Cho gã đẹp trai đi nhờ xe, thiếu nữ mất cả tình lẫn tiền
Phan Thanh Hồng (35 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình), đối tượng từng thực hiện ba vụ lừa đảo với ba phụ nữ, đang trên đường chạy trốn. Sau bảy ngày hẹn hò, cô gái tin tưởng giao xe máy trị giá 25 triệu đồng và chìa khóa, nhưng “bạn trai” một đi không trở lại. Hốt hoảng, nạn nhân trình báo công an. Hồng bị bắt, bị TAND TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
“Sở Khanh” chuyên lừa tình, đoạt tiền Hồng có dáng cao ráo, mặt mày đẹp trai, ăn nói ngọt ngào, khéo léo. Đó là lý do khiến nhiều phụ nữ nhẹ dạ “chết” và dễ dàng trở thành “con mồi”, bị gã “họ Sở” lừa tình, đoạt tiền. Vào tháng 6/2014, sau khi gây 3 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại quê, Hồng bỏ trốn khỏi Quảng Bình, vào Huế sử dụng “chiêu bài” cũ, tiếp tục gây án.
Tại Huế, Hồng liên tục thay đổi nhà nghỉ, chờ thời cơ “buông câu”. Một chiều giữa tháng 11/2014, Hồng đi bộ trên cầu Ga (thuộc phường Vĩnh Ninh) thì “tia” thấy chị Nguyễn Thị Thi (SN 1984, ngụ TP Huế) đang chạy xe Airblade. Hồng giả vờ xin đi nhờ xe một đoạn.
Dáng vẻ bề ngoài bắt mắt, phong trần của người đàn ông lạ như có sức hút khiến chị Thi đồng ý vô điều kiện. Trong lúc chung đường, Hồng xưng tên là Trung, rồi chủ động xin số điện thoại để hẹn hò đi chơi. Ăn mặc bảnh bao, nói chuyện có duyên, lại khoe gia thế rất “hiển hách”, có nhiều người thân định cư ở Mỹ, bản thân sắp xuất ngoại, gã đàn ông càng khiến chị Thi chết mê.
Sau cuộc gặp gỡ ở cầu Ga hôm ấy, Hồng nhiều lần nhắn tin, gọi điện cho chị Thi, thắt chặt tình cảm. Cuộc chuyện trò của đôi trai gái ngày một thân thiết, mùi mẫn. Chị Thi sau đó nhiều lần nhận lời đi chơi cùng Hồng. Chỉ trong vòng 7 ngày quen biết, Hồng đã nhanh chóng chiếm được tình cảm, lòng tin của người phụ nữ. Một sáng, Hồng vờ mượn xe của chị Thi đi ra thị trấn Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) có việc, hẹn chiều sẽ trả xe. Không mảy may nghi ngờ, người phụ nữ giao xe cho “người trong mộng”.
Lấy được xe, Hồng chạy thẳng đến hiệu cầm đồ cầm cố lấy 21 triệu đồng rồi “dông” thẳng vào Đà Nẵng. Về phần chị Thi, thấy bạn trai biệt vô âm tín, chờ mãi chẳng thấy mang xe về trả, điện thoại lại ngoài vùng phủ sóng, lúc này người phụ nữ mới hốt hoảng chạy đến công an trình báo. Gần một tháng sau, kẻ lừa đảo bị bắt.
Nạn nhân may mắn nhận lại được tài sản. Ai “gạ gẫm” ai?HĐXX hỏi: “Ngoài vụ án hôm nay, bị cáo gây ra 11 vụ lừa tiền khác tại Quảng Bình đúng không?”. Bị cáo “dạ” nho nhỏ. “Vậy 3 vụ lừa xe máy tại quê, có vụ nào được đưa ra xử chưa?”, tòa hỏi tiếp. Bị cáo cho hay, đã đưa ra xử 1 vụ, bị tuyên 24 tháng tù.
Trước câu hỏi của HĐXX, có phải sau khi gây án ở quê liền trốn vào Huế, mục đích để tìm cơ hội gây án tiếp, Hồng chối bay. Bị cáo cho rằng, do ngôi nhà của gia đình nằm trong diện giải tỏa, nên phải xây nhà mới, thiếu tiền, bị cáo vay ngân hàng và mượn quanh.
Đến khi bị xã hội đen “gí”, Hồng mới trốn vào Huế, chứ không phải đi “lánh tội”.Tòa hỏi: “Lúc gặp chị Thi, bị cáo có ý gì khi xin đi nhờ xe?”. Hồng cãi: “Bị cáo không phải là người xin đi nhờ. Chị Thi thấy bị cáo đứng trên cầu gọi điện thì tấp xe lại, hỏi bị cáo “có đi xe ôm không”?. Bị cáo thấy trên xe có treo nón bảo hiểm, tưởng xe ôm thật mới đồng ý, nhờ chị Thi chở đến chân cầu Tràng Tiền uống cà phê với bạn”.
Theo lời khai của Hồng trước tòa, trong thời gian quen nhau, chị Thi ngày nào cũng chạy xe đến nơi Hồng thuê trọ chơi. Buổi sáng, Thi đến chỗ Hồng, rồi cả hai đến công ty nơi chị Thi làm việc, sau đó người phụ nữ liền giao xe để Hồng có phương tiện đi lại. Tòa: “Bị cáo tên Hồng, tại sao lại nói với chị Thi là mình tên Trung? Có phải lúc mới gặp, bị cáo đã có ý định lừa chị Thi hay không?”.
Hồng chống chế: “Bị cáo mắc nợ người ta, vì bị đòi nợ ráo riết quá nên đi trốn, phải khai tên giả, vì sợ bị lộ”.Hồng tiếp tục nại ra nguyên nhân dẫn đến việc mình phạm tội: “Do “xã hội đen” gọi điện dọa, nếu không trả tiền, sẽ bắt con của bị cáo, tình thế bức bách nên bị cáo mới mang xe của chị Thi đi cầm. Sau đó bị cáo có nói với chị Thi, hứa cuối tuần anh trai bị cáo chuyển tiền vào tài khoản, bị cáo sẽ trả lại, nhưng chị Thi đi báo công an”.
Lướt qua một lần nữa những tiền án tiền sự của bị cáo, vị hội thẩm lên tiếng: “Trình độ của bị cáo là 12/12, từng học trung cấp điện tử, quản trị kinh doanh. Bị cáo khai mình từng làm qua rất nhiều ngành nghề, chứng tỏ rất đa năng. Cách nói năng của bị cáo thể hiện bị cáo là một người có năng lực. Tại sao bị cáo không tận dụng năng lực của mình để lao động chân chính, lại trượt dài trên con đường phạm pháp?”.
Hồng cúi đầu im lặng. Tòa tiếp tục: “Qua nhiều lần phạm tội như thế, bị cáo có suy nghĩ gì, có ý định lần này ra tù, sẽ làm lại cuộc đời không?”. Hồng lí nhí: “Bị cáo đã thấy hối hận rồi. Bị cáo mong tòa xem xét để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, nhận được mức án nhẹ nhất”. Tòa nghị án. Bị cáo lại một mình trơ trọi trên chếc ghế sát tường phòng xét xử.
Một người dự khán động lòng trắc ẩn, hỏi có muốn biết tin tức gia đình, đọc số điện thoại chị sẽ hỏi giùm. Bị cáo mừng rỡ, dán mắt vào chiếc điện thoại trong tay người phụ nữ. Sau những hồi chuông dài, cuối cùng em gái Hồng cũng bắt máy. Cô ngậm ngùi cho hay, cha đang bệnh. Người mẹ vì già yếu, không chăm sóc được con trai của Hồng, nên đành dắt cháu vào Tây Nguyên, giao cho con trai lớn (tức anh ruột Hồng) nuôi dưỡng giúp.
Cô đang bận con nhỏ, lại không biết được ngày anh ra tòa, nên gia đình không ai đến. Em gái Hồng nài nỉ muốn trực tiếp nói chuyện điện thoại với anh trai, nhưng điều đó Hồng không được phép. Tòa tuyên án, phạt Hồng 15 tháng tù. Bị cáo lặng lẽ đưa hai tay vào còng. Trước khi lủi thủi theo công an ra xe tù, Hồng đưa mắt tìm người dự khán lúc nãy, gửi gắm: “Nhờ chị nhắn cho cha mẹ em, nhắn em nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ con. Nhớ lắm. Nếu được, cha mẹ gắng vào thăm em…”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo