Chủ đầm suýt bị cưỡng chế nói gì?
Theo kế hoạch cưỡng chế đầm số 104 ban hành ngày 24.11.2011, UBND H.Tiên Lãng dự kiến sẽ cưỡng chế cả khu đầm 19,3 ha của ông Đoàn Văn Vươn và khu đầm hơn 10 ha của ông Vũ Văn Luân, cũng ở Vinh Quang, Tiên Lãng, cách khu đầm ông Vươn khoảng 4 km.
Hôm nay, Thủ tướng chủ trì cuộc họp vụ Tiên Lãng Theo kế hoạch, chiều nay 10.2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp, nghe lãnh đạo TP.Hải Phòng và các bộ ngành liên quan báo cáo về vụ cưỡng chế đầm ở Tiên Lãng. Chiều qua, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết: "Chúng tôi sẽ báo cáo trung thực, toàn diện với Thủ tướng và tuân thủ mọi kết luận của Thủ tướng". Ngày 9.2, ông Vũ Văn Luân cho biết đã gửi một lá thư viết tay dài 7 trang tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nội dung lá thư ông Luân đề cập nhiều vấn đề, trong đó mong mỏi Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm những cán bộ có sai phạm tại H.Tiên Lãng và có hướng xử lý dứt điểm về việc cho thuê các khu đầm đã hết thời hạn giao đất. |
Nhưng ngày 5.1, khi đoàn cưỡng chế vào đầm ông Vươn, anh em ông Vươn đã dùng súng bắn vào công an, bộ đội. Vì sự phản kháng bất ngờ này, UBND H.Tiên Lãng quyết định tạm dừng việc cưỡng chế đầm nhà ông Luân. Ông Luân cho biết: “Nếu công an không dừng cưỡng chế mà sang cưỡng chế tiếp đầm nhà tôi, tôi cũng sẽ phản kháng”.
Hồ sơ vụ việc cưỡng chế đầm của ông Luân càng chứng tỏ sự quan liêu, coi thường pháp luật của một số cán bộ thuộc UBND H.Tiên Lãng. Ông Luân có hai khu đầm, một khu rộng 12,5 ha, một khu rộng 5,09 ha, đều ở Vinh Quang, Tiên Lãng (hai khu đầm cách nhau hơn 1 km).
Năm 2000, cả hai khu đầm của ông Luân đều được UBND H.Tiên Lãng ký quyết định giao đất nhưng thời hạn chỉ là 4 năm (vì đây là khu đầm ông Luân mua lại của người khác, những người này được H.Tiên Lãng cấp đất thời hạn 12 năm, tính từ năm 1992, năm 2004 hết thời hạn).
Tháng 6.2004, UBND H.Tiên Lãng thông báo yêu cầu ông Luân dừng đầu tư; tháng 12.2004, UBND huyện ra 2 quyết định thu hồi cả hai khu đầm của ông Luân. Đó là QĐ 1490 thu hồi 12,5 ha, QĐ 1492 thu hồi 5,09 ha.
Được tòa án bênh, UBND huyện bội tín
Ông Luân kiện các quyết định thu hồi đất này ra tòa án cấp huyện. Trong phiên xét xử sơ thẩm diễn ra vào tháng 11.2009, Hội đồng xét xử sơ thẩm của TAND H.Tiên Lãng bác đơn của ông Luân, tuyên quyết định của UBND H.Tiên Lãng là đúng pháp luật. Ông Luân tiếp tục kháng cáo lên TAND TP.Hải Phòng.
Trước khi diễn ra phiên xử phúc thẩm, ngày 9.4.2010, tại trụ sở TAND TP.Hải Phòng, thẩm phán Ngô Văn Anh đã cho lập một bản thỏa thuận giữa các bên đương sự. Trong văn bản đó, ông Phạm Xuân Hoa, Trưởng phòng TN-MT H.Tiên Lãng nêu ý kiến: “Quan điểm của UBND H.Tiên Lãng là quan tâm đến người lao động, nếu người lao động chấp hành tốt quy định của nhà nước.
Nếu ông Luân rút đơn (đơn kháng cáo - PV) thì huyện sẽ cho ông Luân tiếp tục thuê đất theo quy định của pháp luật”. Biên bản này có chữ ký của ông Luân, ông Hoa và thẩm phán Ngô Văn Anh, đóng dấu của TAND TP.Hải Phòng.
“Khi đó, tôi đinh ninh rằng nếu rút đơn huyện sẽ cho tôi thuê tiếp khu đầm, nên tôi đã rút đơn kháng cáo. Ai ngờ sau đó, UBND H.Tiên Lãng vẫn ra quyết định thu hồi khu đầm của tôi mà không hề đề cập đến việc có cho tôi thuê tiếp hay không. Khi đó cũng đã hết thời hạn làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm, tôi chỉ còn cách mang đơn đi kiến nghị các nơi nhưng không được ai giải quyết. Nhiều lần tôi đề nghị đối thoại với ông Lê Văn Hiền nhưng cũng không được chấp nhận”, ông Luân nhớ lại
Phó chủ tịch bị ép?
Theo ông Luân, ông Nguyễn Văn Khanh, Phó chủ tịch UBND H.Tiên Lãng từng có quan điểm khác với Chủ tịch Lê Văn Hiền.
“Ngày 18.10.2010, tôi và anh Vươn được mời lên trụ sở UBND H.Tiên Lãng họp bàn về khu đầm của chúng tôi. Khi đó ông Khanh chủ trì cuộc họp, ngoài ra còn có ông Hoa (Trưởng phòng TN-MT), ông Nga (Trưởng phòng Tài chính), ông Khánh (Chánh văn phòng UBND huyện)”, ông Luân kể, và nói tiếp: “Trong cuộc họp đó, ông Khanh phát biểu, các ngành chức năng huyện cần khẩn trương hướng dẫn cho tôi và anh Vươn tiếp tục thuê đất trên diện tích đang sử dụng, theo đúng quy định của pháp luật.
Nhưng điều đáng lưu ý là sau đó, cuộc họp không ra biên bản, chúng tôi không được ký vào bất kỳ hồ sơ, biên bản cuộc họp nào cả. Tôi tìm hiểu thì biết, ông Lê Văn Hiền đã lờ ý kiến của ông Khanh mà kiên quyết đòi thu hồi đầm của chúng tôi. Thực tế là sau đó cũng không có ban, ngành nào hướng dẫn chúng tôi làm hồ sơ chuyển từ giao đất sang cho thuê đất như ông Khanh đã phát biểu”.
Ông Luân nhận xét: "Tôi cho rằng có sự chủ ý của ông Hiền khi giao cho ông Khanh là trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế. Có thể ông Hiền biết ông Khanh phản đối việc cưỡng chế, nhưng ông Hiền vẫn buộc ông Khanh phải làm nhiệm vụ này, để dù muốn hay không, ông Khanh vẫn phải nhúng vào việc cưỡng chế thu hồi đầm. Đáng ra trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế phải là ông Hiền".
Sáng 9.2, hai sĩ quan Công an TP.Hải Phòng đến phòng làm việc của ông Lê Văn Hiền (ảnh) ở tầng 2, trụ sở UBND H.Tiên Lãng. Đến tận 12 giờ trưa, 2 sĩ quan này mới ra về. 13 giờ chiều cùng ngày, ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (em ruột ông Hiền), và ông Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang cũng có mặt tại trụ sở Công an TP.Hải Phòng.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hải Phòng đã tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn), bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý) và bà Nguyễn Thị Mịn (vợ ông Thoại - em trai ông Vươn) để hỏi về tài sản, đồ đạc mất mát tại khu đầm bị cưỡng chế. P.H.S |
Theo Hải Đăng - Hải Sâm(Thanh Niên)
End of content
Không có tin nào tiếp theo