Chính sách

GIZ hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa và xoài

DNVN - Dự án “Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam” (GIC Việt Nam) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đang triển khai hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài.

Doanh nghiệp cá tra đẩy mạnh đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu / DN Hàn Quốc dự định đầu tư vùng nguyên liệu ớt tại Ninh Thuận

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc thâm canh sản xuất nông nghiệp cùng với các tác động của biến đổi khí hậu đang khiến nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối mặt với nhiều thách thức.

Chính vì vậy, giải pháp đặt ra là phải nỗ lực cải tiến nông nghiệp tại khu vực này, đưa nông nghiệp thành mô hình hiện đại, tập trung, giá trị cao.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, đặc biệt với các loại cây chủ lực của vùng, với sự tài trợ của Bộ hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức, Dự án GIC Việt Nam được Bộ NNPTNT phối hợp với Tổ chức GIZ đang triển khai hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài.

Dự án GIC Việt Nam đã xác định được những đổi mới chính cho chuỗi giá trị lúa gạo và xoài, bao gồm các giải pháp kỹ thuật và tổ chức trong sản xuất, chế biến và tiếp thị, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trong đó có thể kể tới việc thúc đẩy các giống lúa có nhu cầu cao, các tiêu chuẩn nông nghiệp cải tiến, tuân thủ an toàn thực phẩm và chứng nhận chất lượng, cung cấp dịch vụ cho các nông hộ nhỏ theo định hướng kinh doanh.

Dự án cũng triển khai các sáng kiến nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính và tái chế rơm rạ và trấu.

Triển khai dự án phát triển vùng nguyên liệu lúa và xoài.

Với chuỗi giá trị xoài, các đổi mới sáng tạo như cải thiện quản lý vườn cây ăn quả và sức khỏe cây trồng, giảm thất thoát sau thu hoạch được thực hiện thông qua mô hình trung tâm xúc tiến phát triển xoài.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định: “Các hoạt động thử nghiệm đổi mới trong ngành lúa gạo và xoài đã bước đầu đóng góp trực tiếp vào việc thực hiện các chủ trương và chính sách phát triển của ngành nông nghiệp tại vùng ĐBSCL”.

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã triển khai đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022–2025 trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh thuộc ĐBSCL.

Mục tiêu chung của đề án là hình thành 5 vùng trọng điểm sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, trong đó có mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu trái cây vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn.

Dự án GIC Việt Nam sẽ góp phần hướng tới mục tiêu quan trọng này, đồng thời, là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng sâu, rộng.

Từ đó, góp phần tạo động lực, khơi dậy được tiềm năng phát triển cho các địa phương để có thể mở rộng và phát triển các vùng nguyên liệu, phát triển nông nghiệp bền vững gắn với thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho nông dân.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm