Chính sách

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Cần hài hòa lợi ích

DNVN - TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV khuyến nghị, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi cần bảo đảm hài hòa lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, cần có đánh giá tác động đầy đủ, không nên theo hướng “tận thu”.

Cần tham khảo quốc tế về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống / Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần đánh giá tác động đa chiều, trước mắt và lâu dài

Phát biểu tại hội thảo “Góp ý Luật Thuế TTĐB (sửa đổi)” sáng ngày 20/9, GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá cao Bộ Tài chính, Ban soạn thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đã xem xét, tiếp thu các kiến nghị này. Hiện nay Luật Thuế TTĐB đã được chỉnh sửa và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên vẫn còn những ý kiến khác nhau xung quanh các vấn đề như: mở rộng mặt hàng chịu thuế, quy định về biểu thuế, thuế suất, mô tả nội dung các mặt hàng chịu thuế, quy định nội dung một số điều của luật để phù hợp với luật chuyên ngành, quy định việc hoàn thuế, khấu trừ thuế…

Trong đó, về đối tượng chịu thuế, bên cạnh các ý kiến cho rằng, cần mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB nhưng cũng không ít ý kiến đề xuất cần nghiên cứu kỹ tác động chính sách khi mở rộng đối tượng chịu thuế. Chẳng hạn như việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế này đang đặt ra nhiều câu hỏi.

Mức tăng thuế suất đối với các sản phẩm rượu, bia tại dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đó là mục đích của việc bổ sung mặt hàng này vào diện chịu Thuế TTĐB là gì? Nếu là vì lý do bảo vệ sức khoẻ, thì đồ uống có đường có phải là nguyên nhân gây bệnh thừa cân béo phì hay không? Nếu là để tăng thu ngân sách thì liệu mục đích này có đạt được và có tính khả thi hay không?

Ngoài ra, nhiều ý kiến đã đề nghị bỏ mặt hàng điều hoà nhiệt độ vào diện chịu thuế TTĐB vì đây không phải là sản phẩm tiêu dùng xa xỉ. Về mức thuế suất, mức tăng thuế suất đối với các sản phẩm như rượu, bia, xăng dầu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

“Về thời điểm và lộ trình áp dụng, một số quan điểm cho rằng các thay đổi trong Luật Thuế TTĐB cần được áp dụng ngay để sớm điều chỉnh hành vi tiêu dùng và bảo vệ lợi ích xã hội. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đề xuất áp dụng các thay đổi trong luật thuế theo lộ trình dài hạn.

Qua đó, giúp doanh nghiệp có thể thích ứng và không bị gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh doanh nghsiệp đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông Mại nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nghiên cứu của ông và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận thấy, dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đã định nghĩa lại rõ hơn về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế và người nộp thuế.

Đồng thời, dự thảo mở rộng thêm đối tượng chịu thuế và tăng thuế suất với một số sản phẩm đồ uống được coi là có hại cho sức khỏe; quy định rõ hơn, bổ sung các trường hợp và điều kiện để khấu trừ, hoàn thuế, thời điểm xác định thuế TTĐB.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nên làm rõ mục đích chính của việc sửa đổi luật thuế lần này. Việc sửa đổi chủ yếu là để tăng nguồn thu ngân sách hay là để góp phần điều tiết hành vi tiêu dùng; bảo đảm sức khỏe nhân dân, giảm áp lực cho hệ thống y tế, qua đó giảm áp lực lên ngân sách, hay là cả hai?

“Luật thuế sửa đổi cần bảo đảm hài hòa lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, những thay đổi lớn trong chính sách thuế đưa ra cần có đánh giá tác động đầy đủ, dựa trên cơ sở khoa học và bằng chứng thực tiễn.

Mặt khác, việc tăng, đa dạng hóa nguồn thu ngân sách Nhà nước không nên theo hướng “tận thu” mà cần gắn với nuôi dưỡng nguồn thu trong dài hạn”, ông Lực khuyến nghị.

Cũng theo ông Lực, Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV kiến nghị một số điểm nên cân nhắc trong quá trình sửa đổi Luật Thuế TTĐB. Đó là cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi. Tránh hiện tượng “khó chồng khó”, nhanh quá có thể gây sốc, gây tác dụng ngược như lách luật, chuyển sang dùng sản phẩm khác có tác hại nhiều hơn…

Cùng đó, nên áp thuế suất theo nồng độ cồn, hàm lượng đường, tránh cào bằng. Hoặc các loại hình hàng hóa, dịch vụ cùng đặc điểm nên áp mức thuế suất tương đương.

Đối với phương pháp tính thuế, nên xem xét cả phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp thay vì chỉ tính thuế tương đối. Cần đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp để bảo vệ các sản phẩm chính ngạch, nhất là chống buôn lậu, trốn thuế, hàng nhái, hàng giả.

Ngoài ra, cần rà soát bảo đảm đồng bộ, nhất quán với các Luật liên quan và đồng bộ với các hiệp định thương mại tự do về lộ trình giảm thuế xuất - nhập khẩu của Việt Nam với các hàng hóa trở nên thông dụng hơn như xe ô tô, điều hòa, xăng dầu.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm