Chủ tịch nước có thể được quyền yêu cầu Thủ tướng giải trình
(VnExpress) Ngày 15/3, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp của các cơ quan trong ngành tư pháp trình bày tại hội nghị ghi nhận sự góp ý chi tiết về tất cả nội dung điều khoản của dự thảo.
Đối với các quy định về Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Bộ Tư pháp cho rằng, bên cạnh những ưu điểm, dự thảo Hiến pháp mới chỉ ghi nhận vị trí, chức năng của Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, còn vị trí đứng đầu cơ quan hành chính thì chưa được thể hiện cụ thể; thiếu sự tách bạch trong các quy định về nhiệm vụ của Thủ tướng.
Quy định cụ thể về nhiệm vụ của Thủ tướng với vai trò lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ, nhất là lãnh đạo Chính phủ thực hiện quyền hành pháp cũng chưa có; điều khoản mở để tạo sự chủ động, linh hoạt cho Thủ tướng điều hành đất nước, nhất là trong những tình huống đột xuất, khẩn cấp chưa được đề cập.
Về trách nhiệm, dự thảo mới bổ sung quy định trách nhiệm của Thủ tướng báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước, còn trách nhiệm của Thủ tướng trong việc báo cáo trước nhân dân thì chưa có. Trong khi các bộ trưởng lại được yêu cầu phải chịu trách nhiệm này là chưa hợp lý.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị hiến định Thủ tướng "thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ và Thủ tướng phải giải quyết". Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, đây cũng là trách nhiệm chính trị của Thủ tướng, là một phương thức để người dân có được cơ chế giám sát hoạt động của Thủ tướng.
Báo cáo tổng hợp của Bộ Tư pháp cũng ghi nhận nhiều góp ý cho chương Chủ tịch nước. Ở Điều 93 về vai trò, quyền hạn của Chủ tịch nước, có ý kiến đề nghị cần trao quyền kiến nghị lại luật, pháp lệnh cho Chủ tịch nước tương tự Hiến pháp 1946. Chủ tịch nước chỉ công bố những luật và pháp lệnh nào được coi là hợp hiến, hợp pháp thì khi đó việc công bố luật, pháp lệnh mới có ý nghĩa thực tiễn.
Theo Bộ Tư pháp, quy định này biểu hiện cơ chế phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước mà không làm giảm vai trò, vị trí của Quộc hội, nhằm nâng cao trách nhiệm của Quốc hội khi thông qua các dự án luật. Khi Chủ tịch nước kiến nghị Quốc hội xem xét lại luật thì Quốc hội phải xem xét, nếu 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý thì Chủ tịch nước phải công bố luật. Quy định này nhằm nâng cao tính trách nhiệm chính trị của Quốc hội đối với người dân về những luật do mình thông qua.
Trong tổng hợp báo cáo của Bộ Tư pháp còn có ý kiến của Sở Tư pháp Quảng Ninh về bổ sung quy định “Chủ tịch nước, trong thời gian Quốc hội không họp, theo đề nghị của Thủ tướng, có quyền miễn nhiệm, cách chức các chức danh của Chính phủ do Chủ tịch nước bổ nhiệm như Phó thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.
Cục Thi hành án dân sự Sơn La kiến nghị bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn đặc biệt của Chủ tịch nước trong điều kiện đất nước có chiến tranh với tư cách là “thống lĩnh các lực lượng vũ trang và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh”. Sở Tư pháp Lâm Đồng kiến nghị cần bổ sung quyền của Chủ tịch nước được chủ trì, yêu cầu Thủ tướng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao họp giải trình về việc giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội.
Sau khi tổng hợp, ghi nhận hết các ý kiến, Bộ Tư pháp sẽ hoàn chỉnh báo cáo góp ý. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, báo cáo này sẽ là cơ sở quan trọng cho báo cáo tổng hợp của Chính phủ đối với đợt lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Hồng Lĩnh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự báo thời điểm bão Yinxing đổ bộ vào Biển Đông, xuất hiện ngay trong tuần này?
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Cơ cấu lại kinh tế vùng Đông Nam Bộ theo hướng hiện đại
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Đà Nẵng: Giải ngân vốn đầu tư công gặp hai bất cập lớn