Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng: Thừa hưởng thành quả của thế hệ đi trước thì phải có trách nhiệm khắc phục bất cập!
Tối nay (25/11) công bố chương trình du lịch “Ba địa phương – Một điểm đến, nhiều trải nghiệm” / Đà Nẵng: Yêu cầu đảm bảo an toàn các công trình xây dựng đang “nước rút” trước Tết Nguyên đán 2021
Một số dự án được khơi thông sau nhiều năm “đóng băng” mang lại lợi ích xã hội rất lớn
Tại kỳ họp thứ 16 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX đang diễn ra, nhiều đại biểu HĐND TP đã bày tỏ bức xúc trước những vướng mắc kéo dài nhiều năm qua trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Điều này đã gây tắc nghẽn việc phát huy nguồn lực hết sức quan trọng của TP, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế TP gặp nhiều khó khăn, sa sút do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và rất đang cần các nguồn lực để “khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” như chủ đề mà lãnh đạo TP đã đề ra cho năm 2021.
Phát biểu tại phiên thảo luận chiều 8/12 của kỳ họp thứ 16 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT đề xuất 4 giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ “nút thắt” trong vướng mắc về quản lý đất đai trên địa bàn TP.
Theo ông Tô Văn Hùng, thời gian qua, theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, Sở TN-MT Đà Nẵng đã tham mưu giải quyết dứt điểm vướng mắc của một số dự án như vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành, dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô, dự án Làng Thể thao Tiên Sơn, dự án Mega Asset. Đồng thời đã xây dựng báo cáo đề xuất Bộ TN-MT tháo gỡ đối với nhiều dự án như Dragon City, dự án Nam Việt Á; bước đầu đã tháo gỡ đối với các dự án Cocobay, Hà Nội Non Nước, The Namkhang, Nam Phát, Solie Ánh Dương, Sao Đỏ, Alphanam, Centralcoast.
“Thực tế cho thấy một số dự án được khơi thông sau nhiều năm “đóng băng” mang lại lợi ích xã hội rất lớn. Tôi cho rằng năm 2020 nguồn thu từ đất đai của Đà Nẵng tăng 36% là có đóng góp lớn của việc tháo gỡ này. Tuy nhiên quan trọng hơn chính là việc tháo gỡ được cho những dự án vướng mắc trở thành những công thức, cách làm để tiếp tục vận dụng thực hiện trong những năm tới đối với các dự án còn lại. Đồng thời việc tháo gỡ cũng giúp đưa các dự án vào triển khai thi công, góp phần tăng trưởng tỉ trọng công nghiệp xây dựng. Đây là điều hết sức quan trọng!” – ông Tô Văn Hùng nhấn mạnh.
Nếu Đà Nẵng không “đột phá”thì làm sao kiến tạo nên đô thị văn minh hiện đại như hôm nay?
Song bên cạnh những lợi ích to lớn, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng trong quá trình tham mưu của ngành chức năng và cán bộ đương nhiệm. Theo ông, không thể không lo lắng khi gần như ai cũng hiểu những vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý đất đai của Đà Nẵng thời gian qua xuất phát từ những sai phạm được nêu trong các Kết luận 2852, Kết luận 34, Kết luận 269 của các cấp thẩm quyền hay hàng loạt bản án đã và đang thực thi.
Trong đó, tập trung chủ yếu là việc giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu, miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định, vận dụng chính sách trong công tác giải tỏa đến bù không đúng đối tượng, xác định thời hạn sử dụng đất lâu dài đối với đất với mục đích sử dụng là sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ… mà theo quy định pháp luật là không quá 50 năm.
“Một thời gian dài, Đà Nẵng đã vận dụng những cách làm trên nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển TP. Rất nhiều diễn đàn, rất nhiều tổ chức, rất nhiều cấp lãnh đạo đã đánh giá Đà Nẵng một thời gian dài như là “điểm sáng” trong phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không có chính sách thu hút, rút gọn quy trình trong thủ tục kêu gọi đầu tư thì những mảnh đất vốn chỉ là những vùng cát trắng cằn cỗi, lau sậy um tùm, xa xôi hẻo lánh trước đây mấy ai để mắt đến?
Ai cũng biết nếu TP Đà Nẵng không có chính sách “đột phá” về giải tỏa đền bù thì sao có thể di dời hàng trăm ngàn hộ dân trong khoảng thời gian ngắn để kiến tạo nên diện mạo một đô thị văn minh hiện đại như ngày hôm nay? Tuy nhiên, với pháp luật thì mọi sự vận dụng không phù hợp đều là sai phạm và phải xử lý, khắc phục.
"Chúng tôi, những người đương nhiệm, cũng rất ray rứt sau khi mà những thế hệ lãnh đạo đi trước đang phải hứng chịu sự xử lý với mức án nặng nề. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có sự chia sẻ, cần tháo gỡ những nút thắt trong tư duy, quan điểm khi tiếp cận giải quyết vấn đề đất đai mang tính lịch sử của TP!” – Ông Tô Văn Hùng nói.
Và từ những trăn trở này, ông Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng đề xuất 4 giải pháp để tiếp tục từng bước tháo gỡ nút thắt trong vướng mắc về quản lý đất đai trên địa bàn TP. Trong đó, giải pháp đầu tiên được ông nêu lên là “HĐND TP Đà Nẵng sớm xem xét ban hành một Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý về đất đai, xây dựng, đầu tư đối với các dự án trên địa bàn TP”.
Ông Tô Văn Hùng cũng kiến nghị Nghị quyết này cần có quan điểm cụ thể đối với các nhóm vấn đề tồn tại trước đây để làm cơ sở cho các đơn vị tham mưu, đề xuất tháo gỡ; đồng thời nêu rõ một số nguyên tắc để bảo vệ cán bộ trong quá trình tham mưu, đề xuất tháo gỡ vướng mắc có những sai sót, thiếu sót do khách quan đem lại.
Các đại biểu HĐND phải hiểu về lịch sử phát triển của TP và cùng chia sẻ trách nhiệm!
“Có thể nói ngồi ở đây, gần như chúng ta là những người đã sống, làm việc và chúng ta hiểu về lịch sử phát triển của Đà Nẵng cũng như chúng ta đang thừa hưởng những thành quả của thế hệ đi trước. Và chúng ta có trách nhiệm khắc phục những bất cập trong quá trình phát triển của TP!” – Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nói.
Theo ông, việc tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý đất đai cũng đã được các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng thảo luận rất nhiều và cũng đã đưa ra nhiều giải pháp. Lần này, ông cho rằng, việc ban hành hẳn hoi một Nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng về tháo gỡ “điểm nghẽn” trong vướng mắc về quản lý đất đai, khơi thông nguồn lực đất đai trên địa bàn là hết sức cần thiết.
Vì vậy, ông đề nghị các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng cần thảo luận thật kỹ những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của TP. Ông nhắc lại, không phải đến bây giờ ông mới nói mà đã nói từ lâu, từ trong cấp ủy đến HĐND TP là HĐND TP sẵn sàng đồng hành và ban hành Nghị quyết theo thẩm quyền, nếu UBND TP trình. Nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy UBND TP trình dự thảo Nghị quyết này.
Ngược lại các Ban và Thường trực HĐND TP cũng chưa thực sự đồng hành với UBND TP trong vấn đề này. UBND TP chưa trình thì các Ban và Thường trực HĐND TP phải kiến nghị, đề xuất để UBND TP trình, và trình theo hướng như thế nào. Do vậy ông đề nghị trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ này, các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng cần thảo luận và đưa vào Nghị quyết giao trách nhiệm và thời hạn rõ ràng!
Ông Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng nhấn mạnh: “Đưa ra HĐND TP rồi thì chúng ta công khai, minh bạch chúng ta làm chứ có phải cá nhân, có phải thất thoát gì đâu? Khi làm mà có tính minh bạch, tính rõ ràng thì lúc đó anh em mới vượt qua được tâm lý lo lắng, sợ sệt trong thực hiện nhiệm vụ. Tôi đề nghị các vị đại biểu ở đây phải hiểu lịch sử và chúng ta cùng chia sẻ trách nhiệm. Không có cái gì mà tự dưng được hưởng đâu!”.
Đề xuất 4 giải pháp tháo gỡ vướng mắc về quản lý đất đai ở Đà Nẵng Từ những trăn trở trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng đề xuất một số giải pháp để tiếp tục từng bước tháo gỡ nút thắt trong vướng mắc về quản lý đất đai. Giải pháp đầu tiên là “HĐND TP Đà Nẵng sớm xem xét ban hành một Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý về đất đai, xây dựng, đầu tư đối với các dự án trên địa bàn TP”.
Trong đó, ông kiến nghị Nghị quyết cần có quan điểm cụ thể đối với các nhóm vấn đề tồn tại trước đây để làm cơ sở cho các đơn vị tham mưu, đề xuất tháo gỡ. Đồng thời nêu rõ một số nguyên tắc để bảo vệ cán bộ trong quá trình tham mưu, đề xuất tháo gỡ vướng mắc có những sai sót, thiếu sót do khách quan đem lại. Đề xuất thứ hai được ông Tô Văn Hùng đưa ra là Thường trực HĐND TP Đà Nẵng cùng vào cuộc, nghiên cứu, định hướng những giải pháp phù hợp để chỉ đạo các cơ quan tham mưu thực hiện. Theo ông, đối với những vấn đề khó khăn, vướng mắc do yếu tố lịch sử để lại rất cần sự cùng vào cuộc này. “Thực tế chúng tôi từng đối diện với những văn bản trả lời với nội dung ”Đề nghị thực hiện theo đúng quy định pháp luật” khiến chúng tôi rất lúng túng, hoang mang trong việc tham mưu, vì vốn gốc của vấn đề đã sai, tiếp cận tháo gỡ thì làm sao có thể đúng quy định pháp luật? Vì vậy chúng tôi rất cần sự cùng vào cuộc của Thường trực HĐND TP!” – Ông Tô Văn Hùng nói. Ông cho hay, trong các cuộc họp tháo gỡ cho các dự án vướng mắc, có những lúc tưởng chừng bế tắc. Khi đó, Chủ tịch UBND TP đã nêu ra nguyên tắc ”chỉ cần chúng ta đảm bảo phù hợp với những tình hình chung trước đây, phù hợp với quy định pháp luật và không để xảy ra thất thoát thì chúng ta có thể lướt qua tất cả những cái gì không đúng để tham mưu tháo gỡ”. Đây là một trong những hướng và cách làm mà ông Tô Văn Hùng rất mong sự chia sẻ của Thường trực HĐND TP trong các chủ trương chỉ đạo. Đề xuất thứ ba của ông Tô Văn Hùng là cần có sự chia sẻ của người dân, cử tri Đà Nẵng. Theo ông, quan điểm của TP là luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, vận dụng tối đa các quy định hiện hành để tháo gỡ. Tuy nhiên rất cần có thời gian, vì có những vấn đề vượt thẩm quyền cần xin ý kiến chỉ đạo của các Bộ, ngành TƯ mà Nghị đính 79/CP liên quan đến tháo gỡ vướng mắc đối với việc xử lý tiền chậm nộp của các hộ thuộc diện tái định cư là một ví dụ.
“Cuối năm 2018, Đà Nẵng đã có kiến nghị với TƯ, nhưng đến tháng 10/2019 mới có Nghị định 79/CP được ban hành. Qua đây cho thấy việc xin chủ trương của các Bộ, ngành rất mất thời gian. Hơn nữa, việc người dân khiếu kiện khi cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm là hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên có những vụ việc vẫn có khả năng giải quyết thì hạn chế khiếu kiện ra tòa, thực tế chúng tôi khi tham gia các phiên tòa là trách nhiệm nhưng đồng nghĩa với việc ùn ứ những công việc cấp bách hàng ngày cần phải triển khai!” – Ông Tô Văn Hùng nói. Đề xuất thứ tư của ông là cần sự chung tay tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Mọi vướng mắc dẫn đến sai phạm là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, còn doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động bởi những chính sách, quy trình do chính quyền quy định. Tuy nhiên, trong đó cũng có phần lỗi của doanh nghiệp khi tiếp cận theo cách “đi tắt đón đầu”, cứ xây dựng công trình khi không có dự án được duyệt! Nếu các doanh nghiệp, nhà đầu tư không đồng hành thì nhiều vụ việc sẽ không có lối thoát, thiệt hại chung cho xã hội nếu dự án không được tháo gỡ, khơi thông là rất lớn. Gần đây, trong văn bản xin ý kiến Bộ, ngành nhằm tháo gỡ vướng mắc cho dự án trước đây, TP Đà Nẵng tự nhận cái sai về mình. Việc này được doanh nghiệp đánh giá cao, qua đó thể hiện chính quyền không né tránh trách nhiệm. “Nếu những giải pháp chúng tôi đưa ra đảm bảo tính hài hòa, nhất là phù hợp với quy định pháp luật thì rất mong doanh nghiệp, nhà đầu tư chung tay thực hiện!” – Ông Tô Văn Hùng nói. Ông cũng mong muốn các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng suy ngẫm và cùng chia sẻ đối với những giải pháp này. Nếu nút thắt trong công tác quản lý đất đai được tháo gỡ thì TP sẽ sớm khôi phục sau bao nhiêu khó khăn do dịch bệnh, thiên tai gây ra, sớm bắt nhịp đà tăng trưởng và nhất định hoàn thành những mục tiêu đã đề ra. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo