Chính sách

Tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt: Doanh nghiệp đồ uống cần cải tiến sản phẩm

DNVN - Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, trước việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống, doanh nghiệp cần cải tiến sản phẩm và cải tiến quy trình sản xuất.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có phải là giải pháp phù hợp tăng thu ngân sách? / Dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Cần đánh giá kỹ tác động đối với doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã tiếp thu ý kiến của công luận, chưa áp dụng ngay phương pháp hỗn hợp, phương pháp tuyệt đối.

Ở Việt Nam, nếu áp dụng ngay phương pháp tuyệt đối hoặc phương pháp hỗn hợp thì sẽ gây nên “cú sốc” và thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình, họ không đủ tài chính để tiêu thụ phân khúc giá triệu đồng/1 chai rượu, giá trăm ngàn/1 chai bia. Việc áp thuế theo tỉ lệ phần trăm tại dự thảo luật là hợp lý.

Hiện Ban soạn thảo dự thảo luật đang đề xuất thực hiện phương án tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt thông qua việc tăng ổn định mỗi năm 10% và đến 2030 đạt mức 100%.

Dựa trên quan điểm tăng thuế mạnh để thay đổi hành vi ngay thì đây là ý kiến tốt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá tác động của phương án này chưa được toàn diện. Việc tăng thuế có bảo đảm được phát triển cho doanh nghiệp hay không cần phải trên các cơ sở nghiên cứu khoa học mô hình kinh tế toàn diện.

Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có các chiến dịch truyền thông tốt cho người dân và doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng, mục đích chính của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt không phải chỉ để bảo đảm sức khoẻ người tiêu dùng mà là thực hiện nghị quyết Quốc hội về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước. Cùng với đó là mục tiêu phát triển xanh, sạch, bảo đảm sức khoẻ người dân ổn định lâu dài”, ông Phụng nói.

Trước câu hỏi việc tăng ngân sách cho Nhà nước khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Khi doanh nghiệp gặp khó thì làm cách nào để tăng ngân sách thông qua thu thuế, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, cho rằng, đây là bài toán khó cần phải giải đáp.

Doanh nghiệp và người dân là chủ thể sáng tạo ra thu nhập, cho nên việc thu thuế cần phải bảo đảm phù hợp với người dân, phù hợp với mức thu nhập, phù hợp với tiêu dùng. Bởi vậy, trong các phương án điều chỉnh thuế, đều đã được tính toán một cách cẩn thận, tác động nhiều chiều để bảo đảm số thu cao nhất dựa trên cơ sản xuất kinh doanh, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng.

Ông Phụng nhấn mạnh, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có các chiến dịch truyền thông để người tiêu dùng chấp nhận mức giá. Đồng thời, để doanh nghiệp chấp nhận sự tác động đến quá trình sản xuất kinh doanh.

“Doanh nghiệp cũng cần chú trọng cải tiến quy trình công nghệ, đổi mới công thức, giảm chất độc hại. Các doanh nghiệp hiện nay quá quan tâm đến quảng bá mà lại không cải tiến sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất”, ông Phụng nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm