Chọn trường hay chọn thầy?
Chọn cho oai
Có một thực tế là rất nhiều người chọn trường mà không cần biết con sẽ học như thế nào, chỉ chọn cho bố mẹ được oai, oách. Họ không cần biết con vào trường sẽ học với giáo viên nào, hoạt động giáo dục thực chất trường đó ra sao, mà chỉ nghĩ con vào học trường đó là sẽ hơn hẳn các trường khác. Và họ tỏ ra rất tự hào về chuyện ấy. Có người là công chức hẳn hoi mà tranh luận với bạn: “Con tao học trường huyện, dù có xếp trung bình, còn hơn con mày được xếp loại giỏi ở quê”. Có lần tôi còn nghe ông thợ hồ nói mỉa anh bạn khi anh này khoe con học giỏi: Đúng là cái đồ nhà quê, tôi nghèo mấy vẫn cho con xuống huyện học. Tìm hiểu được biết anh cũng nhà quê 100%, quanh năm đầu tắt mặt tối kiếm tiền vẫn gắng cho con xuống trường “chất lượng cao” (trường chuyên cũ của huyện) để học, nhưng con không theo được bạn nên chán học, đâm chơi bời lêu lổng. Ở thành phố, câu chuyện này còn phổ biến hơn. Giáo viên thành phố có câu: Tuyển chọn “phụ huynh giỏi” chứ học sinh nào mà chả giỏi. Vâng trường, lớp mà có nhiều “phụ huynh giỏi” thì dễ làm phong trào lắm. Ngược lại, nhà giàu cũng luôn tìm đến trường có danh tiếng, chuyện tốn kém không đặt thành vấn đề!
Chọn trường, quên chọn thầy
Chọn những trường có danh tiếng cho con học, về lí thuyết thì không sai, nhưng sai ở chỗ danh tiếng ấy được tạo dựng như thế nào và ai phong. Những người am hiểu về giáo dục đều thấy được vai trò lớn của GV đối với việc học. Vậy, vấn đề là con học với ai chứ không phải học ở trường nào. Ở trường bình thường được học với GV tốt, sẽ tốt hơn nhiều học ở trường được coi là danh tiếng nhưng do GV bình thường dạy. Tôi đã từng “gan ruột” với hiệu trưởng một trường có thương hiệu ở TP Thanh Hóa: Đội ngũ GV ở đây chắc mạnh lắm? Anh bảo: Cũng thế cả thôi, nhà trường có chọn được đâu, trên quyết định ai về cũng phải nhận. Mà trên thì có chọn GV giỏi cho mình đâu, còn bao nhiêu mối quan hệ nữa chứ. Vấn đề là phải tạo thương hiệu ông ạ! Một anh bạn thân dạy ở một trường được coi là có thương hiệu khuyên chân tình: Con đứa nào thật giỏi hãy cho vào đấy học, còn giỏi thường đến khá vào đó là hỏng ngay. GV họ chỉ lo dạy HS đội tuyển để lấy giải tạo danh tiếng, chứ HS khác họ có quan tâm đến đâu.
Không kiểm định được chất lượng trường xin học cho con
Thường những trường nổi như cồn chưa hẳn chất lượng thật đã cao. Nhìn chung trường PTTH phụ huynh dễ đánh giá khi lấy kết quả thi vào Đại học hàng năm, còn trường tiểu học và THCS “người ngoài cuộc” rất khó biết chất lượng thật như thế nào. Có chuyện, Sở GD&ĐT về khảo sát chất lượng khi đang tiến hành thay SGK ở một huyện, yêu cầu được khảo sát ở một trường mạnh nhất huyện và một trường yếu nhất huyện. Phòng GD&ĐT dẫn về một huyện luôn là cánh chim đầu đàn với bao Bằng khen, cờ thi đua của sở, Bộ và một trường nhiều năm không đạt Tiên tiến cấp huyện. Kết quả rất bất ngờ, HS hai trường có chất lượng hạnh kiểm, văn hóa ngang nhau!
Có một thực tế là các trường có thương hiệu mạnh, lãnh đạo nhà trường rất giỏi “đánh bóng” thương hiệu. Họ không bỏ lỡ một cơ hội nào để tên trường họ được biểu dương trong các đợt thi đua. Có thể nhiều năm họ không quan tâm văn nghệ, trò chơi dân gian cho HS, nhưng nếu có kì thi, họ mời thầy về và đầu tư hết mức. Vì thế chất lượng HS có thể không cao hơn trường khác, nhưng khi giao lưu, thi thố họ luôn đạt thành tích cao. Một Hiệu trưởng từng tâm sự: Muốn có nhiều HS giỏi phải đầu tư, phải biết làm… tình báo nữa. Chuyện HS tiên tiến, HS giỏi cuối năm họ cho tất (trong khi các trường lại làm rất ngặt nghèo), bởi: Thu tiền của con người ta cả năm, chả lẽ cuối năm không cho họ tờ giấy khen!
Một môi trường giáo dục tốt là ở đó HS được phát triển bình thường, được khơi gợi để phát triển tư duy sáng tạo, tự khẳng định mình, dưới sự hướng dẫn của thầy. Triết lí GD này đã được GS Hồ Ngọc Đại và đồng nghiệp kiên trì thực hiện ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ và mang lại nhiều thành công (GS Ngô Bảo Châu từng là HS của trường). Có thể về kết quả nhất thời (như thi HS giỏi chẳng hạn) những trường làm nghiêm túc sẽ không bằng những trường đầu tư tạo thương hiệu bằng cách luyện gà nòi, nhưng cái được là tinh thần học tập, ý chí tiến thủ, khả năng sáng tạo, những đức tính rất cần của người lao động, được xây dựng và củng cố.
Thanh Hương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ tộc người bí ẩn nằm sâu trong rừng, không mặc quần áo, biệt lập hoàn toàn với văn minh loài người
Một ngôi mộ cổ được tìm thấy trong hồ chứa nước, ngay cả những chiếc đinh trong quan tài cũng bằng vàng, chủ nhân của ngôi mộ là ai?
Người đàn ông vỡ òa khi đào được 'tảng đá' giá trị gần 10.000 tỷ, Tần Thủy Hoàng từng săn lùng ráo riết
Y học Ai Cập cổ đại đã biết điều trị ung thư từ 4000 năm trước? Dấu vết điều trị 'ung thư' gây sốc được tìm thấy
Loài cá duy nhất trên thế giới không ai bắt được khi còn sống: Dài đến 9m, được yêu thích ở Việt Nam
Hai người nông dân đi bắt ốc từng vô tình đào được cây gỗ quý hàng đầu Việt Nam: Dài 15m, có tuổi đời khoảng 100 năm