Chưa chịu kỷ luật thị trường, DNNN luôn thắng
Việc áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ đưa khu vực doanh nghiệp này vào đúng quỹ đạo trong mối quan hệ Nhà nước - thị trường và doanh nghiệp.
DNNN đang áp đặt luật chơi
Trước hết, phải nhấn mạnh rằng, yêu cầu áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, mọi chuyển biến đều rất chậm, cả trong tư duy và hành động.
Thứ nhất, quan niệm về vai trò và chức năng của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung và tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói riêng vẫn chưa thay đổi.
DNNN vẫn được sử dụng làm công cụ, là lực lượng vật chất để Nhà nước điều tiết thị trường, điều tiết nền kinh tế. Quan niệm và cách làm này không phù hợp với vai trò của Nhà nước nói chung và DNNN nói riêng trong nền kinh tế.
Nhà nước, thị trường và doanh nghiệp là ba lực lượng chính trong thể chế kinh tế thị trường. Về quan hệ ba bên nói trên, Nhà nước điều tiết doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua thị trường. Nhà nước tác động đến thị trường, thay đổi đòn bẩy khuyến khích để qua đó, tác động đến doanh nghiệp theo cơ chế thị trường thông qua giá cả và cạnh tranh thị trường.
Đối với các trường hợp mà thị trường không phát huy tác dụng, thì Nhà nước trực tiếp áp đặt các điều kiện vì lợi ích cộng đồng và trực tiếp thực hiện các biện pháp để thực thi các điều kiện đó. Bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… là những trường hợp điển hình của quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp thuộc loại này.
Trong quan hệ giữa doanh nghiệp và thị trường, Nhà nước có trách nhiệm giám sát các doanh nghiệp độc quyền, thống lĩnh thị trường để các doanh nghiệp này không lạm dụng vị thế của mình để trục lợi, làm hại môi trường cạnh tranh.
Nói cách khác, Nhà nước không sử dụng doanh nghiệp để điều tiết thị trường, mà ngược lại, phải quản lý, giám sát và ngăn ngừa doanh nghiệp lạm dụng vị thế của mình để tác động, làm méo mó, sai lệch tín hiệu thị trường.
Như vậy, việc Nhà nước sử dụng DNNN để điều tiết thị trường là không phù hợp với nguyên tắc thị trường.
Chính vì vậy, hàng loạt nguyên tắc khác của thị trường vẫn chưa thực sự được áp dụng đối với DNNN.
Trước hết là không tuân thủ nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”. Hiện nay, DNNN kinh doanh thua lỗ, không thanh toán được các khoán nợ đến hạn, nhưng không bị phá sản, tức là chưa chịu sự trừng phạt khắc nghiệt của cạnh tranh thị trường. Nhà nước, về cơ bản, vẫn đứng ra gánh chịu các khoản nợ cho doanh nghiệp dưới hình thức giãn nợ, giảm nợ, chuyển nợ cho đơn vị khác hoặc bảo lãnh nợ... Từ đó, những người có liên quan, như đại diện chủ sở hữu, người quản lý..., cũng không chịu ảnh hưởng bởi sự khắt khe và công bằng của thị trường.
Trong khi đó, Nhà nước, với tư cách là nhà đầu tư, lại không nhận phần còn lại cuối cùng (lợi nhuận) về mình, bởi lợi tức của DNNN không thành nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Như vậy, trong hoạt động của DNNN, “lời” thì Nhà nước không lấy, lỗ thì dân chịu và những người có liên quan trực tiếp lại không phải gánh chịu trách nhiệm.
Sau nữa, DNNN không áp dụng đầy đủ giá thị trường của vốn. Cụ thể, DNNN vẫn được hưởng một số tín dụng ưu đãi, lợi tức/vốn chủ sở hữu chỉ cần một số dương tối thiểu là đủ, không buộc phải tạo ra khoản lợi tức/vốn chủ sở hữu ít nhất bằng giá vốn trên thị trường.
Nguyên do từ thể chế
Phải thẳng thắn rằng, việc DNNN chưa áp dụng đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường một phần do những rào cản thể chế.
Về chủ trương phát triển kinh tế nhà nước, DNNN phải giữ vai trò chi phối trong các ngành, nghề quan trọng của nền kinh tế. Các tập đoàn, tổng công ty được thành lập là để hiện thực hóa chủ trương đó.
Chính vì vậy, các tập đoàn, tổng công ty ngành được tạo điều kiện để giữ độc quyền hoặc giữ vị trí thống lĩnh thị trường của ngành đó. Từ đó, phần lớn cơ hội đầu tư, kinh doanh của trong ngành bị tổng công ty, tập đoàn có liên quan chi phối. Các tập đoàn, tổng công ty loại này luôn được chọn là người “thắng cuộc”, không phải đối mặt với cạnh tranh trên thị trường.
Về cơ chế quản lý hiện hành của Nhà nước đối với khu vực doanh nghiệp này, các cơ quan nhà nước vẫn can thiệp theo phương thức hành chính, phi thị trường vào hoạt động kinh doanh và quản lý doanh nghiệp, từ quyết định đầu tư, tổ chức kinh doanh, đến lựa chọn cán bộ quản lý và tuyển dụng nhân công, tiền lương - tiền thưởng…
Ngoài ra, DNNN còn được giao thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội mà không được hạch toán riêng, hạch toán đầy đủ chi phí theo giá thị trường. Các quyết định loại này cũng đang thực sự cản trở DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường; đang là lực cản lớn đối với việc phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của DNNN. Đây là một bất lợi của DNNN so với các doanh nghiệp khác.
Đặc biệt, chưa có cơ chế áp dụng đầy đủ nguyên tắc và thực tiễn quản trị tốt đối với DNNN, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cho dù yêu cầu này đã được đặt ra. Một số bộ quy tắc về quản trị công ty hiện đại được áp dụng, như bộ quy tắc của OECD, WB hay ADB..., nhưng trên thực tế, chỉ một số tập đoàn, tổng công ty áp dụng một vài quy định của các bộ quy tắc đó.
Cần phải khẳng định, hệ thống động lực khuyến khích đối với DNNN, những người quản lý doanh nghiệp và các bên liên quan đến DNNN chỉ thay đổi, phù hợp với cơ chế thị trường khi các DNNN áp dụng đầy đủ nguyên tắc, kỷ luật thị trường và khung khổ quản trị công ty hiện đại.
Đặt đúng vị trí của DNNN
Việc áp đặt được đầy đủ các nguyên tắc và kỷ luật thị trường với khu vực DNNN cần một thời gian nữa để hoàn tất, song không thể vì thế mà các kế hoạch tái cơ cấu DNNN bị chậm lại.
Trong gian đoạn này, chúng ta vẫn có thể buộc các DNNN phải tuân thủ ngay một số trong các yêu cầu đó.
Thứ nhất, có thể yêu cầu đầy đủ ràng buộc về chi phí vốn trong đầu tư và kinh doanh của DNNN. Nhà nước phải lấy lợi nhuận với mức ít nhất bằng giá thị trường của vốn.
Thứ hai, cho phép DNNN tự chủ hơn trong cơ cấu lại vốn và tài sản trong khuôn khổ mục tiêu và các chỉ tiêu đã định…
Thứ ba, người đại diện chủ sở hữu, cán bộ quản lý phải trực tiếp chịu trách nhiệm giải trình đối với kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, không bảo toàn và phát triển vốn, thua lỗ không thanh toán được nợ đến hạn, không trả đủ thuế cho Nhà nước…, thì người đại diện chủ sở hữu, người quản lý phải bị thay thế.
Cùng với đó, phải áp dụng một số nguyên tắc quản trị hiện đại đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đồng thời, áp dụng đầy đủ hoặc ít nhất là cải thiện đáng kể nguyên tắc công khai, minh bạch hóa thông tin và thiết lập cơ chế giám sát hữu hiệu đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Quản lý theo sứ mệnh
Trong khi chưa thiết lập được cơ quan chuyên trách, độc lập thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, thì tại từng bộ, UBND cấp tỉnh phải thành lập bộ phân chuyên trách theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả hoạt động của DNNN trực thuộc.
Các bộ chuyên ngành, đại diện trực tiếp thực hiện các quyền chủ sở hữu nhà nước phải xác định được sứ mệnh, vai trò và chức năng cụ thể của từng tập đoàn, tổng công ty; trên cơ sở đó, xác định cụ thể các mục tiêu, kèm theo đó là các chỉ tiêu thể hiện mục tiêu (làm thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu).
Mục tiêu và các chỉ tiêu đó phải thể hiện đầy đủ trong chiến lược, kế hoạch trung hạn và kế hoạch hàng năm, hàng quý của tập đoàn, tổng công ty. Kế hoạch luôn bao gồm 2 phần: kế hoạch sản xuất - kinh doanh và kế hoạch ngân sách (hay tài chính).
Cơ quan chủ sở hữu phải thiết lập hệ thống thu thập thông tin, phân tích, theo dõi, so sánh và đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu phát triển, mục tiêu kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty có liên quan.
Trường hợp có sự khác biệt giữa mục tiêu và thực tế, thì phải phân tích, xác định nguyên nhân và có giải pháp can thiệp cần thiết, kể cả việc thay đổi nhân sự quản lý, nếu xét thấy cần thiết.
Nếu có cơ chế theo dõi, giám sát như trên, sẽ không có những vụ việc lớn như Vinashin và Vinalines gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế nhà nước nói riêng.
Đẩy nhanh việc cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng là giải pháp có thể thực hiện được ở mức độ nhất định. Tuy vậy, ngoài các giải pháp cụ thể đã được kiến nghị, thì việc thay đổi quan niệm về vai trò và chức năng của cổ phần hóa, thoái vốn cũng không kém phần quan trọng.
Cổ phần hóa không phải là để Nhà nước huy động vốn, mà là giải pháp thay đổi căn bản hệ thống động lực nội sinh và tạo áp lực thị trường đầy đủ đối với DNNN, qua đó, tài sản quốc gia được quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế.
Tương tự, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành không phải chỉ là để cắt lỗ, giảm lỗ, mà là giải pháp sử dụng cơ chế thị trường để phân bố lại nguồn lực, làm sống lại một bộ phần nguồn lực đang “chết” trong sự quản lý của các tập đoàn, tổng công ty. Đó mới chính là thoái vốn ngoài ngành theo đúng tinh thần và nội dung của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Cột tin quảng cáo