Chính sách

Doanh nghiệp đồ uống kiến nghị giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

DNVN - Theo Hiệp hội Bia - Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), trong hai tuần qua, VBA nhận được khá nhiều phản hồi và trao đổi từ cộng đồng doanh nghiệp đồ uống về một số nội dung cũng là những mối quan ngại lớn nhất đối với Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Tăng trưởng cần dựa nhiều hơn vào sáng tạo và năng suất lao động / Lo ngại quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản thêm 'đất' cho cơ chế 'xin cho'

Nhiều hệ luỵ nếu tăng thuế

Góp ý cho Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo, Hiệp hội Bia - Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10%, từ đó tăng thuế suất đối với rượu, bia năm 2026 lên 80% và tăng 100% tới năm 2030. WHO đưa ra những khuyến cáo chung cho những nước có tốc độ phát triển khác nhau và không cụ thể cho Việt Nam.

Các đề xuất phải được căn cứ và đánh giá đúng với thực trạng ở Việt Nam, nghiên cứu tính khả thi khi thực hiện, khuyến cáo của WHO chỉ dùng để tham khảo. Đề xuất tăng thuế trong chính sách quan trọng này cần phải có nghiên cứu thực tế, lộ trình khả thi.

Nêu khó khăn của ngành bia rượu, VBA cho biết, những năm gần đây, ngành bia cả nước sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu, đặc biệt là lợi nhuận và đã có nhà máy phải đóng.

Đưa dẫn chứng cụ thể, VBA chia sẻ, HEINEKEN Việt Nam, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường của hãng tại Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023.

Theo VBA, những năm gần đây, doanh nghiệp đồ uống đối diện nhiều khó khăn.

SABECO có 26 nhà máy ở 20 tỉnh thành từ năm 2021 tới nay tăng trưởng của doanh nghiệp tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ một tới hai con số. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng.

HABECO phản ánh năm 2023 sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động. Còn HALICO liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay, nên đến cuối năm 2023, HALICOđã ghi nhận lỗ quý thứ 27 liên tiếp, luỹ kế lên đến 457,7 tỷ đồng.

Theo phân tích của VBA, khi tăng thuế làm giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, tiêu dùng các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả... Việc tăng thuế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và bất hợp hợp pháp cho hàng lậu sẽ tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan chống hàng lậu.

Theo khảo sát thực tế tại một số địa phương hiện nay, tình hình các doanh nghiệp tư nhân sản xuất các sản phẩm bia nhái các thương hiệu lớn và bán trên thị trường với giá rất rẻ gần như bằng với giá thành sản xuất không có thuế. Ước sản lượng những sản phẩm bia nhái thương hiệu đó khoảng 200-300 triệu lít.

Hiệp hội mong muốn Ban soạn thảo tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là bài học từ các quốc gia láng giềng có điều kiện hoàn cảnh gần với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan.

Bên cạnh giải pháp tăng thuế, cần nghiên cứu và thực hiện các giải pháp, thực thi nghiêm chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chống thất thu ngân sách và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tổng tổn thất tài chính từ khu vực phi chính thức vào khoảng 2.816 triệu USD. Trong đó, tổn thất tài chính từ việc sản xuất là 751 triệu USD, từ các hoạt động buôn lậu và sản xuất hàng giả, hàng nhái vào khoảng 2.015 triệu USD.

Đối với lĩnh vực nước giải khát, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường là không khả thi trong việc đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân béo phì bởi béo phì là một căn bệnh phức tạp do nhiều yếu tố gây ra bao gồm nạp dư thừa năng lượng, thiếu hoạt động thể chất. Sử dụng nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất.

Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường là không hiệu quả trong việc tác động lên hành vi của người tiêu dùng bởi hiệu ứng thay thế khi người tiêu dùng có thể tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống khác có hàm lượng đường và ca-lo cao hơn nước giải khát như sữa, bánh ngọt.

Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường có tác động lớn tới đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là ngành nước giải khát và các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bao bì, bán lẻ và hậu cần ở Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cần giãn lộ trình tăng thuế

Vì tầm quan trọng của chính sách này đối với ngành hàng bia-rượu-nước giải khát, Hiệp hội đề nghị được Bộ trưởng và Ban soạn thảo xem xét thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) từ năm 2027.

Đối với sản phẩm rượu, bia xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới.

Đối với bia, từ ngày 1/1/2027 – 31/12/2028, áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 70%; từ ngày 1/1/2029- 31/12/2030 tăng lên 75%; từ ngày 1/1/2031 là 80%.

Đối với tượu từ 20 độ trở lên, từ ngày 1/1/2027 – 31/12/2028: áp thuế ở mức 70%; từ ngày 1/1/2029- 31/12/2030: 75%; từ ngày 1/1/2031: 80%.

Đối với rượu dưới 20 độ, từ ngày 1/1/2027 – 31/12/2028: 40%; từ ngày 1/1/2029- 31/12/2030: 45%; từ ngày 1/1/2031: 50%.

Ngoài ý kiến đề xuất chung như trên, có doanh nghiệp HEINEKEN Việt Nam đề xuất xem xét mức thuế khác nhau đối với bia dưới 5,5 độ; từ 5,5 độ tới 15 độ và trên 15 độ theo tinh thần Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia.

Ngoài ra, VBA kiến nghị xem xét bỏ điểm l khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật, theo đó không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm