Chốt 6 ngành công nghiệp để hỗ trợ
Các bộ, ngành đã thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ 6 ngành được lựa chọn để nhận sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản. Công việc tiếp theo là xác định các phân ngành cụ thể để tập trung đầu tư phát triển.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), người chắp bút cho Dự thảo Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, cho biết, Dự thảo đã hoàn tất và đệ trình Chính phủ, với sự thống nhất cao của các bộ, ngành liên quan.
Điểm mấu chốt, gây tranh cãi nhất trong quá trình xây dựng Dự thảo Chiến lược là việc chốt danh sách các ngành ưu tiên tập trung phát triển cũng đã được thống nhất, đó là 6 ngành: điện gia dụng/điện tử; chế biến thực phẩm; đóng tàu; máy nông nghiệp; môi trường và tiết kiệm năng lượng; công nghiệp ô tô và sản xuất phụ tùng ô tô. Cùng với 6 ngành được coi là công nghiệp nguồn này, một loạt ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ các ngành đó cũng được lên danh sách.
Song không phải tất cả doanh nghiệp trong 6 ngành trên đều có cơ hội tiếp cận các chính sách ưu tiên hỗ trợ để phát triển từ cả phía Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.
“Trên cơ sở các ngành đã xác định, hai bên đang tích cực nghiên cứu xây dựng chương trình hành động cho từng ngành cụ thể. Trong chương trình hành động đó, mỗi ngành sẽ xem xét chọn 2 - 3 phân ngành đáp ứng tốt nhất các tiêu chí đã được thống nhất”, bà Tuệ Anh phân tích và cho biết thêm, việc thu hẹp các phân ngành phải được xem xét trong bối cảnh của cả thị trường thế giới và thị trường nội địa.
Phân tích kỹ, có thể thấy, chế biến thực phẩm, máy nông nghiệp, đóng tàu là các ngành Việt Nam còn nhiều tiềm năng, nhưng năng suất còn thấp, năng lực cạnh tranh yếu. Trong khi đó, các ngành điện gia dụng/điện tử, ô tô tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, đóng góp lớn vào xuất khẩu, có lợi thế là thu hút nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, nhưng chủ yếu tập trung ở khâu lắp ráp, do thiếu công nghiệp hỗ trợ và nguyên liệu đầu vào. Còn công nghiệp môi trường và năng lượng là những ngành mới, có nhiều tiềm năng phát triển trong quá trình công nghiệp hóa hiện nay, như xử lý rác thải công nghiệp, sản xuất thiết bị bảo vệ môi trường, sản phẩm tiết kiệm năng lượng...
“Việc mở rộng các ngành này tới đây cần đi đôi với tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, cần sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách công nghiệp để khuyến khích phát triển”, bà Tuệ Anh đề xuất khi bàn tới yêu cầu tăng cường năng lực sản xuất của 6 ngành được lựa chọn phát triển, đồng thời cũng nhắm tới mục tiêu chủ động thích ứng với điều kiện cạnh tranh khi Việt Nam thực hiện cam kết xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào năm 2018 và thực hiện các cam kết hội nhập khác đến năm 2020.
Đơn cử, theo Dự thảo Chiến lược công nghiệp hoá, ngành chế biến thực phẩm được xác định là có giá trị sản xuất lớn nhất trong công nghiệp Việt Nam, với hàm lượng giá trị gia tăng được cải thiện dần. Trong Dự thảo, các chuyên gia cũng xác định, đây là ngành đóng góp đáng kể và bền vững cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Hơn thế, Dự báo cho thấy, nhu cầu về thực phẩm của châu Á được dự báo sẽ vượt so với công suất chế biến, trong khi Trung Quốc, nước xuất khẩu chính về rau quả, những năm gần đây đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn nhân lực cho gia công chế biến thực phẩm, nên nguồn cung thực phẩm trong khu vực có thể sẽ không ổn định. Đây chính là một trong những lý do để Việt Nam cần tranh thủ để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và cũng là cơ hội để doanh nghiệp Nhật Bản hiện thực nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
Chính vì vậy, theo ông Hirohoko Sekiya, cố vấn trưởng Cục Hợp tác quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, 4 phân ngành tại Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm là chế biến thủy sản, gạo, cà phê và rau quả.
“Chỉ cần sản xuất được 1 sản phẩm có thương hiệu tại Việt Nam và được thế giới đánh giá cao, thì triển vọng gia tăng xuất khẩu sẽ khá sáng sủa. Ví dụ, nếu tháo gỡ được những bất cập về hạ tầng đường bộ để vận chuyển rau xanh, tăng khả năng truy vấn nguồn gốc, thì khả năng mở rộng xuất khẩu mặt hàng này sẽ rất lớn”, ông Hirohoko Sekiya phân tích.
Cũng phải nói thêm, 6 ngành công nghiệp được lựa chọn nêu trên đã được rút gọn từ 39 ngành tiềm năng - những ngành đã có chiến lược phát triển được Chính phủ phê duyệt đến năm 2015 hoặc 2020.
Minh Trí
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Cột tin quảng cáo