Chính sách

Tân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: “Không vì lợi ích của mình mà đẩy cán bộ vào vòng lao lý!”

DNVN - Tại hội nghị tổng kết cải cách hành chính 2011 – 2020 tổ chức vào sáng 11/12, tân Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cam kết sẽ "không đưa đẩy cán bộ vào vòng lao lý vì lợi ích nào đó của mình".

Tối nay (25/11) công bố chương trình du lịch “Ba địa phương – Một điểm đến, nhiều trải nghiệm” / Đà Nẵng: Rực rỡ “Lễ thắp sáng cây thông Noel” tại Furama Resort

Giải quyết hài hòa bài toán “thấu tình – đạt lý” là cả vấn đề

Sáng 11/12/2020, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết chương trình cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Với tinh thần “cải cách ngay tại chính hội nghị này, không sa vào báo cáo thành tích”, tân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã gần như “thoát ly” khỏi bài phát biểu chỉ đạo đã được bộ phận tham mưu soạn sẵn để đề cập cụ thể những khó khăn, vướng mắc và định hướng các giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2030.

Tân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại hội nghị tổng kết kết tác cải cách hành hành chính 2011 - 2020 của TP Đà Nẵng sáng 11/12

Tân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại hội nghị sáng 11/12 tổng kết kết công tác cải cách hành chính 2011 - 2020 của TP Đà Nẵng.

Theo ông Lê Trung Chinh, 10 năm qua, công tác CCHC của Đà Nẵng đã đạt một số kết quả rất đáng trân trọng. TP là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và CCHC, nhưng cũng còn không ít khó khăn, hạn chế. Xét đến cùng, CCHC tập trung vào 3 nội dung lớn: Một là các cơ chế chính sách, hai là các bộ thủ tục, và ba là con người.

“Cơ chế chính sách thì hiện nay chúng ta thực hiện theo Trung ương, hệ thống luật pháp nhiều lúc chưa được đồng bộ, trong quá trình triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vì những khó khăn như thế nên một bộ phận cán bộ của chúng ta khi làm việc thì hiệu quả không được nhiều.

Các bộ thủ tục của chúng ta, do sự không đồng bộ, nên giai đoạn sau này tuy tiến bộ hơn nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Và khi một lần vấp phải thì chúng ta lo lắng cho bản thân, cho công việc của chúng ta, nên chúng ta lại hình thành một số “bộ thủ tục phụ” để đảm bảo an toàn cho cá nhân mình.

"Rồi sở, ngành cũng sợ nên cứ hỏi ý kiến nhau “quả trứng có trước hay con gà có trước”. Cứ đẩy qua, đẩy lại. Các anh chị thấy có tình trạng đó không? Có! Đẩy qua, đẩy lại vì ngại, và tăng cường “kính chuyển”. Quận, huyện thấy khó khăn thì xin ý kiến các sở, ngành; các sở, ngành thấy lúng túng thì báo cáo và xin chỉ đạo của UBND TP. Có những việc như thế do nguyên nhân khách quan và cả chủ quan.

Về con người thì cán bộ của chúng ta cũng nỗ lực hết mình nhưng cũng còn một số bộ phận thực hiện CCHC còn hạn chế. Văn hóa của chúng ta là văn hóa tình – lý. Câu “thấu tình, đạt lý” phân tích ra thì nhiều lẽ lắm. Làm sao để giải quyết hài hòa bài toán đã thấu tình rồi nhưng còn phải đạt lý nữa là cả vấn đề, cho nên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến công tác CCHC của chúng ta!”, Chủ tịch Lê Trung Chinh nói.

 

Từ những phân tích nêu trên, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh, trong thời gian tới, Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TƯ ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Theo ông Lê Trung Chinh, nói đến chính quyền đô thị thì công tác CCHC phải là nhiệm vụ tiên phong và đi đầu. “Thành phố thông minh” mà CCHC chậm chạp thì làm sao gọi là thông minh? Mục tiêu của Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội là tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý và phục vụ nhân dân. Do vậy, CCHC phải đi trước một bước.

“Vì thế, tôi đề nghị các cấp, ngành của TP thời gian đến phải bám sát chương trình CCHC của Chính phủ sắp ban hành; căn cứ vào đó xây dựng chương trình của chúng ta cho giai đoạn 2021 – 20230. Phải làm sao để nền hành chính của chúng ta dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình; đội ngũ cán bộ của chúng ta có phẩm chất, năng lực, uy tín để đáp ứng được nhiệm vụ đó!” – ông Lê Trung Chính nhấn mạnh.

Việc tham mưu phải nêu rõ đồng ý hay không, hạn chế “kính chuyển”, xin chỉ đạo

Theo đó, điều đầu tiên tân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các thể chế, chính sách về tổ chức bộ máy, chế độ công vụ trên cơ sở các văn bản pháp luật của Trung ương; đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, hiệu quả thực thi công vụ.

 

Thứ hai là kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định về TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp; rà soát, đơn giản hóa TTHC theo hướng giảm thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết trong tất cả các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao số lượng hồ sơ trực tuyến, hướng đến nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và tỷ lệ hồ sơ mức 4.

“Tôi nói vấn đề này là rất quan trọng mà tới đây chúng ta phải làm. Tôi ví dụ, một nhà đầu tư đem dự án tới làm việc với TP chúng ta. Bộ hồ sơ thủ tục đã rất rõ ràng rồi nhưng quá trình triển khai vẫn lúng túng. Gởi qua anh A thì anh A đẩy qua anh B, thế nào anh B cũng bảo hồ sơ này thiếu cái đó, qua anh C lại tiếp tục thiếu cái kia.

Đã nói rất rõ hồ sơ làm thủ tục đầu tư có 10 đầu mục, thế mà không hiểu sao vẫn thiếu, cho nên sắp tới đây phải rà soát cụ thể. Nếu chúng ta làm không rõ việc này thì chậm tiến độ lắm. Nhà đầu tư đã đi gần cuối đoạn đường rồi mới “phát hiện” ra thiếu một thủ tục, phải quay lại làm từ đầu thì vấn đề này phải được khắc phục!” – ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Ông Lê Trung Chinh trao bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho các sở, ngành, địa phương đạt thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020

Ông Lê Trung Chinh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho các sở, ngành, địa phương đạt thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020

 

Yêu cầu thứ ba, theo tân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, là tổ chức sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện có hiệu quả việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm trong quản lý nhà nước; đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là vai trò của người đứng đầu.

“Việc tham mưu phải rõ, hạn chế “kính chuyển”, xin ý kiến chỉ đạo, hạn chế tình trạng “con gà và quả trứng cái nào có trước”. Khi các sở, ngành tham mưu thì phải nói rõ quan điểm của mình, đồng ý hay không đồng ý, chứ không cứ “sau khi phân tích rồi kính xin ý kiến lãnh đạo”. Chúng tôi trên này chuyên môn mỗi anh chỉ một đến hai lĩnh vực thôi, không sâu sắc bằng các sở, ngành mà các sở, ngành không tham mưu thì rất khó. Nếu cứ kiểu như thế này thì sẽ lại tiếp tục mấy cuộc họp nữa, và sẽ lại thêm phiền hà và kéo dài thời gian.

Các sở, ngành phải có trách nhiệm khi có cơ quan xin ý kiến thì phải trả lời rõ đồng ý hay không, và giải thích rõ vì sao không đồng ý. Tôi rất mong các sở, ngành phải tích cực ngồi lại với nhau chứ không chỉ xử lý bằng văn bản qua lại, những vấn đề gì không đáng thì có thể điện thoại để xử lý dứt điểm vấn đề. Tình trạng đổ quanh sắp tới đây sẽ phải hạn chế đến mức thấp nhất!” – ông Lê Trung Chính nhấn mạnh.

Cán bộ tham mưu vì việc chung mà bị pháp luật thì lãnh đạo TP cũng phải đồng hành, chia sẻ

Yêu cầu thứ tư ông Lê Trung Chinh nêu ra là chuẩn hóa quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng quy định; đổi mới công tác đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức sai phạm, không có “vùng cấm”.

 

Ông Lê Trung Chinh nhắc lại, tại kỳ họp thứ 16 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX vừa diễn ra, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT đã phát biểu ý kiến về những rủi ro trong tham mưu, xử lý công việc và đề nghị HĐND TP sớm xem xét ban hành Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý về đất đai, xây dựng, đầu tư đối với các dự án trên địa bàn TP và nêu rõ một số nguyên tắc để bảo vệ cán bộ trong quá trình tham mưu, đề xuất tháo gỡ vướng mắc có những sai sót, thiếu sót do khách quan đem lại.

“Chúng tôi rất chia sẻ với các anh chị và chúng tôi hoàn toàn không đưa đẩy các cán bộ của chúng ta vào vòng lao lý vì lợi ích nào đó của mình. Tôi cam đoan với tất cả các anh chị, nếu tham mưu vì việc chung mà vì một cái gì đó phải bị pháp luật thì chúng tôi cũng phải đồng hành và chia sẻ với các anh chị. Chứ không phải tôi được việc vì quyền lợi của tôi mà tôi buộc các anh chị phải ký văn bản trái luật, vi phạm. Các sở, ngành, các quận, huyện an tâm về điều đó.

Nếu vì việc chung của TP, có thể vận dụng này, kia để tạo điều kiện, rút ngăn thời gian thì chúng ta nên thống nhất quan điểm, còn chuyện biến không trở thành có thì sẽ hoàn toàn không. Nếu đã đạt tám, chín, có thể rút gọn thủ tục để đạt tới mười thì còn được, chứ không trở thành có thì chúng ta không làm. Vẫn còn đó bài học mà chúng ta đã trải qua. Biến không thành có không chỉ trái pháp luật mà còn trái lương tâm nữa. Chúng ta không thể ngồi đây mà để đồng nghiệp của mình phải sai phạm để chúng ta “hoàn thành tốt nhiệm vụ”!” – ông Lê Trung Chinh nói.

Vấn đề thứ năm được ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh là cải cách về tài chính công. Giai đoạn tới rất khó khăn trong điều hành thu chi ngân sách. Do đó, cần phải quản lý tốt tài sản công và có quy định cụ thể. Đồng thời phải tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế hiện vẫn chưa khắc phục được.

Và vấn đề thứ sáu là về ứng dụng CNTT. Nói CCHC mà không ứng dụng CNTT thì xem như chưa làm được gì hết. Qua ý kiến phản ánh của các sở, ngành, quận, huyện, ông Lê Trung Chinh giao nhiệm vụ cho Sở TT&TT có đánh giá khách quan trở lại đối với hạ tầng CNTT của Đà Nẵng hiện đáp ứng được như thế nào cho thực hiện dịch vụ công mức độ 4, và tham mưu đầu tư để đáp ứng mục tiêu xây dựng “Thành phố thông minh”.

 

Ông Lê Trung Chinh đề nghị sau khi UBND TP Đà Nẵng ban hành chương trình CCHC giai đoạn 2021 – 2030 thì các sở, ngành, quận, huyện cần bám sát chủ trương, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở Nội vụ chuyển tải 06 vấn đề mà ông nêu trên thành 06 đề án lớn với các kế hoạch cụ thể để thực hiện chứ không nói chung chung.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm