Chủ quán bán bún, phở... phải khám sức khỏe định kỳ?
Đối tượng áp dụng Thông tư là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (gồm: các cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
Dự thảo Thông tư của Bộ Công thương quy định, chủ cơ sở và người sản xuất/kinh doanh trực tiếp phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm còn hiệu lực do Bộ Công Thương/Sở Công Thương/các cơ quan được Bộ Công Thương chỉ định thực hiện.
Đồng thời, chủ cơ sở phải có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất/kinh doanh theo định kỳ ít nhất 1 lần trong 1 năm tại các cơ sở y tế cấp quận hoặc huyện trở lên. Hồ sơ theo dõi sức khoẻ của chủ cơ sở và người sản xuất/kinh doanh trực tiếp của cơ sở phải được lưu trữ đầy đủ tại cơ sở sản xuất/kinh doanh.
Ngoài ra, chủ cơ sở phải ban hành các quy định vệ sinh cơ sở, đảm bảo an toàn thực phẩm và phổ biến cho người sản xuất, kinh doanh trực tiếp những quy định để thực hiện.
Như vậy, nếu dự thảo được Thông qua thì chủ các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ như bán bún, phở... phải khám sức khỏe cho bản thân và người trực tiếp tham gia sản xuất/kinh doanh t(người làm, người giúp việc).
Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng quy định, địa điểm của cơ sở sản xuất phải xa nguồn ô nhiễm, độc hại, không bị tác động bởi các nguồn tác nhân gây ô nhiễm từ môi trường xung quanh làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm. Bố trí các công đoạn sản xuất sản phẩm thực phẩm theo nguyên tắc và quy trình chế biến một chiều.
Cơ sở kinh doanh thực phẩm được bố trí tại địa điểm không bị ngập nước, đọng nước, ô nhiễm bụi, hoá chất độc hại, các nguồn gây ô nhiễm khác; không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại. Nền nhà phẳng, thoát nước tốt, không gây trơn trượt, không đọng nước và dễ làm vệ sinh; trần nhà không bị dột, thấm nước, không rạn nứt, rêu mốc và đọng nước.
Khu vực kinh doanh phải có đủ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải; dụng cụ thu gom chất thải, rác thải được làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm, bền, bảo đảm kín, có nắp đậy và được vệ sinh thường xuyên.
Về nguyên liệu thực phẩm, dự thảo Thông tư yêu cầu nguyên liệu phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm sử dụng để chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế; sản phẩm thực phẩm trước khi lưu thông trên thị trường phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.
Đồng thời, phải được bảo quản phù hợp với điều kiện và hướng dẫn bảo quản của cơ sở cung cấp; sản phẩm thực phẩm phải được bảo quản bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của cơ sở sản xuất.
Dự thảo Thông tư cũng quy định, khu vực bảo quản và lưu giữ thực phẩm phải duy trì điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông gió và các yếu tố khác ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm theo các quy định/yêu cầu về bảo quản sản phẩm của nhà sản xuất. Có biện pháp, dụng cụ chống côn trùng và động vật gây hại. Đồng thời, sản phẩm thực phẩm không để chung với hàng hóa, hóa chất và những vật dụng khác có khả năng gây mất an toàn thực phẩm.
Theo Dự thảo của Bộ Công thương, ngoài đáp ứng những quy định trên, chủ cơ sở kinh doanh cũng phải tuân thủ các quy định tại Thông tư 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở sản xuất/kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng