Thị trường

Chốt phương án tăng lương tối thiểu: Người lo lắng, kẻ tạm hài lòng

(DNVN) - Hôm qua (3/9), sau ba phiên họp căng thẳng, có lúc rơi vào bế tắc cuối cùng Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12,4%. Sau khi phương án được đưa ra, người người lao động cũng tạm hài lòng, trong khi các doanh nghiệp lại tỏ ra lo lắng.

Đại diện không hài lòng
Sáng 3/9, tại Bộ LĐ-TB&XH, sau hai lần thương lượng bất thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức phiên họp cuối cùng để quyết định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.

Tại phiên họp thứ 3 của Hội đồng này tiếp tục diễn ra căng thẳng. Thậm chí, các bên thêm bớt từng phần trăm một. Tuy nhiên, sau một hồi căng thẳng, phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ban đầu đưa ra phương án tăng 16,8% tức là tăng 350.000-550.000 đồng/tháng đã giảm xuống 14,3%, trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn giữ mức 10,7%.

Cuối cùng, sau khi thống nhất ý kiến, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH – Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia đã công bố mức lương tối thiểu vùng năm 2016 đã được thống nhất là tăng 12,4%, tương đương với mức tăng 250.000-400.000 đồng, tùy từng vùng.
Cụ thể, theo phương án thống nhất để các thành viên Hội đồng thông qua với hơn 92% số phiếu đồng ý, mức tăng lương tối thiểu vùng trung bình khoảng 12,4%.

Trong đó, vùng 1 có mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, tăng 400.000 đồng (12,9%) so với năm 2015. Vùng 2, đạt 3,1 triệu đồng/tháng, tăng 350.000 đồng (tăng 12,7%). Vùng 3 đạt 2,7 triệu đồng/tháng, tăng 300.000 đồng(12,5%); vùng 4 có mức lương 2,4 triệu đồng/tháng, tăng 250.000 đồng (11,6%). Với mức tăng này sẽ đáp ứng khoảng trên 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng phương án tăng lương tối thiếu ở mức 12,4% là phù hợp. Ảnh: Internet.
Ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng phương án tăng lương tối thiếu ở mức 12,4% là phù hợp. Ảnh: Internet.

Trả lời báo chí sau khi phương án tăng lương được đưa ra, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH – Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia lại tỏ ra rất hài lòng với phương án được đưa ra. Theo ông Huân, dù tỷ lệ thấp hơn mức 14,3% của năm 2015, nhưng xét về con số tuyệt đối, mức điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016 bằng với mức tăng của năm 2015.

Ông Huân cũng phân tích: "Tôi nhận thấy mức tăng 12,4% là hài hòa cho cả hai bên trong bối cảnh kinh tế hiện nay, bởi dù doanh nghiệp còn nhiều khó khăn nhưng đời sống của người lao động cũng cần được cải thiện, nếu tăng thấp sẽ khó làm hài lòng người lao động”.

Không giống như ý kiến của Thứ trưởng Phạm Minh Huân, ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, phương án tăng lương 12,4% không cao được như mong muốn của Tổng Liên đoàn nhưng ở mức tăng từ 250.000-400.000 đồng tương tự mức tăng năm 2015, người lao cũng vẫn có thể chấp nhận chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Ông Chính cũng cho biết, với phương án này, người lao động chỉ có thể tạm hài lòng vì rõ ràng các chỉ số kinh tế năm nay khởi sắc hơn rất nhiều, nhưng lương tối thiểu chỉ bằng mức tăng của năm 2015 là từ 250.000-400.000 đồng từ vùng 1 đến vùng 4. 

"Đây mới chỉ là một bước nhượng bộ tạm thời để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời điểm này. Trong thời gian tới đây Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp tục kiến nghị cũng như tham gia tư vấn cho Chính phủ khi xây dựng Nghị định tiền lương tối thiểu nhằm sớm đạt được lộ trình lương tối thiểu", ông Chính quả quyết.

 

Cũng không hài lòng với mức phương án tăng lương tối thiểu như Hội đồng tiền lương Quốc gia đã đưa ra, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với mức tăng lương tối thiểu như thế doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi thực hiện mức tiền lương mới nói trên, nhất là việc đóng BHXH theo chính sách BHXH mới cũng bắt đầu có hiệu lực từ năm 2016.

Chính vì thế, theo ông Phòng, với mức tăng này phía VCCI sẽ đề xuất giãn lộ trình lương tối thiểu đáp ứng đời sống tối thiểu của người lao động bởi phần lớn doanh nghiệp đang rất khó khăn. Phải để doanh nghiệp tồn tại được thì mới có điều kiện đảm bảo được quyền lợi, lo được cho cuộc sống người lao động.

“Việc tăng lương những năm qua đã vượt quá sức chi trả của doanh nghiệp trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Nếu doanh nghiệp không hoạt động, phát triển được thì hàng nghìn công nhân sẽ bị mất việc chứ chưa nói tới đáp ứng đời sống tối thiểu. Vì vậy, chúng tôi mong người lao động sẽ chia sẻ với doanh nghiệp thời buổi khó khăn như hiện nay” - Phó Chủ tịch VCCI phân tích.

Công nhân thở phào, doanh nghiệp lo lắng

Trả lời PV về mức phương án tăng lương tối thiểu vừa được Hội đồng tiền lương Quốc gia đưa ra, anh Nguyễn Văn Hải (công nhân của một doanh nghiệp ở Quận Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết: "Tôi nghĩ với phương án tăng lương như vậy dù chưa thỏa mãn nhưng người lao động cũng tạm hài lòng. Với phương án mức tăng lương như vậy với tôi sẽ tăng thêm khoảng 400.000 đồng, dù không đáng là bao nhưng cũng có tiền để dùng lúc cần thiết".

 

Với phương án tăng 400.000 đồng/tháng, cuộc sống của những công nhân ở vùng I sẽ đỡ vất vả hơn. Ảnh minh họa.
Với phương án tăng 400.000 đồng/tháng, cuộc sống của những công nhân ở vùng I sẽ đỡ vất vả hơn. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, anh Toàn (Phú Xuyên - Hà Nội) cho rằng, với mức tăng lương như thế là hơi thấp đối với người lao động. "Trong thời buổi như hiện nay, mức tăng cao nhất là 400.000 đồng/tháng thì thật sự là khó thỏa mãn, với số tiền đó người công nhân sống ở khu trung tâm thành phố như Cầu Giấy, Đống Đa... sẽ chẳng tiêu được gì trong thời kỳ giá cả leo thang như hiện nay".

"Tuy nhiên, người lao động cũng cần thông cảm với doanh nghiệp trước thời buổi khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động vì không đủ tiền lương chi trả cho công nhân", anh này chia sẻ.

Trái ngược với người lao động, đại diện một số doanh nghiệp trong nội thành Hà Nội lại tỏ ra lo lắng bởi theo họ với phương án tăng lương như thế khả năng chi trả tiền lương cho nhân viên sẽ bị ảnh hưởng khi số tiền lương tăng nhiều lần.

Anh Hùng (chủ một doanh nghiệp ở Quận Đống Đa) cho biết, với mức tăng 400.000/tháng đối với một người lao động thì quá nhỏ. Tuy nhiên, nếu tất cả nhiên viên trong công ty thì số tiền đó sẽ rất lớn, khả năng chi trả lương cho nhân viên sẽ là áp lực với chủ doanh nghiệp trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.

" Với mức tăng như thế sẽ là một áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức tăng đó cũng đang ở mức vừa phải và cũng để giúp đời sống người lao động được cải thiện hơn. Mặc dù khả năng chi trả lương cho công nhân viên sẽ gặp nhiều áp lực nhưng tôi hy vọng rằng với mức tăng đó người lao động sẽ yên tâm làm việc để nâng cao hiệu quả công việc".

 

Như vậy, sau khi chốt phương án tăng lương tối thiểu, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ trình Chính phủ phê duyệt trước khi công bố chính thức vào tháng 10 tới. Mức lương tối thiểu mới sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2016.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo