Hỗ trợ doanh nghiệp

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp

DNVN - Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế khuyến nghị, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý. Giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế, tránh bị “sốc” do tăng nhanh, đột ngột.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường là không công bằng? / Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có phải là giải pháp phù hợp tăng thu ngân sách?

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Trong đó, có một số nội dung thay đổi quan trọng như đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với sản phẩm rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Theo quan điểm của các Hiệp hội doanh nghiệp như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Bia - Rượu - Nước Giải khát Việt Nam (VBA) cùng nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp cho rằng đề xuất tăng thuế cần nghiên cứu thực tế, lộ trình khả thi, cân nhắc sức chịu đựng của doanh nghiệp, ngành hàng với lợi ích của sắc thuế.

Phát biểu tại hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp” sáng ngày 14/8, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, mục tiêu của chính sách thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn tại Việt Nam được đánh giá là khá tương đồng với mục tiêu cơ bản tại các quốc gia trên thế giới. Trong đó,mục tiêu cơ bản nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, điều tiết lượng sử dụng và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu/bia.

Bên cạnh đó, mục tiêu về bảo đảm bền vững nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng được dự thảo luật nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế.

Tuy nhiên, các phương án lộ trình tăng thuế được đưa ra trong dự thảo cũng đang làm dấy lên những băn khoăn, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành đồ uống nói riêng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

“Riêng ngành đồ uống đã chứng kiến thực trạng lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm từ năm 2021, thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2020-2023. Lượng hàng tồn kho riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Vì vậy, việc tăng mạnh và nhanh thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn có thể tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan”, ông Minh nói.

Bàn về phương pháp tính thuế TTĐB, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho rằng, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” quy định: nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB.

Các nước phát triển thường áp dụng phương pháp tính thuế theo mức thuế tuyệt đối (mức tiền cụ thể cho một lít rượu, bia) hoặc phương pháp hỗn hợp (kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối). Các nước đang phát triển thường áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp hoặc theo tỷ lệ tương đối.

Trong quá trình lấy ý kiến tham gia đóng góp dự luật, còn có ý kiến khác nhau về phương pháp tính thuế. Một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực rượu, bia đề xuất chuyển sang phương pháp hỗn hợp, đại bộ phận các doanh nghiệp muốn giữ phương pháp tương đối như hiện hành.

“Sau khi lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp, các chuyên gia độc lập, ban soạn thảo đã quyết định tính thuế theo phương pháp tương đối theo tỷ lệ. Trong điều kiện thực tiễn hoạt động kinh doanh của ngành rượu, bia của Việt nam hiện nay, tôi đồng thuận với dự thảo luật lần này, lựa chọn sản phẩm thuốc lá áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp.

Tuy nhiên, đối với các sản phẩm khác, trong đó có rượu, bia, tôi đề xuất áp dụng phương pháp tương đối và sẽ áp dụng phương pháp hỗn hợp trong tương lai gần theo lộ trình”, bà Cúc nói.

Cũng theo bà Cúc, Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định, đối với mặt hàng rượu, bia, thuế suất tính theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.

“Chúng tôi hoàn toàn đồng thuận quan điểm tăng thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ phần trăm đối với rượu, bia theo theo lộ trình trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030. Tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý, tạo điều kiện để ổn định thị trường.

Qua đó, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị “sốc” do tăng nhanh, đột ngột”, bà Cúc khuyến nghị.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm