Chính sách

Giải đáp băn khoăn về chỉ định cơ quan đầu mối tiêu thụ nông sản

DNVN - Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã giải đáp câu hỏi của báo chí về chỉ định các cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt tại các địa phương đang có dịch) để cấp giấy tờ liên quan theo quy định về phòng, chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ...

Tổng cục Hải quan yêu cầu siết chặt nhập khẩu cá tầm tại các cửa khẩu / Chủ tịch TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương thi tuyển phương án kiến trúc cảnh quan hồ Thạc Gián – Vĩnh Trung

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vận chuyển, lưu thông phân phối hàng hóa theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, ngay sau khi nhận được văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc ban hành hướng dẫn thu mua tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng đang có dịch, Bộ Công Thương đã làm ngay trong ngày thứ 7, Chủ nhật (tức ngày 27, 28/2) và ngày 1/3 cũng có buổi làm việc trực tuyến với Hải Dương, Hải Phòng, các bộ ngành có liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan, các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để bàn rất kỹ về dự thảo văn bản này. Và chiều tối 2/3, văn bản đã được ban hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, được sự đồng thuận cao của các địa phương cũng như doanh nghiệp.
"Vấn đề khi cần thiết, các UBND tỉnh, thành phố chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt tại các địa phương đang có dịch) cấp giấy tờ liên quan theo quy định về phòng, chống dịch thì căn cứ vào đâu, cần thiết là như thế nào? Ở các địa phương đều có các cơ quan chuyên môn liên quan đến vấn đề này như y tế, nông nghiệp (sản xuất), công thương (phân phối lưu thông), giao thông vận tải (vận chuyển hàng hóa) và Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT cần ban hành sớm quy chế", ông Đỗ Thắng Hải giải thích.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời phóng viên tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021. (Ảnh: VGP)
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nếu địa phương thấy rằng không cần chỉ định bất cứ đầu mối nào mà hoạt động hiệu quả thì địa phương hoàn toàn có quyền chủ động không thành lập đầu mối. Nhưng thấy rằng một doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến thu mua sản phẩm trong vùng dịch mà gặp đến 3,4 đầu mối thì địa phương có quyền chủ động chỉ định một đầu mối, có thể là một sở, ban ngành nào đó, thậm chí là Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của tỉnh, hoặc là một tổ liên ngành có nhiều đại diện của các cơ quan để tháo gỡ khó khăn cho người mong muốn thu mua, hỗ trợ họ khi gặp khó khăn và hỗ trợ cho người nông dân, người sản xuất tiêu thụ được sản phẩm.
"Địa phương có quyền chủ động và được giao thẩm quyền quyết định thành lập đầu mối hay không", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Ông Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, hiện nay, chúng ta cần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong vùng có dịch vì đang đến mùa thu hoạch với sản lượng lớn trên cả nước trong khi cầu giảm đi do các bếp ăn chưa hoạt động, sinh viên chưa đi học, công nhân nhiều nơi còn nghỉ... nên giữa cung và cầu chắc chắn xảy ra việc dư thừa. Do đó, chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định của y tế phòng chống dịch.
Trong khi đó, liên quan đến việc ban hành quy chế hướng dẫn đảm bảo an toàn về vận chuyển hàng hóa để phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT đã triển khai quyết liệt Chỉ thị 11 và Chỉ thị 84 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm phòng chống dịch, bảo đảm vận chuyển hàng hóa, bảo đảm an toàn phát triển kinh tế nói chung.
"Sau khi xảy ra dịch ở Hải Dương, vận chuyển hàng hóa, bà con đi lại khó khăn, ban đầu do nặng về chống dịch nên chưa chủ động. Sau đó, Thủ tướng đã giao cho Bộ GTVT ban hành quy định hướng dẫn bảo đảm an toàn lưu thông trong phòng chống dịch. Do quy định này liên quan nhiều đến Bộ Y tế, hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Bộ Y tế để ra quy chế hướng dẫn và sẽ cố gắng hoàn thành sớm", Thứ trưởng Nguyễn Nhật thông tin.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm