Chú lùn nhặt rác kiếm tiền mua thuốc cho bố
Đã gần 40 tuổi mà vóc dáng anh Phùng Đinh Cường, làng Ý (xã Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) chỉ nhỏ như đứa trẻ lên năm. Người ta vẫn gọi anh là “chú lùn có hiếu” bởi hơn 20 năm qua anh đi khắp nơi nhặt ve chai bán kiếm tiền mua thuốc cho bố. Khi bố mất, bệnh tật cũng đổ xuống đầu anh và giờ anh phải nương náu vào tình thương của chị gái.
Chú lùn thương bố
Suốt hơn 20 năm qua, người dân TP Vĩnh Yên đã quen với dáng thấp tè, tấp tểnh của “Cường lùn”, sinh năm 1977, khi đôi chân ngắn cũng của anh phải đi khắp phố phường gom nhặt từng chiếc vỏ lon, từng mảnh túi nilon. Với chiều cao chỉ hơn 80cm và nặng chưa đầy 25kg nên đi đến đâu anh cũng kéo lê chiếc bao tải thủng lỗ chỗ, đựng thành quả lao động của mình. Do đội chiếc mũ vải rách, nên khi đứng trước những bãi rác lớn, bóng anh Cường như lẫn vào đó. Ngay cả lúc đi đường, bóng anh cũng bị “nuốt” trọn trong không gian phố xá người không đông, xe không nhiều.
Một ngày tháng 12, trời rét đậm, sau hơn hai giờ đồng hồ “làm việc” và đem thành quả bán ngay cho một cửa hàng thu mua đồng nát, anh Cường ngồi nghỉ dưới gốc cây, có người đi qua, cho 10 nghìn đồng. Thì ra là người cùng xã. Người đó hỏi đùa: “Nhặt rác kiếm tiền lấy vợ à? Chịu khó nhỉ”. Cường cười, lộ hàm răng sún: “Em thì ai chịu lấy chứ!”. Người ấy lại bảo: “Có lấy em gái anh không, anh gả cho?”. Biết người cùng xã đùa, anh Cường cũng hùa theo: “Chứ anh cứ gả xem. Em lấy ngay”.
Sau khi nói lời cảm ơn người đi đường tốt bụng, Cường giơ tờ tiền lên ngang mặt, cười khì khì: “Trưa nay mình vào quán làm chai bia”. Suốt mấy chục năm nhặt rác kiếm tiền giúp đỡ cha già, buổi trưa anh Cường chỉ lót dạ bằng một hộp sữa tươi hoặc một chai bia. Mấy người có mặt lúc đó xúm lại hỏi ăn như vậy có đói không, anh lắc đầu: “Chịu được. Mình người nhỏ, ăn thế cũng không đói đâu! Có khi chẳng cần ăn vẫn sống được ấy chứ.”
Trò chuyện với chị Phùng Thúy Mùi, chị gái anh Cường, được hay anh Cường là con út ông Phùng Văn Sơn. Cha mẹ sinh bốn con thì chỉ duy nhất anh Cường “tuổi lớn trong hình hài đứa trẻ”. Ngay từ năm 18 tuổi, dẫu sức khỏe yếu, anh Cường đã muốn giúp đỡ bố nên đi kiếm việc làm thêm. Vì anh quá bé nên không ai nhận. Có lần bị bố mắng, tủi thân, anh Cường bỏ xuống Hà Nội một tuần tìm việc. Cũng bị chê quá nhỏ, quá lùn nên chẳng ai nhận. Ông Sơn tá hỏa bảo các con đi tìm con trai. Cả đại gia đình đi hỏi han, nhờ tất cả các mối quen cũng không thấy. Trong lúc đớn đau, ân hận vì mắng con thì ông Sơn thấy Cường về. Lòng nhẹ hẳn. Ông ôm con vào lòng và bảo: “Bố xin, bố sẽ không bao giờ mắng con nữa!”.
Nhưng anh Cường thương bố, không chịu ngồi yên. Cứ thấy ông giấu nỗi buồn trong cuộc sống đầy túng thiếu trong ngôi nhà lạnh lẽo thì thương lắm. Năm 1992, một lần lang thang ở bờ sông, Cường thấy nhóm trẻ con đi nhặt túi nilon nên chạy theo. Thấy nhóm trẻ kiếm được tiền, anh cũng bắt chước. Thế rồi từ đó, anh bước vào nghề nhặt rác. Vừa tự do, vừa chẳng bị ai chê.
Tôi không bị giời đày
Dẫu hăng hái và cố gắng, song lúc nào Cường cũng có cảm giác mình phải chạy mà vẫn chậm hơn người bình thường đi bộ. Đó cũng là lý do khiến anh thấy mình phải cật lực hơn nữa. Những người anh em khỏe mạnh của anh Cường đều nghèo nên họ phải tha phương cầu thực, thành ra ông Sơn ở với “chú lùn”, chị Phùng Thị Thúy là con gái cả ở cùng làng thỉnh thoảng chạy qua chạy lại. Chị Thúy tâm sự: “Bố tôi lắm bệnh tật, có lúc ông bảo Cường còn yếu hơn ông, thôi thì ở nhà không đi nhặt rác nữa. Nhưng Cường cứ đi, nói không đi thì buồn, phần vì muốn “gỡ” ít tiền đỡ bố”.
Cường thường phải dậy từ lúc gà gáy sáng để lên đường, đều đặn suốt 22 năm nay. Nắng thì đội mũ rộng vành, chân đi dép lê; rét thì đột mũ len, chân đi giày ba-ta. Do không mang được quá nặng, nên khi kiếm được một món, hễ thấy cửa hàng thu mua nào tiện đường là anh bán, rồi “cất tiền vào túi cho chắc ăn”. Nhiều anh kiếm được 50.000 đồng mỗi ngày, ít thì 20.000 đồng. Có khi đội mưa, ướt lướt thướt nhưng anh vẫn cố gắng để không về tay không. Và thể nào hôm đó anh lại lên cơn sốt. Số tiền mua thuốc gấp đôi tiền ngày hôm đó kiếm được. Người bố thương con bảo: “Thôi, không đi nữa. Con đâu có khỏe như người ta”. Lúc đó, anh Cường chỉ vâng, rồi mai hết sốt, anh lại lên đường.
Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là tất cả nỗi vất vả anh Cường phải chịu. Trên các cung đường, anh thường bị tai nạn. Hôm thì bị xe công nông tông phải. Khi thì bị chó cắn. Lúc khác bị trẻ con trêu ghẹo và chạy nên vấp ngã. Cũng có khi bị các cháu học sinh đi xe đạp đâm phải. Lần nào người anh cũng bị trầy xước. Hàng xóm bảo anh bị giời đày, còn anh lạc quan lắc đầu: “Tôi không bị giời đày, tôi thích đi làm. Có làm được tôi mới đi chứ. Mà có đi mới có tiền”. Cách dẫn chuyện vui vẻ của anh Cường khiến những người nghe phải bật cười.
Có lần, anh Cường may mắn nhặt được một tấm áo cũ, kiểm tra thì thấy trong túi có một ít tiền lẻ, một chỉ vàng gói cẩn thận trong tờ giấy bạc. Anh liền cầm về trao cho bố. Ông Sơn nghèo nhưng không nổi lòng tham, bảo con phải trả người mất. Nhưng biết ai mất mà trả bây giờ. Chiếc áo anh Cường nhặt được ở đống rác. Làm sao mà trả. Sau khi hỏi ý kiến hàng xóm, các con, ông Sơn mới quyết định dành một nửa làm từ thiện, một nửa để mình mua thuốc bổ. Ông cũng tẩm bổ cho cậu con chịu nhiều thiệt thòi của mình nữa. Kể từ lần may mắn đó, anh Cường hăng hái làm việc hơn, bất kể trời mưa hay nắng.
Thương chị
Từ một năm nay sau khi bố mất, chị Phùng Thị Thúy đón anh Cường về ở cùng để chị em tiện chăm sóc nhau. Dường như thiệt thòi chưa buông tha anh. Mấy tháng nay, người anh thường xuyên nổi cục, gồ ghề như người ta lấy búa nện xuống mặt đất, liên tục đau nhức, đôi chân cũng như đang teo lại. Song anh vẫn cố gắng giúp đỡ chị gái, anh rể và làm mọi người vui. Không muốn anh rể phiền lòng, càng không muốn chị gái khó xử, Cường càng muốn chứng tỏ mình có khả năng sống tốt, không phải là đồ bỏ đi, nên càng hăng hái nhặt rác. Tiền anh kiếm được đưa chị gái để trang trải cuộc sống.
Tâm sự về anh Cường, chị Thúy cho biết: “Cường thấp bé như đứa trẻ nhưng chịu khó. Ngày ông tôi còn sống, cậu ấy chăm hết mực. Cậu ấy hay bị ốm, nhưng cứ nói dối là đang khỏe vì sợ mọi người lo lắng”.
Trong đôi mắt của người chị hằn sâu những nỗi lo âu cho người em. Còn người em “không lớn cũng chẳng khôn” của chị chẳng nói được lời biết ơn. Anh chỉ “nói” điều đó bằng việc đòi đi làm để kiếm tiền giúp chị- người chị gái đầy nhân hậu của anh Cường cũng có cuộc sống đầy khó khăn, cơ cực. Trước đây chị buôn bán cá nhưng thường không gặp may, công việc làm mộc của chồng càng đì đẹt. Mấy năm nay, chị Thúy bị bệnh đau lưng, không thể đi chợ bán cá nữa, thu nhập gia đình đã eo hẹp nay lại khó khăn hơn, chưa kể còn “gánh” thêm anh Cường, cũng liên tục phát bệnh. “Tôi chỉ lo, chẳng may giời bắt tội tôi mất sớm, thì không biết em tôi sẽ sống thế nào”, chị Thúy trào nước mắt, tâm sự. Chỉ nghe đến đó, anh Cường ôm chầm lấy chị: “Không, chị đừng chết. Em thương chị. Em sẽ đi nhặt rác để kiếm tiền cho chị chữa bệnh…”.
Chiều đó, trong cái lạnh gay gắt, người dân khu vực lại thấy một “chú lùn” tấp tểnh vừa nhặt rác, vừa thở dốc. Vì sao anh lại gắn đời mình với rác như vậy? Vì mê rác, vì mưu sinh và để giúp đỡ người thân, hay vì số phận đã đặt anh vào hoàn cảnh bất hạnh?
Theo An ninh thủ đô
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Cột tin quảng cáo