Năm 2014, lần đầu tiên chip vi xử lý của Việt Nam - SG8V1 - được đưa ra thương mại. Sản phẩm của trí tuệ Việt này có chất lượng cao, giá thành thấp, hoàn toàn có khả năng cạnh tranh so với chip ngoại nhập.
Chip thương mại SG8V1 do Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM nghiên cứu và sản xuất. Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, từ chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013 - 2020, con chip này đã ra đời và khả năng ứng dụng không giới hạn ở bất cứ ngành, lĩnh vực nào, từ kinh tế, giáo dục - đào tạo, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.
Giá rẻ
“Trong bối cảnh thị trường chip điện tử tại Việt Nam đều do các hãng nước ngoài chiếm lĩnh, việc ra đời các chip điện tử Việt để đảm bảo tính bảo mật cho các hệ thống điện tử trong lĩnh vực kinh tế, an ninh quốc phòng... là rất cần thiết”, ông Hoàng nói.
Kể từ khi ra đời, chip SG8V1 đã được sử dụng trên nhiều dòng sản phẩm thương mại, ứng dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải như: thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, hộp đen xe máy, khóa điện tử giám sát quản lý container. Với lĩnh vực điện lực, từ chip SG8V1 đã làm ra điện kế điện tử 1 pha, modem thu thập dữ liệu điện kế từ xa.
Đặc biệt, trong quý 4/2014, hàng loạt sản phẩm ứng dụng SG8V1 khác được tung ra thị trường như: KIT phát triển và giáo dục, điện kế điện tử 3 pha, đầu đọc RFID HF/UHF, thiết bị giám sát container lạnh, thiết bị đọc dữ liệu điện kế cầm tay.
Ngoài ra, khoảng 20 nhóm sản phẩm khác sẽ lần lượt được hoàn thiện và thương mại hóa trong thời gian tới, khẳng định tiềm năng ứng dụng, hiệu quả hoạt động trên hàng loạt thiết bị phần cứng của chip SG8V1, tạo tiền đề phát triển các dòng chip thương mại khác của ICDREC. Các thiết bị này có giá rẻ hơn so với thiết bị mua của nước ngoài.
Thay thế hàng ngoại
Mới đây, khi nghe thông tin TP.HCM dự định nhập thiết bị quản lý và định vị nguồn phóng xạ từ Hàn Quốc, các kỹ sư ICDREC cảm thấy bức xúc, vì mình hoàn toàn có thể làm được thiết bị này, nếu nhập khẩu sẽ rất tốn tiền và quan trọng là sẽ không làm chủ được công nghệ. Từ đó, ICDREC đề xuất và được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ phối hợp cùng Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Thông tin - Truyền thông xây dựng hệ thống các giải pháp, phần mềm quản lý nguồn phóng xạ, thiết bị định vị và giám sát nguồn phóng xạ sử dụng chip SG8V1 và các công nghệ hoàn toàn do Việt Nam làm chủ.
Đến nay, sau 2 năm kể từ khi con chip 8 bit SG8V1 đầu tiên “Made in Vietnam” ra đời, Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức khoa học công nghệ nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Điều này góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip của thế giới, cũng là góp phần thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia vào TP.HCM.
Trường hợp Tập đoàn Samsung nhận giấy phép đầu tư hồi tháng 10.2014 cho dự án Samsung CE Complex (SECC), sẽ được thực hiện trên diện tích 70 ha trong Khu công nghệ cao TP.HCM, với mục tiêu nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng công nghệ cao, là một minh chứng.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM, cho rằng SG8V1 là sản phẩm của trí tuệ Việt, chất lượng cao, giá thành thấp. Sự kiện con chip của người Việt lần đầu tiên được đưa ra thị trường cũng khẳng định một hệ sinh thái về công nghiệp vi mạch Việt, một cộng đồng vi mạch Việt dần được hình thành.
Với mong muốn “phủ sóng” chip SG8V1 khắp các trường đại học, các công ty thiết kế ở Việt Nam, ICDREC đã tài trợ chip và bo mạch điện tử cho tất cả các đội dự thi sử dụng chip SG8V1 trong việc thiết kế chế tạo robot cỡ nhỏ ứng dụng trong lĩnh vực tự động hóa. Bên cạnh đó, ICDREC còn tặng chip thương mại SG8V1, KIT phát triển và giáo dục DE-SG8V1 cho 34 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung cấp dạy nghề và 25 tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp phát triển phần cứng, doanh nghiệp kinh doanh linh kiện điện tử tại TP.HCM và sẽ được nhân rộng tại Hà Nội, Đà Nẵng. |
Theo Thanh Niên