiếu đường cũng nguy hiểm. Do đó, nếu áp dụng thuế TTĐB với mặt hàng này thì có thể ngăn chặn khả năng tiếp cận đường của người tiêu dùng.

“TCBP không chỉ xuất phát từ đường. Các sản phẩm có đường không chỉ có nước giải khát nhưng tại sao chỉ áp dụng với nước giải khát có đường? Không công bằng khi đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Ngành đồ uống có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Cạnh tranh lành mạnh thì người tiêu dùng được lợi nhưng nếu chỉ áp dụng thuế TTĐB với nước giải khát có đường thì cả ngành này bị ảnh hưởng, trong khi những sản phẩm khác có đường lại không bị ảnh hưởng. Do đó, việc áp thuế là không phù hợp”, ông Hưng nêu.

Bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội cho rằng, một số quốc gia sau khi áp dụng thuế TTĐB có tỷ lệ TCBP tiếp tục tăng mặc dù tiêu thụ đồ uống có đường giảm.

Một số quốc gia bỏ áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường do không hiệu quả. Đơn cử, Đan Mạch loại bỏ hoàn toàn thuế TTĐB với nước giải khát có đường từ ngày 1/1/2014.


Bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội kiến nghị xem xét lại việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Bên cạnh đó, một số quốc gia không áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhưng kiểm soát thừa cân, béo phì và tiểu đường hiệu quả. Đơn cử, Nhật Bản là nước có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam (146 lít/người/năm so với 70,5 lít.người/năm) nhưng tỷ lệ béo phì ở quốc gia này chỉ 3,5%.

"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường không phải là một biện pháp hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ TCBP cũng như các bệnh không lây nhiễm. Cần xem xét lại việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB", bà Việt Hà kiến nghị.

Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Quang Dũng - Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (Đại học Y Hà Nội) cũng khẳng định, có nhiều nguyên nhân gây ra TCBP. Vì vậy, nếu chỉ giảm tiêu thụ nước giải khát có đường thì không giải quyết được tình trạng TCBP và các bệnh không lây nhiễm.

Đề xuất giải pháp phòng chống TCBP và các bệnh không lây nhiễm, chuyên gia cho rằng cần giáo dục dinh dưỡng tại nhà trường. Tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khoẻ, sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm. Tăng cường các hoạt động thể chất, giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà…

Doanh nghiệp khó thêm khó

Theo Phó Chủ tịch VBA, quy định của Dự thảo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh giá thành các nguyên liệu gia tăng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cũng đồng thời chịu nhiều sức ép từ các nghĩa vụ tài chính phát sinh.

Các trách nhiệm tài chính mới như trách nhiệm tái chế và có thể phải thực hiện một số trách nhiệm khác như kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính cùng hàng loạt các loại phí môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường với chi phí ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Cũng theo bà Vân Anh, đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công, nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường và có thể có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế TTĐB. Theo đó, mục tiêu chính sách không đạt được trong khi ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống và tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, nhất là trong tình hình thu nhập giảm, lạm phát tăng cao như hiện nay.

Nhấn mạnh đến vấn đề quy định của dự thảo tác động đến doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Doanh nghiệp và Pháp chế của Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, nước giải khát là ngành rất đặc thù, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn.


Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Doanh nghiệp và Pháp chế của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Tân Hiệp Pháp phải đầu tư 300 triệu USD cho 12 dây truyền trên toàn quốc. Mỗi lần đầu tư máy móc, thiết bị phải theo một kế hoạch dài hạn liên quan đến thuê đất, xây nhà xưởng, chuẩn bị nhân công, thị trường. Khi mức thuế thay đổi, giá cả sản phẩm sẽ thay đổi. Đối với ngành nước giải khát, giá cả rất nhạy cảm. Các DN cạnh tranh với nhau chỉ cần điều chỉnh 200 – 300 đồng/chai nước thì lập tức tiêu thụ thay đổi hoàn toàn.

Với mức thuế 10% áp dụng ngay lập tức thì các DN sẽ rất khó khăn, các kế hoạch dài hạn bị thay đổi và không kịp điều chỉnh, ứng phó. Chuỗi lợi ích của DN cũng bị ảnh hưởng. Nếu sản phẩm bị ảnh hưởng, không tiêu thụ được thì sẽ tác động đến một loạt nhà cung cấp, nhà phân phối và người nông dân.

“Trong bối cảnh đang phải chịu nhiều áp lực, doanh nghiệp kiến nghị Ban soạn thảo, cơ quan quản lý chưa đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB”, ông Hưng đề xuất.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm