Chủ tịch Quốc hội: “Bệnh của thanh tra là chưa làm đã nhìn thấy người ta có tội”
Ghi nhận những nỗ lực mà ngành kiểm toán trong năm 2017 đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, “bệnh của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát là chưa làm đã nhìn thấy người ta có tội. Đây là điều cần tránh. Bởi kể cả người ta có tội cũng phải ứng xử có văn hóa, sai phạm là sai phạm pháp luật, chúng ta phải có đạo đức công vụ, không gây tổn thương cho người khác khi chưa có kết luận. Kể cả khi có kết luận rồi cũng phải nghe trình bày. Phải có trao đổi để kết luận kiểm toán của mình, người ta nghe thấm, tâm phục khẩu phục”.
Chủ tịch Quốc hội cũng hoan nghênh năm qua chưa có địa phương, bộ ngành nào phản ánh KTNN đi hoạnh họe, sách nhiễu gây khó khăn, hay không lắng nghe ý kiến của đơn vị được kiểm toán. Điều này giúp xây dựng hình ảnh lực lượng KTNN liêm chính, là thiết chế độc lập chỉ tuân theo pháp luật. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm cá nhân có liên quan đến các hành vi, vi phạm pháp luật những biểu hiện sai trái, tiêu cực.
“Với kết quả này, KTNN đã góp phần rất tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, chống lãng phí tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đến kiểm toán”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Đánh giá năm 2018 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách giai đoạn 2016-2020 và là năm triển khai Nghị quyết số 7 ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN cần luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của KTNN để bảo đảm hoạt động đúng định hướng, xác định đúng mục tiêu trọng tâm kiểm toán nhằm cung cấp thông tin xác thực, kịp thời. Chủ động phối hợp và kịp thời cung cấp những thông tin, những phát hiện, những vấn đề cần kiểm toán để phục vụ các hoạt động của Quốc hội, của UBTVQH và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, trước hết là phải kiểm toán theo đúng kế hoạch mà Quốc hội đã thông qua. KTNN phải bám sát Luật Kiểm toán Nhà nước.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị KTNN cần sớm tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước để sửa đổi, bổ sung, bám sát tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XII. Tiếp tục hoàn thiện văn bản hướng dẫn Luật Kiểm toán Nhà nước một cách đầy đủ, chất lượng. Chú trọng sửa đổi, bổ sung các quy trình, phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và rút ngắn thời gian kiểm toán gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính; tăng cường phát huy tính độc lập của KTNN cũng như của kiểm toán viên, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại; cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện Đề án Xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy biên chế KTNN đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, trình Bộ Chính trị; cần không ngừng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức; quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức kiểm toán viên trong sạch, vững mạnh, đạo đức, nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng…
Đặc biệt trong năm tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN cần tăng cường công tác hợp tác quốc tế, trước mắt là chỉ đạo tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 14 Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á vào năm 2018 nhằm tiếp cận nội dung, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán hiện đại, tiên tiến trên thế giới để nâng cao vị thế, hình ảnh của cơ quan KTNN nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho hay: Trong năm 2017, toàn ngành đã triển khai 257/257 cuộc kiểm toán theo kế hoạch, xét duyệt 273/282 báo cáo kiểm toán. Kết quả xử lý tài chính đến ngày 4/1/2018 của 273 báo cáo kiểm toán là trên 43.000 tỷ đồng (trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước hơn 32 nghìn tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác trên 11 nghìn tỷ đồng), tăng 12,5% so với năm 2016.
Qua kiểm toán, đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng, tránh thất thoát, lãng phí. Trong đó có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót bất cập trong việc quản lý, sử dụng đất đai, khu đô thị; làm rõ những bất cập của cơ chế quản lý thực hiện các dự án BT, BOT; việc đầu tư không hiệu quả tại các tập đoàn, tổng công ty… được dư luận, xã hội quan tâm, ủng hộ.
Đáng lưu ý, trong năm 2017, KTNN đã chỉ đạo kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với 2 vụ việc; đang chỉ đạo củng cố hồ sơ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; cung cấp 12 bộ hồ sơ, tài liệu để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra và tố tụng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất