Chính sách

VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập

DNVN - Theo VCCI, những vướng mắc bất cập tồn tại kéo dài, không được giải quyết kịp thời gây thiệt hại đáng kể cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu cơ chế có một cơ quan lập cơ quan độc lập làm đầu mối tiếp nhận, đốc thúc giải quyết kiến nghị.

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Cần hành động nhanh chóng / VCCI: Cấm xuất cảnh trên diện rộng sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Báo cáo kết quả rà soát quy định pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một số góp ý.

Liên quan đến cơ chế xử lý vướng mắc, bất cập của VBQPPL xuất phát từ thực tiễn, VCCI cho biết, quá trình áp dụng các VBQPPL hiện nay nảy sinh nhiều trường hợp VBQPPL có vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi theo đề nghị của đối tượng chịu tác động như các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành, các đối tượng chịu tác động này có quyền gửi đề nghị cho bộ ngành phụ trách hoặc các cơ quan khác như Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng… Tuy nhiên, các cơ quan khác hiện cũng thường chỉ chuyển công văn cho cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp tục giải quyết.


Ảnh minh hoạ.

"Trong khi đó, cơ quan chủ trì soạn thảo thường không có động lực giải quyết sớm vì như vậy là gián tiếp thừa nhận văn bản do mình soạn thảo trước đó chưa bảo đảm chất lượng, gây khó khăn vướng mắc trong quá trình áp dụng. Do đó, các cơ quan này thường không trả lời, hoặc trả lời qua loa, hoặc kể cả có thừa nhận vướng mắc, bất cập thì cũng chưa đề xuất điều chỉnh ngay mà phải đợi đến kỳ sơ kết, tổng kết. Điều này khiến cho vướng mắc bất cập tồn tại kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho người dân và doanh nghiệp", VCCI nêu.

Do đó, VCCI cho rằng, cần có cơ chế riêng để xử lý các vướng mắc, bất cập của các văn bản pháp luật xuất phát từ kiến nghị của các đối tượng chịu tác động, không đi theo thủ tục thông thường. Thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành cũng đã có các đợt rà soát vướng mắc, bất cập và cho phép sửa văn bản nhanh. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn theo từng đợt và chưa trở thành một cơ chế chính thức để có thể giải quyết ngay những vấn đề thực tiễn.

VCCI đề nghị nghiên cứu cơ chế có một cơ quan độc lập làm đầu mối tiếp nhận và đốc thúc giải quyết các kiến nghị về vướng mắc, bất cập. Cơ quan này có quyền tổ chức đối thoại giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và các đối tượng chịu tác động đang gửi kiến nghị. Đồng thời có quyền báo cáo kết quả đối thoại cùng với đề xuất kiến nghị về việc sửa đổi văn bản đó lên cơ quan đã ban hành văn bản hoặc cơ quan cấp trên để xử lý. Việc tiếp nhận và xử lý các đề xuất, kiến nghị của đối tượng chịu sự tác động này cần có các quy định cụ thể về điều kiện và thời hạn thực hiện.

Ngoài ra, VCCI đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu bổ sung quy định về việc bắt buộc đăng tải thêm các dự thảo 3, dự thảo 4 và dự thảo 5, cùng với các tài liệu khác đi kèm mỗi dự thảo đó.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm