Chủ đề triển khai THAAD tại Hàn Quốc tiếp tục nóng lên
Sau khi gặp binh sĩ Mỹ và các sĩ quan phụ trách đối ngoại hôm 18/5, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã viện dẫn việc Triều Tiên tiếp tục xây dựng một kho hạt nhân và tiến hành các hoạt động gây hấn mạnh mẽ khác nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các tàu, lực lượng và các tài sản khác tại Hàn Quốc để chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.
"Trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Triều Tiên, chúng ta cần triển khai tàu, lực lượng, ... và chúng tôi muốn nói đến hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD", ông Kerry cho biết.
Được biết, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa trong khi bay ở giai đoạn cuối.
Hàn Quốc và Mỹ đã nỗ lực giảm bớt những bình luận của mình liên quan đến kế hoạch triển khai THAAD, theo đó khẳng định rằng vấn đề này đã không được thảo luận giữa hai chính phủ, trong đó có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se trong ngày 18/5.
Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc cũng tái khẳng định quan điểm này.
Tuy nhiên, với bình luận của Ngoại trưởng Kerry, tình thế tiến thoái lưỡng nan của Seoul được cho là sẽ làm sâu sắc hơn sự phản đối gay gắt từ Trung Quốc và Nga, hai quốc gia coi việc triển khai hệ thống THAAD là sự tham gia thực tế vào chương trình phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ - chương trình mà họ khẳng định là nhằm vào họ.
Hôm 19/5, tướng Curtis Scaparrotti, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, cũng khẳng địn, hai quốc gia đồng minh này từng xem xét vấn đề này và sẽ "để mắt" tới các cuộc thảo luận chính thức "cuối cùng".
"Tôi nghĩ, trong tương lai chúng tôi sẽ cân nhắc việc triển khai THAAD vào thời điểm thích hợp. Cả hai quốc gia đều có sự cân nhắc không chỉ về các yếu tố quân sự mà cả các nhân tố chính trị", Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc phát biểu với báo giới sau khi tham gia một diễn đàn tại Seoul.
Phát biểu tại Diễn đàn Viễn Đông tổ chức tại Seoul hôm 19/5, tướng Curtis Scaparrotti cũng đã công bố kế hoạch tiếp nhận các tài sản quân sự mới và kết hợp số tài sản hiện có như một phần của nỗ lực hiện đại hóa liên minh và tăng cường các khả năng phòng thủ, viện dẫn mối đe dọa gia tăng từ phía Bình Nhưỡng sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm gần đây và các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trước đây.
Tướng Scaparrotti hiện vẫn là trung tâm chú ý liên quan đến cuộc tranh luận về việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc kể từ khi ông khẳng định hồi tháng 6 rằng, THAAD sẽ giúp Seoul đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên bằng việc cung cấp một thiết bị cảm biến tốt hơn, qua đó phát hiện tốt hơn các mối đe dọa và bổ sung thêm khả năng kết hợp tất cả các hệ thống phòng thủ.
Hồi tháng 3, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc thừa nhận rằng, họ đã thực hiện một số khảo sát địa điểm quanh Hàn Quốc - nơi THAAD có thể được triển khai.
Những tranh cãi xung quanh kế hoạch triển khai THAAD đã giảm bớt sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter có cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo. Tại cuộc họp báo này, ông nói rằng Mỹ và Hàn Quốc vẫn chưa bắt đầu bất kỳ cuộc thảo luận nào và rằng các hệ thống THAAD vẫn đang trong quá trình sản xuất.
Kể từ đó, Seoul đã duy trì quan điểm "3 không" khi nói về kế hoạch triển khai THAAD: không có các cuộc thảo luận nào giữa hai quốc gia đồng minh, không có yêu cầu nào từ phía Mỹ, và chưa có quyết định nào được đưa ra.
Theo nhận định của giới quan sát, đánh giá lạc quan cùng những nhận xét liên quan của các quan chức hàng đầu Mỹ có thể tạo động lực xúc tiến cho các cuộc thảo luận nội bộ nhưng cũng gây ra làn sóng tranh cãi tại cả hai quốc gia, đồng thời thúc đẩy các cuộc hội đàm chính thức.
Ông Yoo Seung-min, thành viên trong Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Hàn Quốc, cho biết, vấn đề triển khai THAAD cần phải là nội dung trọng tâm trong cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Park Geun-hye và ông chủ Nhà Trắng Barack Obama tại Washington vào tháng tới.
"Các tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền của Triều Tiên đã đặt ra các mối đe dọa quân sự hiện hữu và hiện giờ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) là một mối đe dọa khác, theo đó liên minh này chỉ có thể đáp trả hiệu quả nếu họ thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa tối ưu càng sớm càng tốt", ông Yoo Seung-min nhấn mạnh.
Trong một diễn biến liên quan, tại buổi hội thảo về an ninh diễn ra tại Mỹ ngày 19/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí Frank Rose cũng nhấn mạnh, THAAD đơn thuần chỉ là một hệ thống phòng vệ. Hệ thống này sẽ giúp cải thiện khả năng của Mỹ đối phó với các tên lửa tầm ngắn và trung từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và không tác động đến sự ổn định chiến lược lớn hơn với Nga hay Trung Quốc.
Ông Frank Rose cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù Mỹ đang xem xét triển khai hệ thống này nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và chưa có tham vấn chính thức với Hàn Quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên